Đề án giao thông thông minh của Hà Nội có gì đặc biệt?
Việc triển khai Đề án giao thông thông minh sẽ giúp Hà Nội giải quyết các tồn tại, hạn chế hiện nay, đồng thời hình thành hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo các giai đoạn, thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại.
Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 19, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường khẳng định: “Việc ban hành Nghị quyết thông qua Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" là hết sức cần thiết".
Hóa giải thách thức, khơi dậy các nguồn lực
Cụ thể, theo đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong nhiều năm qua, với sự quan tâm của Chính phủ cũng như những nỗ lực vượt bậc của nhân dân, các cấp chính quyền Thành phố, Hà Nội bước đầu đã xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vận tải theo quy hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông.
Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống giao thông vận tải hiện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường… là những thách thức lớn với các cơ quan quản lý giao thông thành phố.
Qua kinh nghiệm thực tiễn triển khai trên thế giới cho thấy, việc hình thành phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) giữ vai trò quan trọng, có tính nền tảng và là một trong các trụ cột chính của Thành phố thông minh (không thể có được thành phố thông minh nếu không phát triển được hệ thống giao thông thông minh).
Vì vậy, việc triển khai Đề án sẽ góp phần giải quyết các tồn tại, hạn chế hiện nay, hình thành hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo các giai đoạn, thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành Thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Đề án cũng sẽ là công cụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý, điều hành giao thông.
Nguyên tắc xây dựng Đề án bảo đảm phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo tính khoa học và thực tế, bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện. Các ứng dụng của hệ thống giao thông thông minh thành phố phải có tính mở, cho phép người sử dụng có khả năng lựa chọn, ra quyết định, đồng thời đảm bảo sẵn sàng chia sẻ, phát triển.
Hướng tới hệ thống giao thông thông minh, hiệu quả
Đề án vừa được thông qua hướng tới mục tiêu định hướng phương án hình thành hệ thống giao thông thông minh cho thành phố Hà Nội theo từng giai đoạn cụ thể, trong đó có việc hình thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông chung của thành phố vào năm 2025.
Đồng thời, xác định được khung kiến trúc chung cho hệ thống giao thông thông minh và các chức năng chính cơ bản của hệ thống giao thông thông minh, định hướng các cơ chế chính sách trong quản lý, đầu tư, khai thác, vận hành hệ thống, phân công trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện...
Thực tế cho thấy, trước khi Đề án giao thông thông minh được thông qua, việc phát triển giao thông thông minh đã được thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng trong lộ trình phát triển thành phố thông minh, hiện đại. Quá trình này cũng đã đạt được những chuyển biến tích cực.
Minh chứng, vào đầu tháng 7 vừa qua, thành phố Hà Nội đã đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (đặt tại số 1 phố Kim Mã, quận Ba Đình). Qua đó, kỳ vọng sẽ góp phần tổ chức, quản lý điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả.
Trung tâm Điều hành giao thông thông minh là một trong những giải pháp quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về "Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, giao thông thông minh là một trong những nội dung quan trọng trong tổng thể.
Cũng trong thời gian qua, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã trình UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS) giai đoạn 1 trên địa bàn thành phố Hà Nội, thời gian thực hiện từ năm 2025 - 2027.
Theo tờ trình, ITS sẽ được triển khai theo phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin, chi phí ước tính khoảng 392 tỷ đồng cho giai đoạn 1 (từ năm 2025-2027), nguồn từ ngân sách Thành phố.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, Hà Nội đề xuất lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024-2026) là hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội.
Giai đoạn 2 (2027-2029) sẽ mở rộng phạm vi, vùng hoạt động đối với 9 chức năng hiện hữu đã hình thành trong giai đoạn 1. Hoàn thiện, đưa vào khai thác vận hành đủ 12/12 chức năng theo yêu cầu của hệ thống giao thông thông minh (bổ sung 3 chức năng còn lại: Quản lý vận tải; quản lý nhu cầu (thu phí nội đô); mô phỏng giao thông). Tích hợp toàn bộ các hoạt động liên quan đến quản lý, điều hành giao thông Thành phố tại trung tâm.
Giai đoạn 3 (từ năm 2030) sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống giao thông thông minh Thành phố, kết hợp đồng bộ cùng sự phát triển của hạ tầng giao thông, tạo nên di chuyển thông minh trong thành phố thông minh, đưa Hà Nội trở thành thành phố có hệ thống quản lý, điều hành giao thông tiên tiến ngang tầm khu vực.
Dự kiến hạn chế phương tiện gây phát thải ô nhiễm để bảo vệ môi trường
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thành phố đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn thành phố nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế gây ô nhiễm.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình HĐND thành phố vào tháng 12. Nếu nghị quyết được thông qua, từ ngày 1/1/2025, thành phố sẽ có hành lang pháp lý chính thức về các điều kiện và tiêu chí cần thiết, từ đó tạo cơ sở cho chính quyền địa phương đánh giá thực trạng và khả năng để xây dựng hồ sơ kỹ thuật về vùng phát thải thấp.
Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Quy hoạch Kiến trúc và các sở, ngành khác sẽ đánh giá tổng thể các yếu tố về điều kiện, tiêu chí và giải pháp dựa trên thực tiễn và năng lực thực thi của khu vực được đề xuất rồi trình UBND thành phố xem xét, thông qua. Các điều kiện, tiêu chí ở các vùng, các quận, huyện sẽ khác nhau.
Theo lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp năm 2025-2030, Hà Nội lựa chọn khu vực quận Hoàn Kiếm để thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp, đánh giá hiệu quả và đề xuất nhân rộng mô hình ở các địa phương.
Trong đó, cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp; ưu tiên ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4, xe máy đáp ứng tiêu chuẩn mức 2; 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; tỉ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng cho vùng phát thải thấp đạt 45%-50%.
Các cá nhân, tổ chức sinh sống và làm việc tại vùng LEZ sẽ được ưu tiên lộ trình 12 tháng để chuyển đổi phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải cho phép lưu thông ở vùng này.