Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại khu lễ hội, xử lý như nào?

Dịch vụ ăn uống trong mùa lễ hội mang tính chất thời vụ nên không được đầu tư chuyên nghiệp. Vì vậy, các cơ sở hoặc cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm quy định an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt theo quy định.

Bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - Ảnh: VGP/HM

Bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - Ảnh: VGP/HM

Cụ thể, theo quy định của Luật an toàn thực phẩm và các nghị định hướng dẫn Luật, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải tuân thủ các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trong đó, phải có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Các trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau, không gây ô nhiễm cho thực phẩm, đồng thời có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;

Đối với người tham gia trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang kinh doanh thực phẩm.

Nguyên liệu chế biến thực phẩm phải đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Vi phạm ATTP và mức xử phạt

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, khi các cơ sở hoặc cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm quy định an toàn thực phẩm sẽ bị mức phạt như sau:

Khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP đã quy định, phạt tiền từ 1 lần đến 2 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với một trong các hành vi gồm:

Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng;

Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, khi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, cụ thể ở các hành vi:

Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh;

Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến;

Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;

Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Các hành vi vi phạm này sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng/1 hành vi nêu trên. Mức phạt này quy định cho cá nhân, đối với tổ chức, mức phạt tiền tăng gấp hai lần.

Đối với các hành vi sau đây sẽ bị áp mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/1 hành vi:

Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước;

Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn;

Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm;

Cống rãnh thoát nước thải khu vực cửa hàng, nhà bếp bị ứ đọng; không được che kín;

Không có nhà vệ sinh, nơi rửa tay;

Không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh.

Mức phạt quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b,c khoản 6 Điều 1 Nghị định số 124/2021/NĐ-CP. Mức phạt này quy định cho cá nhân, đối với tổ chức, mức phạt tiền tăng gấp hai lần.

Hiện nay là thời điểm diễn ra mùa lễ hội đầu xuân tại nhiều địa phương trên cả nước. Dịch vụ ăn uống trong các lễ hội thường mang tính chất thời vụ nên không được đầu tư đầy đủ, thường thiếu chuyên nghiệp và xuất hiện nhiều hộ kinh doanh cá thể, thiếu các yêu cầu cần thiết để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, việc triển khai xử phạt sẽ quy định theo hành vi. Trong đó, các hành vi có mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên tới 100 triệu đồng, đối với tổ chức mức cao nhất tới 200 triệu đồng.

Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, nếu hành vi vi phạm chưa tương xứng mức xử phạt với vi phạm về an toàn thực phẩm thì có thể xử phạt tối đa 7 lần giá trị của hàng hóa vi phạm.

Cụ thể, theo các quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi thì những hành vi được xác định là rất nghiêm trọng đối với sức khỏe của con người sẽ bị phạt hành chính tối đa 7 lần giá trị hàng hóa.

Thực tế, Cục An toàn thực phẩm đã nhiều lần xử phạt và áp dụng mức xử phạt này, có đơn vị Cục An toàn thực phẩm phải ra quyết định xử phạt tới gần 11 tỷ đồng.

HM

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/vi-pham-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-tai-khu-le-hoi-xu-ly-nhu-nao-102250210081859738.htm
Zalo