Gặp người đàn ông biến những khúc gỗ đơn sơ thành món quà tặng độc đáo ở phố cổ Hà Nội

Từ nhiều năm nay, trên con phố Hàng Quạt ở phố cổ Hà Nội vẫn có một góc nhỏ dành riêng cho cửa hàng khắc dấu gỗ thủ công - nghề cổ xưa sống trong thời đại số.

Hơn nửa đời người gắn bó với những khúc gỗ

Khi đi qua con phố Hàng Quạt, không khó để bắt gặp một người đàn ông đang cặm cụi, miệt mài với những con dấu gỗ. Đó là ông Phạm Ngọc Toàn (68 tuổi, Hà Nội) - nghệ nhân khắc dấu đã có gần 40 năm tuổi nghề.

Ông Toàn chia sẻ: “Ngay từ nhỏ tôi đã rất thích thú khi được tiếp xúc và được xem ông bà, bố mẹ khắc những con dấu. Rồi từ đó tôi cũng tự mày mò và tập khắc dấu. Đó cũng là cơ duyên để tôi đến với nghề này”.

Con dấu ban đầu ra đời nhằm xác thực giấy tờ hay niêm phong tài liệu, thư từ quan trọng... Thời thế thay đổi, từ khi du lịch mở cửa thì những con dấu này không chỉ chỉ phục vụ cho dân văn phòng, công sở mà còn trở thành vật kỉ niệm, quà sinh nhật, quà lưu niệm... để tặng người thân, bạn bè.

Để khắc được một con dấu thủ công, ông Toàn cho biết phải trải qua nhiều bước như: chọn gỗ, mài phôi, phác họa, chạm khắc,… Trong từng bước, người nghệ nhân luôn phải tỉ mỉ và kiên nhẫn. Đặc biệt là trong công đoạn điêu khắc, chỉ cần không đủ tỉ mỉ hay chỉ cần lỡ tay một cái là các chi tiết sẽ bị xấu và không còn được hoàn thiện. Điều kì lạ khi khắc tên lên những con dấu là ta phải khắc ngược, có như vậy thì hình in lên giấy mới đúng được.

Theo ông Toàn để khắc một con dấu nhỏ, họa tiết đơn giản sẽ mất khoảng 15 – 20 phút nhưng với những con dấu lớn hơn, họa tiết cầu kì, cần sự tỉ mỉ hơn thì sẽ mất khoảng 3 – 4 ngày, thậm chí là vài tuần để hoàn thiện. Ông cũng rất để tâm đến những yêu cầu của khách hàng, tùy từng loại con dấu ông sẽ tìm hiểu ý nghĩa riêng và tạo hình sao cho phù hợp nhất.

Còn khách là còn nghề

Cùng với thời gian, nghề khắc dấu gỗ thủ công đang dần bị mai một, ông Toàn vẫn ngồi đó, cố gắng gìn giữ nghề truyền thống của gia đình cũng như tìm người nối nghiệp. Để thích nghi với sự phát triển của xã hội và đáp ứng yêu cầu của khách hàng, những con dấu đã có sự thay đổi về hình dáng và kích thước. Người nghệ nhân phải tìm tòi, học hỏi để khắc họa ra những con dấu độc lạ, ấn tượng nhằm thu hút khách hàng.

Không nhiều không ít, ngày ngày vẫn có những vị khách lui tới góc nhỏ trên con phố Hàng Quạt. Vẫn có những con người nhớ đến và muốn tìm mua con dấu cho bản thân hay để làm quà tặng, đây cũng là một động lực để ông Toàn tiếp tục cố gắng gìn giữ và phát triển nghề khắc dấu truyền thống.

Bạn Dũng (20 tuổi) chia sẻ: “Tôi là một người thích tìm hiểu về các nghề truyền thống, một lần thấy quán qua mạng xã hội nên tôi đã đến đây để được tận mắt xem bác Toàn làm ra những con dấu. Thực sự đây là một công việc rất khó, đòi hỏi sự tập trung và sự tỉ mỉ nên khó có những bạn trẻ muốn theo. Nhưng tôi mong trong tương lai sẽ có nhiều bạn trẻ đến đây học nghề hay đơn giản là quảng cáo giúp quán đông khách hơn để bác có động lực làm nghề”.

Nhắc đến dấu gỗ trên phố Hàng Quạt không ai là không biết đến nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn, cửa hàng của ông cũng được quảng cáo rất nhiều trên các mặt báo từ trong nước đến nước ngoài. Thế nhưng đối với ông sự nổi tiếng không quan trọng, niềm vui và sự đón nhận, trân trọng của khách hàng đối với những con dấu ông làm ra mới là điều quan trọng nhất với ông.

Minh Ánh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/gap-nguoi-dan-ong-bien-nhung-khuc-go-don-so-thanh-mon-qua-tang-doc-dao-o-pho-co-ha-noi-post402829.html
Zalo