Vì đâu nên nỗi ngành khoa học cơ bản mất sức hút từ bậc đại học trở lên?

Theo GS.TS Ngô Quốc Anh, các ngành khoa học cơ bản mất sức hút từ bậc đại học trong khi phổ thông vẫn có nhiều thí sinh giỏi, đạt huy chương Olympic.

Khoa học cơ bản là những ngành khoa học nghiên cứu, khám phá các quy luật của tự nhiên và tạo ra những kiến thức mới. Một số ngành khoa học cơ bản gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học,… và nhóm các ngành trong khối khoa học trái đất như Địa lý, Địa chất, Môi trường, Khí tượng và khí hậu học, Hải dương học. Các ngành này đều là những lĩnh vực thiết yếu góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia.

Tuy nhiên, những năm gần đây, các ngành khoa học cơ bản mất dần sức hút, số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành này ngày càng giảm. Điều đó tạo ra thách thức lớn cho hệ thống giáo dục trong việc duy trì và phát triển nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực khoa học cốt lõi này.

Ngành khoa học cơ bản dần mất sức hút thường bắt đầu ở bậc đại học trở lên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quốc Anh - Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định, thực trạng các ngành khoa học cơ bản dần mất sức hút bắt đầu được nhìn thấy rõ nhất ở bậc đại học trở lên.

 Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quốc Anh - Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. (Ảnh: Website Viện Hóa học)

Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quốc Anh - Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. (Ảnh: Website Viện Hóa học)

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quốc Anh, các trường phổ thông chuyên trên cả nước đều có lớp chuyên về các môn tự nhiên. Không chỉ vậy, các cuộc thi Olympic toàn quốc và quốc tế thường thu hút số lượng lớn học sinh giỏi tham gia, thậm chí nhiều người còn giành giải thưởng cao. Tuy nhiên, khi đăng ký xét tuyển đại học, đa số học sinh thường không đặt nguyện vọng vào các ngành khoa học cơ bản. Thay vào đó, các em có thiên hướng chọn các ngành "hot" với nhiều cơ hội rộng mở sau khi ra trường. Thực tế cho thấy tâm lý chung của nhiều phụ huynh và học sinh thường chọn ngành học gắn vào định hướng nghề nghiệp mong muốn.

“Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến các ngành khoa học cơ bản dần mất sức hút là do xã hội chưa thực sự hiểu được tầm quan trọng của chúng và chưa đảm bảo vị trí việc làm, thu nhập ổn định cho sinh viên sau tốt nghiệp. Do đó, sau một thời gian, người học nhận thấy bản thân chọn những ngành “hot” theo xu hướng phát triển sẽ đem lại nhiều giá trị về công việc và tài chính hơn.

Bởi, khi kinh tế phát triển, xã hội có thêm những ngành mới hấp dẫn người học hơn và mối quan tâm dành cho ngành khoa học cơ bản sẽ giảm dần. Trong khi đó, thực tế đã chỉ ra những chính sách đãi ngộ, lương thưởng, khả năng thăng tiến và các điều kiện phát triển khác của người làm trong ngành khoa học chưa được hấp dẫn như những ngành nghề khác”, Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quốc Anh nêu quan điểm.

Cũng theo Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, khi lựa chọn ngành học, thí sinh sẽ phân vân liệu vị trí việc làm của ngành này có đảm bảo được cuộc sống cho bản thân và gia đình. Hay nói cách khác, chính sách đãi ngộ có đủ giữ chân những người trẻ có năng lực để cống hiến. Chỉ khi giải đáp ổn thỏa câu hỏi này, người học mới an tâm tập trung nghiên cứu và đem giá trị của mình cho sự nghiệp khoa học.

“Còn việc xét, thi tuyển vào các trường đại học hay viện nghiên cứu, tôi cho rằng, đó không phải là rào cản với những người có năng lực tốt, thậm chí còn là thế mạnh của họ. Bởi trong xã hội, tỷ lệ cạnh tranh ở các ngành phát triển thậm chí còn khốc liệt hơn”, Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bày tỏ.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phương Đình Tâm - Trưởng Khoa khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa nhận định, hiện nay, học sinh ít lựa chọn các ngành khoa học cơ bản làm nguyện vọng xét tuyển đại học vì cho rằng ít cơ hội việc làm sau tốt nghiệp và mức thu nhập chưa tương xứng.

“Rào cản lớn nhất mà sinh viên ngành khoa học cơ bản gặp phải sau khi tốt nghiệp là việc họ không thấy rõ được con đường sự nghiệp của mình. Do đó, việc hỗ trợ các dự án nghiên cứu, đảm bảo vị trí làm việc sau khi ra trường sẽ giúp sinh viên an tâm hơn khi chọn ngành học này. Đơn cử đối với ngành vật liệu, mặc dù chúng có vai trò quan trọng trong hầu hết các công nghệ hiện đại như điện thoại thông minh, xe điện, nhưng ít sinh viên nhận thức rõ về cơ hội nghề nghiệp và tầm quan trọng của ngành", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phương Đình Tâm bày tỏ.

Theo thầy Tâm, các cơ sở giáo dục cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh về tầm quan trọng và tiềm năng của các ngành khoa học cơ bản. Đồng thời, nhà trường tăng cường hoạt động nghiên cứu thực tiễn, định hướng nghề nghiệp từ cấp phổ thông, kết hợp với các cuộc thi sẽ giúp học sinh thấy được sự hấp dẫn và giá trị của những ngành này.

Đầu tư vào khoa học cơ bản là chiến lược bền vững mang lại lợi ích lâu dài cho quốc gia

Theo bà Trần Thị Thu Đông - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, khoa học cơ bản là nền tảng của mọi tiến bộ khoa học và công nghệ, đóng vai trò cốt lõi trong sự phát triển bền vững của một quốc gia. Các nghiên cứu của ngành khoa học cơ bản không chỉ mở ra những chân trời tri thức mới mà còn tạo ra những đột phá công nghệ mang tính cách mạng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

 Đại biểu Trần Thị Thu Đông - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội)

Đại biểu Trần Thị Thu Đông - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội)

Mỗi khám phá của ngành khoa học cơ bản đều là một viên gạch góp phần xây dựng nên tòa nhà kiến thức khổng lồ của nhân loại. Nhờ đó, chúng ta có được những công nghệ đột phá, từ máy tính, điện thoại thông minh đến các phương pháp điều trị bệnh nan y. Hơn thế nữa, khoa học cơ bản còn cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc… Các kết quả nghiên cứu của khoa học cơ bản là tiền đề cho sự phát triển công nghệ và nghiên cứu ứng dụng.

“Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tuyển sinh vào các ngành khoa học cơ bản tại nước ta đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính của vấn đề trên đến từ nhận thức chưa đầy đủ của xã hội về tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản, đồng thời còn những hạn chế về chính sách hỗ trợ và cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

Theo tôi, việc đề xuất Nhà nước nên có thêm chính sách hỗ trợ tương tự như Nghị định 116 của ngành sư phạm với các ngành khoa học cơ bản là cần thiết. Nếu xác định “Khoa học cơ bản là nền tảng của sự phát triển bền vững”, có một tầm nhìn hướng đến chiến lược phát triển bền vững quốc gia, tránh tình trạng chạy theo nhu cầu tức thời thì đề xuất này sẽ mang tính khả thi cao”, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông nêu quan điểm.

Theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, việc kết hợp giữa các chính sách tài chính và khuyến khích việc làm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản là một hướng đi hết sức cần thiết và hiệu quả. Tuy nhiên, để Nhà nước triển khai thêm chính sách hỗ trợ cho các ngành khoa học cơ bản đạt hiệu quả thì cần nghiên cứu và hoạch định chiến lược một cách tổng thể để tránh việc đầu tư nhưng vẫn không đạt hiệu quả.

Thứ nhất, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho các dự án nghiên cứu cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là những nhà khoa học có tiềm năng; đẩy mạnh cơ chế đặt hàng từ Nhà nước về nguồn nhân lực các ngành khoa học cơ bản; tăng cường đầu tư từ ngân sách kết hợp trao quyền tự chủ cho các trường đại học theo cơ chế đánh giá theo kết quả đầu ra; hỗ trợ về cơ chế và tài chính để tăng hiệu quả nghiên cứu khoa học cơ bản tiếp cận với xu hướng quốc tế.

Thứ hai, Nhà nước cần phải có những cải cách trong chương trình đào tạo các ngành khoa học cơ bản với những chuẩn đầu ra năng lực đáp ứng nhu cầu kỹ năng của xã hội, đặc biệt là ngoại ngữ.

Thứ ba, Nhà nước cần tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp thông qua đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng nghiên cứu hiện đại, tạo điều kiện cho các nhà khoa học hợp tác quốc tế và tham gia vào các mạng lưới nghiên cứu toàn cầu.

 Đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất, máy móc nghiên cứu hiện đại để phục vụ ngành khoa học cơ bản là nhiệm vụ cấp bách. (Ảnh minh họa: Website Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội)

Đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất, máy móc nghiên cứu hiện đại để phục vụ ngành khoa học cơ bản là nhiệm vụ cấp bách. (Ảnh minh họa: Website Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội)

Thứ tư, để thu hút thí sinh vào học các ngành khoa học cơ bản, nhà trường cần liên kết chặt chẽ với địa phương và doanh nghiệp để một mặt tạo điều kiện thực tập - thực tế; mặt khác cho thấy triển vọng nghề nghiệp, kỹ năng cũng như nội hàm tính liên - xuyên ngành. Vì nếu không nhìn thấy cơ hội việc làm thì các ngành khoa học cơ bản sẽ có xu hướng khó thu hút được các em học sinh có học lực giỏi, năng lực và tư duy tốt.

Thứ năm, Nhà nước cần xây dựng cầu nối giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, tạo điều kiện để các nhà khoa học cơ bản hợp tác với các doanh nghiệp để chuyển đổi kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, dịch vụ có giá trị.

Thứ sáu,cần nâng cao nhận thức xã hội thông qua việc tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá để nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò quan trọng của khoa học cơ bản, thu hút sự quan tâm của các em học sinh và phụ huynh.

“Đầu tư vào khoa học cơ bản là một chiến lược, mang lại lợi ích lâu dài cho quốc gia. Tôi tin rằng, với chiến lược đúng đắn sẽ có thể xây dựng được một nền khoa học cơ bản vững mạnh, góp phần đưa đất nước trở thành một quốc gia phát triển, hiện đại”, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông bày tỏ.

Thu Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vi-dau-nen-noi-nganh-khoa-hoc-co-ban-mat-suc-hut-tu-bac-dai-hoc-tro-len-post245796.gd
Zalo