Tăng cường phổ cập giáo dục và xóa mù chữ
Báo Phú Yên vừa có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Khắc Lễ về việc thực hiện Kế hoạch 28, ngày 26/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị 29, ngày 5/1/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn tuổi và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Ông Lễ cho biết:
- Công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn tuổi ở các huyện, thị xã, thành phố trong thời gian qua được thực hiện rất tốt. Các địa phương đã thực hiện và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
* Ngành Giáo dục đặt ra mục tiêu như thế nào về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ, phân luồng học sinh trong thời gian tới, thưa ông?
- Toàn ngành phấn đấu đến năm 2030 sẽ huy động được 100% trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi ra lớp và 100% trẻ ra lớp được học 2 buổi/ngày. Đối với phổ cập giáo dục tiểu học, phấn đấu đạt 100% trẻ em ở độ tuổi 6 tuổi vào lớp 1; 98% trẻ em ở độ tuổi 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, số trẻ em ở độ tuổi 11 còn lại đang học các lớp tiểu học; 100% người khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục.
Đối với phổ cập giáo dục THCS, có trên 98,5% thanh niên, thiếu niên độ tuổi 15-18 có bằng tốt nghiệp THCS; có trên 90% thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi 15-18 đang học chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp.
Đối với xóa mù chữ, phấn đấu đạt 100% người trong độ tuổi 15-35 biết chữ mức độ 2; 99% người trong độ tuổi 15-60 biết chữ mức độ 1 và 98% người biết chữ mức độ 2.
Đối với phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, phấn đấu đạt 100% trường có cấp THCS, trường có cấp THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương…
* Thưa ông, để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Giáo dục đề ra giải pháp gì?
- Ngành Giáo dục cụ thể hóa, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách, pháp luật về GD&ĐT và ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Toàn ngành củng cố, duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, hạn chế người bỏ học, người tái mù chữ, bảo đảm mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ học tập, hoàn thành phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc. Ngoài ra, ngành Giáo dục chú trọng xóa mù chữ cho người lớn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngành Giáo dục cũng tăng dần tỉ lệ trẻ 3-5 tuổi vào học các lớp mẫu giáo; đồng thời đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học; tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia giáo dục nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình, có cơ hội tiếp tục học tập. Phát triển hệ thống giáo dục mở để tạo cơ hội học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cân đối cơ cấu ngành nghề, phát triển giáo dục gắn với KT-XH, củng cố QP-AN trên địa bàn tỉnh.
* Để hoàn thiện mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người được học tập suốt đời, ngành Giáo dục sẽ đầu tư, thực hiện như thế nào?
- Ngành Giáo dục tiếp tục rà soát, sắp xếp hợp lý, hoàn thiện mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; bảo đảm điều kiện cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa phù hợp với quy hoạch hệ thống giáo dục quốc dân, quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, ngành Giáo dục quan tâm phát triển mạng lưới trường, điểm trường, lớp học, trường dân tộc nội trú, lớp bán trú ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Xã hội hóa giáo dục, quan tâm, tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường, lớp, nhất là trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ ngoài công lập tại khu đông dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Ngành Giáo dục cũng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để huy động tổng hợp các nguồn lực tham gia công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn tuổi và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
* Xin cảm ơn ông!
Toàn ngành Giáo dục sẽ củng cố, duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, hạn chế người bỏ học, người tái mù chữ, bảo đảm mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ học tập, hoàn thành phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc.