Vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em
Là tương lai của thế giới nhưng nhiều trẻ em đang phải gánh chịu những đau thương, mất mát do các cuộc xung đột khốc liệt, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và nghèo đói gia tăng. Trong bối cảnh đó, Hội nghị thế giới về quyền trẻ em, diễn ra ngày 3/2 tại Vatican, kêu gọi các nước và tổ chức quốc tế cùng chung tay xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho hàng triệu trẻ em.
Bế đứa con chưa đầy chín tháng tuổi trên tay, Rasha, một người mẹ ở Sudan lo lắng chia sẻ, tình trạng xung đột liên miên khiến gia đình họ thường xuyên phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn bạo lực. Những chuyến di rời kéo dài nhiều ngày trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã trở nên quá quen thuộc với gia đình Rasha và cũng là một trong những nguyên nhân khiến sức khỏe của con trai cô ngày càng xấu đi.
Liên hợp quốc ước tính, tại Sudan, quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá và nạn đói hoành hành, khoảng 3,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cấp tính trong năm 2025. Ông Stephane Dujarric, Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, Sudan là nơi xảy ra cuộc khủng hoảng trẻ em di dời lớn nhất thế giới, với 5 triệu trẻ em vô gia cư vì chiến sự. Hầu hết các em rời khỏi nhà chỉ với một bộ quần áo trên người, thường phải đi bộ liên tục khoảng 20 ngày để đến trại tị nạn, tìm kiếm thức ăn và nơi trú ẩn cơ bản.
Không chỉ Sudan mà ở nhiều nơi trên thế giới, hàng triệu trẻ em đang bị tước đoạt những quyền cơ bản. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hơn 9 triệu trẻ em không được đến trường trên khắp Ethiopia do thiên tai và các thảm họa do con người gây ra. Khoảng 50% số trẻ em trong độ tuổi đi học ở Syria phải bỏ lỡ việc học khi xung đột tiếp diễn gần 14 năm tại quốc gia Trung Đông này. Giám đốc tổ chức Save the Children tại Syria Rasha Muhrez khẳng định, khoảng 7,5 triệu trẻ em Syria đang cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, trong đó ít nhất 50% số trẻ em cần được chữa trị về tâm lý để vượt qua chấn thương và tổn thương do xung đột.
Giới chuyên gia nhận định, xung đột là một trong những nguyên nhân chính khiến cuộc sống của nhiều trẻ em, nhất là tại khu vực châu Phi, rơi vào thảm kịch. Theo tờ Wall Street Journal, châu Phi đang bước vào một kỷ nguyên bất ổn chưa từng có với số lượng xung đột vũ trang cao nhất kể từ năm 1946. Số liệu từ Đại học Uppsala (Thụy Điển) và Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (Na Uy) cho thấy, chỉ riêng trong năm 2024 đã có 28 cuộc xung đột diễn ra tại 16 trong số 54 quốc gia châu Phi, tăng gấp đôi so với 15 năm trước. Con số này chưa bao gồm các cuộc xung đột giữa các cộng đồng khác nhau, vốn cũng tăng gấp đôi kể từ năm 2010. Hậu quả của các cuộc xung đột là hết sức nghiêm trọng, trong đó trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đứng ở tuyến đầu gánh chịu những mất mát.
Mặc dù đối mặt nhiều thách thức, song không thể phủ nhận thế giới đã gặt hái nhiều thành tựu trong nỗ lực chăm sóc và bảo vệ quyền của trẻ em. UNICEF khẳng định, bước tiến đó được ghi dấu bằng hàng loạt thành quả đạt được trong năm 2024. Năm 2024, Tajikistan trở thành quốc gia thứ 67 trên thế giới cấm mọi hình thức kỷ luật về thể chất đối với trẻ em. Tại Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia thành viên triển khai nhiều biện pháp cụ thể để hiện thực hóa những mục tiêu mà sáng kiến “Quyền trẻ em châu Âu” đề ra như bảo đảm trẻ em có quyền tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng đầy đủ và nhà ở phù hợp. Bên cạnh đó, trong thời đại mạng xã hội bùng nổ hiện nay, nỗ lực bảo vệ trẻ em khỏi những mối hiểm họa trên môi trường trực tuyến cũng được các nước đẩy mạnh. Điển hình là Australia đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới thông qua dự luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội.
Để tiếp nối những thành quả đã đạt được, với chủ đề “Yêu thương và bảo vệ trẻ em”, Hội nghị thế giới về quyền trẻ em kêu gọi các nước và tổ chức quốc tế nỗ lực hơn nữa để mang lại nụ cười cho trẻ thơ, giúp các em không bị cuốn vào vòng xoáy của xung đột, trở thành nạn nhân của tình trạng biến đổi khí hậu, bạo lực và đói nghèo.