EU cảnh báo Mỹ về thuế quan

Tổng thống Donald Trump thừa nhận các mức thuế mà ông áp đặt với Mexico, Canada, Trung Quốc có thể gây ra 'đau đớn trong ngắn hạn' cho người dân Mỹ

Lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 3-2 nhóm họp tại thủ đô Brussels - Bỉ để thảo luận về địa chính trị và mối quan hệ với Mỹ. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên 3 đối tác Mexico, Canada và Trung Quốc vào cuối tuần rồi, giới chức EU lo ngại khối này có thể sớm đối mặt các biện pháp tương tự.

Nỗi lo này càng có cơ sở khi ông Trump hôm 2-2 nhắc lại lời cảnh báo rằng cả EU và Anh đều có thể bị đánh thuế. Tổng thống Trump chỉ trích khoản thâm hụt thương mại 300 tỉ euro của EU với Mỹ và nhấn mạnh các mức thuế quan "chắc chắn sẽ được áp dụng" đối với EU và cũng có thể với cả Anh.

Lời đe dọa của ông Trump có thể làm quan hệ giữa EU và Anh thêm căng thẳng giữa lúc Thủ tướng Anh Keir Starmer tìm cách thiết lập lại mối quan hệ với khối này trong chuyến đi đến Brussels hôm 3-2.

Đáp lại, giới chức EU cảnh báo sẵn sàng trả đũa các mức thuế gây tổn hại của Mỹ. Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Carlos Cuerpo hôm 3-2 thúc giục EU duy trì sự đoàn kết để đối phó với các đe dọa thuế quan của ông Trump.

Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Marc Ferracci nói với tờ Le Figaro rằng để phản ứng có hiệu quả, "cần phải tập trung vào những sản phẩm quan trọng đối với quốc gia mà chúng ta đang đàm phán."

Các container hàng hóa tại cảng Hamburg - Đức Ảnh: BLOOMBERG

Các container hàng hóa tại cảng Hamburg - Đức Ảnh: BLOOMBERG

Các quan chức EU vào mùa hè năm ngoái được cho là đã bắt đầu lập kế hoạch dự phòng trong trường hợp xảy ra cuộc chiến thương mại với ông Trump, xoay quanh việc mua thêm hàng hóa của Mỹ như khí thiên nhiên hóa lỏng.

Tuy nhiên, tờ Financial Times nhận định nếu kế hoạch bất thành, các nhà hoạch định chính sách của EU có thể áp thuế từ 50% trở lên đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu của Mỹ. Ông Klaas Knot, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan và là thành viên của Hội đồng Ngân hàng Trung ương châu Âu, lưu ý rằng EU là khối thương mại mạnh mẽ với 400 triệu người tiêu dùng và sẽ không để mình bị coi thường.

Trước mắt, phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu nhận định các mức thuế "gây ra sự gián đoạn kinh tế không cần thiết" và "làm tổn hại cho tất cả các bên." Trong khi đó, giới chức Anh cảnh báo việc ông Trump áp thuế đe dọa gây ra "tác động thực sự có hại" đối với nền kinh tế toàn cầu.

Bản thân ông chủ Nhà Trắng cũng thừa nhận các mức thuế mà ông áp đặt đối với Mexico, Canada, Trung Quốc có thể gây ra "đau đớn trong ngắn hạn" cho người dân Mỹ. Các mức thuế trên dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4-2. Các nhà kinh tế nhận định diễn biến này có thể đẩy giá cả tăng cao đối với người dân Mỹ và làm chậm tăng trưởng toàn cầu.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã sụt giảm hôm 3-2 do nỗi lo biện pháp thuế quan mới của ông Trump sẽ khơi mào cuộc chiến thương mại gây thiệt hại kinh tế. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đô la của Canada và peso của Mexico đều giảm so với đồng USD.

Giới phân tích cảnh báo mức thuế mới của Mỹ có thể đẩy Canada và Mexico vào suy thoái và dẫn đến kịch bản lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế trì trệ và thất nghiệp gia tăng.

Washington gây sức ép lên Panama

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 2-2 nhắc lại cam kết "giành lại" quyền kiểm soát kênh đào Panama và cảnh báo về hành động "mạnh mẽ" của Mỹ trong bối cảnh Washington và Panama tranh cãi về sự hiện diện của Trung Quốc xung quanh tuyến đường thủy quan trọng này.

Trước đó, theo đài CNN, cuộc tranh cãi này dường như đã hạ nhiệt sau khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đến Panama trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình kể từ khi nhậm chức. Tại cuộc gặp Tổng thống Panama Jose Raul Mulino cuối tuần rồi, ông Rubio cảnh báo Mỹ sẽ "thực hiện các biện pháp cần thiết" nếu nước chủ nhà không lập tức có động thái chấm dứt "ảnh hưởng" và "kiểm soát" của Trung Quốc đối với kênh đào Panama.

Phát biểu sau cuộc gặp, ông Mulino cho biết sẽ xem xét lại các thỏa thuận liên quan đến Bắc Kinh và các doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời hợp tác sâu rộng hơn với Mỹ về vấn đề di cư. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh chủ quyền của Panama đối với tuyến đường thủy trên không phải là vấn đề đem ra tranh luận.

Cũng theo ông Mulino, nhà chức trách nước này đang tiến hành kiểm toán toàn diện hoạt động của Công ty Cảng Panama (PPC) đang vận hành hai cảng ở 2 đầu kênh đào. PPC thuộc sở hữu của Hutchinson Ports, một công ty con của Tập đoàn CK Hutchison Holdings có trụ sở ở Hồng Kông (Trung Quốc).

Tùy thuộc vào kết quả kiểm toán, ông Mulino cho biết sẵn sàng xem xét lại thỏa thuận cho phép CK Hutchison Holdings vận hành các cảng này. Chính quyền ông Trump xem thỏa thuận này là ví dụ về sự mở rộng của Trung Quốc ở Panama và điều này đi ngược lại hiệp ước trung lập được Mỹ và Panama ký năm 1977.

Kênh đào được trao lại cho Panama theo Hiệp ước 1977, trong đó cho phép Mỹ can thiệp quân sự nếu hoạt động của kênh đào bị gián đoạn bởi xung đột nội bộ hoặc một thế lực bên ngoài.

Tuyến đường thủy này hiện được vận hành bởi Cơ quan Kênh đào Panama, một cơ quan tự trị do chính phủ Panama giám sát. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định tôn trọng chủ quyền của Panama và xem kênh đào là một tuyến đường thủy quốc tế "trung lập vĩnh viễn".

Hoàng Phương

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/eu-canh-bao-my-ve-thue-quan-196250203211653469.htm
Zalo