Vi chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe con người

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, vi chất dinh dưỡng (VCDD) là nhóm chất quan trọng trong sự tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, trí tuệ, sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể và chất lượng cuộc sống của con người. Vì vậy, phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng rất cần thiết ở mọi lứa tuổi, nhất là với trẻ em.THIẾU VI VCDD RẤT ĐÁNG NGẠI

VCDD đang ngày càng được quan tâm nhiều vì tác động trực tiếp và to lớn đối với sức khỏe con người. Thiếu VCDD dẫn đến nhiều tác hại khôn lường. Sắt, canxi và axít folic là những vi chất dinh dưỡng cần được quan tâm.

Một chế độ ăn lành mạnh bổ sung đầy đủ VCDD cần thiết cho cơ thể.

Một chế độ ăn lành mạnh bổ sung đầy đủ VCDD cần thiết cho cơ thể.

Thiếu máu dinh dưỡng hay còn gọi là thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng thường gặp hiện nay ở cả trẻ em và người trưởng thành. Thiếu máu ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người, đặc biệt thiếu máu gây nhiều nguy hại đối với trẻ em và phụ nữ mang thai.

Sắt là một nguyên tố vi lượng đã được xác định là 1 trong 3 vi chất có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe. Sắt tham gia quá trình tạo máu, máu mang ôxy và chất dinh dưỡng tới các tế bào và nuôi cơ thể lớn lên, phát triển. Sắt cũng tham gia quá trình tạo chất đạm; cũng như tham gia quá trình chống một số bệnh như bệnh nhiễm trùng...

Nguyên nhân thiếu máu dinh dưỡng thường gặp nhất là do nguồn sắt cung cấp từ ăn uống không đủ. Thực tế, hiện nay, lượng sắt trong bữa ăn của người dân mới chỉ đạt khoảng 30 - 50% nhu cầu, nhất là các vùng nông thôn. Trẻ em, phụ nữ là đối tượng có nhu cầu cao về sắt, dù có ăn uống tốt cũng không thể cung cấp đầy đủ.

Đối với phụ nữ có thai, thiếu máu do thiếu sắt có thể gây sẩy thai liên tục, đẻ non hoặc trẻ sinh ra có cân nặng sơ sinh thấp. Thiếu máu do sắt có thể gây ra một số tai biến về sản khoa như chảy máu khi sinh, hậu sản... Phụ nữ ở tuổi sinh đẻ nếu thiếu máu sẽ giảm sức lao động do mệt mỏi. Trẻ thiếu máu sẽ thiếu sự tập trung, khiến kết quả học tập không cao.

Ðể phòng, chống thiếu máu do thiếu sắt, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mọi người cần cải thiện chế độ ăn, làm cho bữa ăn phong phú, đa dạng với nhiều loại thức ăn khác nhau, nhất là nguồn thức ăn có nhiều sắt như: Gan, thịt bò, thịt heo, tôm, cua, cá, đậu... và các loại rau xanh giàu sắt như rau ngót, rau muống... Để cho lượng sắt trong khẩu phần hấp thụ được tốt phải có vitamin C và rau cũng là nguồn cung cấp vitamin C phong phú.

Thiếu canxi cũng đang là tình trạng báo động hiện nay. Thiếu canxi gây nên tình trạng loãng xương ở người lớn và còi xương, chậm phát triển chiều cao ở trẻ nhỏ. Đối với thai phụ và phụ nữ cho con bú, nhu cầu canxi rất cao.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, Bộ Y tế đã thống nhất chọn ngày 1 và 2 tháng 6 hằng năm là Ngày Vi chất dinh dưỡng. Việc làm này nhằm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao kiến thức và thực hành về phòng, chống thiếu VCDD tại địa phương.

Qua đó, thu hút sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng về công tác phòng, chống thiếu VCDD nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc trẻ em dưới 16 tuổi; trong đó quan tâm tạo điều kiện, trợ giúp đối tượng trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sinh sống trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Một thai phụ cần 1.200 mg canxi mỗi ngày. Thai phụ còn trẻ thì cần nhiều hơn. Việc cung cấp đủ nhu cầu canxi trong thời kỳ mang thai sẽ giúp tạo thành, phát triển bộ xương thai nhi và bảo đảm toàn vẹn bộ xương của bà mẹ.

Vì xương là mô sống nên hằng ngày canxi đều lắng đọng và thoát khỏi bộ xương nên cơ thể rất cần canxi. Việc tích lũy canxi đều đặn là rất cần thiết, vừa thay thế cho phần canxi mất đi, vừa tạo nguồn dự trữ canxi khi các thực phẩm cung cấp không đủ.

Trong trường hợp canxi thiếu do cơ thể không hấp thu đủ canxi (có thể do thiếu vitamin D) hoặc lượng canxi đưa vào ít thì lượng canxi bị rút ra từ xương sẽ nhiều hơn, dần dần làm tiêu xương, xốp xương và xương dễ gãy. Thực phẩm chứa nhiều canxi là: Sữa, lá rau xanh đậm, tôm, cua, cá nhỏ có thể ăn luôn xương…

Axit folic (còn gọi là vitamin B9) là một vitamin nhóm B cần thiết cho sự phát triển và phân chia tế bào của người, động vật, thực vật và cần thiết cho sự hình thành của tế bào máu. Chất chuyển hóa này có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình tạo hồng cầu.

Chính vì thế, thiếu axit folic sẽ gây thiếu máu nguyên hồng cầu to - một dạng thiếu máu giống như do thiếu vitamin B12 gây ra. Nhu cầu axit folic đối với người bình thường là 400 microgam/ngày, nhưng với phụ nữ mang thai tăng lên 600 microgam/ngày để đáp ứng sự gia tăng của quá trình phân chia tế bào cũng như tăng kích thước của tử cung, cần cho sự tổng hợp nhân tế bào và protein, hình thành nhau thai, tăng trưởng của bào thai và do tăng thải folic qua nước tiểu trong khi mang thai.

Nếu bị thiếu axit folic trong khi mang thai thì bà mẹ có thể bị thiếu máu hồng cầu khổng lồ, nguy cơ sảy thai cao, sinh non, suy dinh dưỡng bào thai và điều quan trọng nhất là sinh ra đứa con bị khuyết tật của ống thần kinh (nứt đốt sống, não úng thủy).

Các nhà khoa học khuyến cáo tất cả phụ nữ dự định mang thai phải bắt đầu bổ sung đủ axit folic 3 tháng trước thời điểm dự định có thai bằng chế độ ăn uống các thực phẩm giàu axit folic hoặc uống thuốc. Đặc biệt, những thai phụ đang điều trị bệnh động kinh hay sốt rét càng cần được bổ sung chất này vì các thuốc họ dùng có thể gây thiếu hụt axit folic.

Một cách bổ sung axit folic đơn giản và rẻ tiền nhất là bổ sung chế độ ăn. Một chế độ ăn có nhiều rau màu xanh sẫm như: Bông cải xanh, rau mồng tơi, rau muống, ớt ngọt màu xanh, gan heo, trứng… có thể đảm bảo cung cấp đủ axit folic cho cơ thể thai phụ.

Với trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ em lứa tuổi học đường, phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu thiếu VCDD sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ. Và thiếu VCDD cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới suy dinh dưỡng thấp còi. VCDD có vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và phát triển sức khỏe.

Thiếu VCDD gây hậu quả cho sự phát triển tâm thần và thể chất, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong; thiếu vitamin A còn ảnh hưởng đến phát triển bình thường của đôi mắt, nếu thiếu nặng sẽ gây mù lòa vĩnh viễn; thiếu sắt gây thiếu máu, ảnh hưởng đến cân nặng và sự phát triển của thai nhi, giảm khả năng học tập ở trẻ và giảm khả năng lao động ở người trưởng thành; thiếu iốt ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai, gây bệnh đần độn và kém phát triển trí tuệ…

CẦN BỔ SUNG VCDD HỢP LÝ

Tại Tiền Giang, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường nâng cao nhận thức trong cộng đồng về việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là việc tổ chức Chiến dịch Bổ sung vitamin A liều cao 2 lần trong năm cho trẻ 6 - 36 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh, đạt tỷ lệ trên 98%...

Rau xanh và trái cây giúp bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Rau xanh và trái cây giúp bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì vẫn không thể tránh khỏi những hạn chế trong việc duy trì VCDD trong bữa ăn hằng ngày, đặc biệt đối tượng là trẻ em và người cao tuổi.

Do vậy, công tác truyền thông nhằm nâng cao kiến thức và thực hành bổ sung VCDD “đúng” cho người dân với các nội dung tuyên truyền phong phú như: Khuyến khích người dân ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày.

Sử dụng thường xuyên các thực phẩm giàu VCDD, biết cách lựa chọn các thực phẩm tăng cường VCDD. Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, thực hiện nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có mỡ hoặc dầu để tăng cường hấp thu và sử dụng vitamin A, vitamin D. Trẻ em trong độ tuổi và bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng cần được uống 1 liều vitamin A; phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ cần được hướng dẫn sử dụng viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất.

Nhằm tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được và hoàn thành tốt công tác cải thiện tình trạng dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến những kiến thức liên quan đến dinh dưỡng, đặc biệt là VCDD đến người dân, học sinh, sinh viên... bằng nhiều hình thức tại các địa phương.

Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác dinh dưỡng tại các trường học, cơ quan, đơn vị, địa phương. Lập kế hoạch tổ chức Chiến dịch Bổ sung vitamin A liều cao trên toàn tỉnh bằng việc tuyên truyền, vận động đưa trẻ 6 - 36 tháng đến uống vitamin A tại các trạm y tế xã, phường.

THỦY HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202505/vi-chat-dinh-duong-dac-biet-quan-trong-doi-voi-suc-khoe-con-nguoi-1042685/
Zalo