Vẹn nguyên ký ức ngày 30-4

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hòa bình, thống nhất, song ký ức về những ngày tháng hành quân ra trận cùng chiến thắng hào hùng của quân và dân ta trong Đại thắng Mùa xuân 1975 vẫn luôn khắc đậm trong tim nhiều người. Trong số đó có Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, khi ấy ông mang quân hàm đại úy, Phó Chính ủy Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 trực tiếp tham gia giải phóng Sài Gòn từ hướng Bắc, nay thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương.

Bản hùng ca cửa ngõ phía Bắc

Chúng tôi có dịp gặp Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam khi ông làm trưởng đoàn của Ban Liên lạc Hội Bạn chiến đấu Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng tổ chức về thăm lại chiến trường xưa ở tỉnh Bình Dương nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025). Đã 50 năm trôi qua, nhưng khi trở lại chiến trường xưa, trong ông, ký ức vẫn còn nguyên vẹn. Ngày ấy, ông cùng đồng đội đã ngoan cường chiến đấu, đánh vào Chi khu Tân Uyên, Căn cứ Phú Lợi, Chi khu Lái Thiêu, theo Quốc lộ 13 vượt cầu Vĩnh Bình tiến về giải phóng Sài Gòn.

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn dâng hương tại Nhà truyền thống Lực lượng vũ trang tỉnh Bình Dương

Theo lời ông kể, chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị và Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, ngày 31-3-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1: "Quân đoàn 1 (trừ Sư đoàn 308) có nhiệm vụ tổ chức hành quân gấp vào miền Đông Nam bộ, hiệp đồng với các đơn vị bạn tham gia trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn - Gia Định”. 9 giờ 30 phút ngày 7-4- 1975, quân đoàn nhận được bức điện khẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với mệnh lệnh: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

"Trong lịch sử quân đội ta chưa bao giờ có một cuộc hành quân quy mô đến thế, thần tốc như thế. Chỉ trong 11 ngày đêm, đoàn quân với hàng ngàn phương tiện cơ giới đã vượt chặng đường dài 1.700km từ Bắc vào Nam, kịp thời vào trực tiếp tham gia chiến đấu trên hướng Bắc Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, Trung tướng Nguyễn Đức Sơn nhớ lại.

Ngày 25-4, Bộ Tư lệnh Quân đoàn phổ biến quyết tâm chiến đấu của quân đoàn, văn bản đã được Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh phê chuẩn và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Theo đó, Sư đoàn 320B cùng một số đơn vị đảm nhiệm tấn công, thọc sâu vào Sài Gòn, chiếm Bộ Tổng tham mưu và Chi khu Gia Định. Hướng thứ yếu, Sư đoàn 312 và một số đơn vị khác đảm nhiệm tiến công, chia cắt, ngăn chặn, bao vây cô lập tiến tới tiêu diệt Sư đoàn 5 ngụy không cho chúng co cụm hoặc rút chạy về Sài Gòn. Với phương châm: "Táo bạo, thọc sâu đánh nhanh các mục tiêu theo kế hoạch”, đêm 25-4-1975, các đơn vị của Quân đoàn đã tập trung ở Bàu Cá Trê (thuộc huyện Bắc Tân Uyên ngày nay).

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn xúc động nói: “Tôi nhớ rõ đó là hình ảnh má Sáu Ngẫu. Khi bộ đội tiến công vào, má Sáu Ngẫu đã chủ động mời bộ đội vào nhà, chỉ dẫn đường đi, hướng tiến công thế nào thuận lợi, thông báo vị trí địch đóng quân để tránh thương vong, ân cần dặn dò. Điều đó đã cho thấy lòng dân Bình Dương luôn hướng về cách mạng, gắn bó máu thịt với bộ đội và lực lượng vũ trang. Những hình ảnh ấy khiến chúng tôi rất xúc động”.

Đúng 17 giờ ngày 26-4- 1975, các lực lượng của ta trên tất cả 5 hướng là: Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc, Đông và Đông Nam, Tây và Tây Nam, vùng ven và nội thành Sài Gòn đồng loạt nổ súng tiến công Sài Gòn, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tại hướng Bắc và Đông Bắc, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) được giao nhiệm vụ phối hợp với bộ đội địa phương tiêu diệt một số trận địa pháo địch, làm chủ đoạn đường số 16, bao vây Căn cứ Phú Lợi, chiếm khu phía Bắc TX.Thủ Dầu Một, chặn Sư đoàn 5 ngụy không cho về Sài Gòn. Đến 16 giờ 30 phút ngày 27-4, Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn 1 ra lệnh cho Sư đoàn 312 nổ súng tiến công cứ điểm Bình Cơ và Bình Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên). 18 giờ, ta đã tiêu diệt và làm tan rã quân địch, mở thông đường 16 tạo điều kiện cho quân ta di chuyển nhanh từ Chánh Lưu để đi nhanh về Lái Thiêu, tạo điều kiện cho lực lượng vào triển khai theo kế hoạch.

Với chủ trương đi đường vòng, bỏ qua các mục tiêu dọc đường để nhanh chóng tiến quân vào mục tiêu với tinh thần quyết thắng, sáng 29-4 các cánh quân đồng loạt tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch tại Sài Gòn. Trong khi Sư đoàn 312 tổ chức tiến công, bao vây, chia cắt, cô lập Sư đoàn 5 ngụy thì Sư đoàn 320B tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiến công.

Trận chiến san bằng cứ điểm thép

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn cho biết trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ khó nhất của đơn vị ông là bao vây tiêu diệt địch tại Căn cứ Phú Lợi. Bởi nơi đây có tiểu đoàn bảo an và cảnh sát ngụy với hơn 300 quân cố thủ. Căn cứ này do thực dân Pháp xây dựng, được Mỹ củng cố lại thành đại bản doanh của Sư đoàn Bộ binh số 1 Mỹ, là nơi xuất phát của những cuộc hành quân bình định, bắn giết đồng bào ta ở miền Đông Nam bộ. Tháng 4-1970, Mỹ bàn giao căn cứ này cho Sư đoàn 5 ngụy tiếp quản. Tại đây, chúng chia thành 7 khu, xung quanh đặt chướng ngại vật nhiều tầng, nhiều lớp với các bãi mìn, hào chống tăng, chống bộ binh và hàng chục lớp rào thép gai. Căn cứ Phú Lợi là căn cứ quan trọng vào loại bậc nhất của địch trên tuyến phòng thủ Bắc Sài Gòn, án ngữ trục đường giao thông huyết mạch: Đường 13 từ Bình Long - Phước Long đi Bình Dương đến Sài Gòn và đường 8 từ Tân Uyên đến Bình Dương đi Củ Chi và khống chế các trục đường 13, 14 đi Sài Gòn.

Ngày 26-4-1975, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 312 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 165 và Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141 bao vây, tiến công cụm Căn cứ Phú Lợi, sau đó phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Khoảng 4 giờ sáng 30-4-1975, pháo binh của ta bắn mãnh liệt vào Căn cứ Phú Lợi. Sau đó, các loại hỏa lực đi cùng cũng dồn dập đánh vào khu vực tiền duyên, chi viện cho bộ binh mở cửa. 5 giờ 5 phút, Tư lệnh Sư đoàn 312 Nguyễn Chuông lệnh cho Trung đoàn 165 nổ súng. Lực lượng của ta tiến công áp đảo nên trên cả hai hướng, quân địch trong căn cứ không tổ chức phản kích được.

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh

Các mũi thọc sâu của quân ta đều có du kích, giao liên địa phương dẫn đường... Trong lúc trận chiến đấu diễn ra quyết liệt thì chiến sĩ Lê Xuân Sanh cùng tổ cắm cờ của Đại đội 9, Tiểu đoàn 4 nhanh chóng vận động về phía cột cờ ở trung tâm căn cứ. Lá cờ giải phóng được kéo lên, đúng 10 giờ 30 phút, Trung đoàn 165 đã hoàn toàn làm chủ Căn cứ Phú Lợi.

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn tự hào nói: "Với quyết tâm cao, tiến công dũng mãnh, vận dụng sáng tạo cách đánh địch trong hành tiến, đồng thời đột phá với thọc sâu, kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến của binh đoàn chủ lực với tác chiến của các lực lượng vũ trang địa phương, dựa vào nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương để khắc phục khó khăn ở chiến trường mới lạ, tiến công quy mô lớn quân địch trong căn cứ, sào huyệt của chúng, là yếu tố quan trọng để quân đoàn đạt hiệu suất chiến đấu cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".

Theo Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, để giành chiến thắng trên chiến trường Thủ Dầu Một, đơn vị đã thực hiện đúng phương châm "tấn công và nổi dậy”. Lực lượng chủ lực, nòng cốt tấn công là Quân đoàn 1 đã phối hợp chặt chẽ với sự nổi dậy của nhân dân địa phương và các lực lượng vũ trang tại chỗ. Đặc biệt, ấn tượng sâu sắc trong ông là sự giúp đỡ tận tình của người dân dành cho bộ đội.

Chiến tranh đã lùi xa. Chiến trường xưa nay là miền đất hứa. Với Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, mỗi lần đến thăm Bình Dương là mỗi lần sống dậy ký ức. Đó là niềm vui và tự hào của những người lính Cụ Hồ...

THU THẢO

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/ven-nguyen-ky-uc-ngay-30-4-a344932.html
Zalo