Góc khuất đen tối của một tập đoàn khổng lồ
Trong 'No More Tears', phóng viên kỳ cựu Gardiner Harris đã xem xét kỹ lưỡng khía cạnh đáng lên án của tập đoàn khổng lồ Johnson & Johnson và vạch trần sai sót của các cơ quan quản lý liên bang Mỹ, theo AP.

Ảnh: Reuters.
Chất erythropoietin, còn được gọi là EPO, đã trở nên nổi tiếng sau khi tay đua xe đạp Lance Armstrong sử dụng nó một cách gian dối để giành chiến thắng tại bảy giải Tour de France. Vai trò của chất kích thích tạo hồng cầu thường dùng trong điều trị ung thư này, theo một ước tính, đã cướp đi sinh mạng của gần 500.000 người Mỹ.
Và đây là một trong những câu chuyện đen tối của hệ thống chăm sóc sức khỏe Mỹ. Một trung tâm trong đó là Johnson & Johnson (J&J), tập đoàn sản phẩm chăm sóc sức khỏe lớn nhất thế giới.
Trong No More Tears, tác giả Harris đã vạch trần nhiều lời nói dối, sự giám sát yếu kém của chính phủ Mỹ, sự thiếu đạo đức của giới bác sĩ ung thư và bệnh viện ung thư tại nước Mỹ, cũng như của một trong những công ty quan trọng nhất nước Mỹ. Điều này giúp giải thích tại sao Tổng thống Donald J. Trump và bộ trưởng y tế của ông, Robert F. Kennedy Jr., vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ cho những tuyên bố cải tổ bộ máy.
Câu chuyện về EPO
EPO lần đầu tiên được đưa ra thị trường vào những năm 1980, nhưng mãi đến tháng 10/2003, một nghiên cứu trên tạp chí y khoa Lancet mới đưa ra kết luận gây sốc rằng EPO có thể đang giết chết bệnh nhân ung thư. Cho tới lúc đó, gần một nửa trong số bệnh nhân ung thư đã được dùng EPO để điều trị tình trạng thiếu máu sau khi trải qua các phương pháp hóa trị liệu.

Cuốn sách ra mắt ngày 8/4. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, một bài báo sau đó trên tờ New York Times trích dẫn lời của một số chuyên gia về ung thư lại nói rằng không nên ngừng dùng EPO chỉ vì kết quả trên. Lúc này, J&J đang bán EPO dưới tên thương hiệu Procrit.
Thông thường các nhà nghiên cứu y dược nhận tài trợ từ những công ty lớn cho dự án của họ và do đó, họ hiếm khi phản đối các “ông lớn” trong ngành.
Nhưng lần này thì không. Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Michael Henke của Đại học Freiburg, Đức, không đồng tình với những nhận định trên. Ông cho biết sẽ không khuyến nghị dùng thuốc EPO cho những bệnh nhân đang điều trị ung thư, ngoại trừ trong nghiên cứu.
Từ lâu EPO được biết là có thể gây rủi ro cho tim và có thể thúc đẩy sự phát triển của khối u. Tuy nhiên, phần lớn các bác sĩ ung thư cho rằng lợi ích của loại thuốc này lớn hơn nhiều so với rủi ro. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại và J&J đã giấu họ trong suốt 15 năm về dữ liệu này.
Vài ngày sau khi nghiên cứu của Henke được công bố, Paul Goldberg, biên tập viên của tạp chí học thuật Cancer Letter, cho biết cũng đã phát hiện ra một bản thảo báo cáo về tình trạng ung thư vú ở 939 bệnh nhân, trong đó phát hiện ra 41 ca tử vong ở những người dùng Procrit so với 16 ca ở nhóm dùng giả dược.
Vào thời điểm nghiên cứu của Henke diễn ra, doanh số bán EPO trong điều trị ung thư lớn hơn bất kỳ loại thuốc nào khác từ trước đến nay, với lợi nhuận không chỉ chảy vào J&J mà còn chảy vào hầu hết bác sĩ ung thư và bệnh viện tại Mỹ.
Goldberg cũng lên tiếng chỉ trích các tổ chức lớn tiến hành nghiên cứu về ung thư tại Mỹ khi họ đình chỉ thử nghiệm lâm sàng vì phát hiện ra nguy cơ từ việc sử dụng EPO.
Có thể thấy ngoài Henke, hàng chục nhà nghiên cứu làm việc hoặc thay mặt cho J&J đã phát hiện ra điều tương tự nhưng kết quả được giữ bí mật và không ai đủ can đảm để tiết lộ.

Procrit được Amgen phân phối. Ảnh: WSJ.
Trước tình hình này, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào tháng 5/2004 đã triệu tập các chuyên gia về ung thư tiến hành điều trần. Tại đây, một giám đốc nghiên cứu hàng đầu của J&J buộc phải thừa nhận công khai rằng họ đã dừng ít nhất năm nghiên cứu vì phát hiện bệnh nhân dùng EPO tử vong nhiều hơn những người dùng giả dược. Các CEO của J&J bác bỏ mọi kết quả, coi chúng là không thể giải thích hoặc gây nhầm lẫn.
Tuy nhiên, có một điều khó lí giải là dù FDA đã nêu rõ nguy cơ của các loại thuốc chứa EPO, các đơn hàng vẫn gia tăng. Chính các công tố viên và điều tra viên sau đó đã phải kinh ngạc trước tình trạng tham nhũng lây lan sâu rộng đến hầu hết tổ chức lớn tham gia vào việc chăm sóc bệnh nhân ung thư.
Trong khi J&J chưa bao giờ bị buộc tội liên quan đến việc tiếp thị EPO, thì một đối tác sản xuất và bán EPO của J&J là Amgen đã phải nhận tội. Dù không tìm ra bằng chứng đủ mạnh liên quan đến J&J, thì nhiều cuộc điều tra đã phát hiện ra cách J&J khuyến khích các bác sĩ và bệnh viện mở rộng việc sử dụng Procrit.
Bí mật đen tối về Medicare
Chương trình Medicare (bảo hiểm y tế cho người từ 65 tuổi trở lên) tại Mỹ bắt đầu vào năm 1965. Medicare thường chi trả cho việc nằm viện và không trả cho các đơn thuốc thông thường. Do ung thư thường được điều trị tại bệnh viện bằng cách truyền dịch nên các loại thuốc liên quan cũng được Medicare thanh toán.
Các công ty dược phẩm bán những loại thuốc này trực tiếp cho bệnh viện nhưng cũng phải báo giá cho chính phủ để chính phủ có căn cứ thanh toán cho bệnh viện. Tuy nhiên, các công ty thường bán cho bệnh viện với giá thấp hơn giá báo với chính phủ. Khi số lượng càng lớn thì số tiền chênh lệch càng lớn, điều giúp các bệnh viện bỏ túi được nhiều hơn. Với điều này, các công ty dược phẩm đã tìm ra cách thúc đẩy doanh số bán thuốc chỉ bằng cách nới rộng khoảng cách giữa giá bán cho bệnh viện và giá báo cho chính phủ.
Năm 2005, để trấn áp một số hành vi gian lận này, chương trình Medicare đã thay đổi công thức tính, tuy nhiên, tình trạng chênh giá vẫn tiếp diễn. Trong nhiều năm qua, các bác sĩ ung thư vẫn có xu hướng ưu tiên các loại thuốc mang lại cho họ nhiều tiền nhất, cho dù những loại thuốc đó chưa chắc đã hiệu quả hơn các loại thuốc rẻ tiền khác.
Trong khi bảo hiểm giúp chi trả đa phần hóa đơn thì bệnh nhân ung thư vẫn phải tự trả một phần chi phí đó. Và vì ung thư là một căn bệnh kéo dài, bệnh nhân khánh kiệt và sức khỏe vẫn tiếp tục suy yếu.
Đây là thực tế nghiệt ngã của việc chăm sóc bệnh nhân ung thư tại Mỹ và là một trong những lý do chính khiến người Mỹ mắc bệnh ung thư có xu hướng tử vong sớm hơn và nghèo hơn so với những người mắc bệnh tương tự ở châu Âu.