Vẹn nguyên ký ức

Nhà thơ Tố Hữu đã viết 'Bác sống như trời đất của ta', cả cuộc đời 79 mùa xuân Người đều dành trọn tình yêu thương, hy sinh cho đất nước. Những ai được làm việc bên Bác hay được gặp gỡ, nghe Bác trò chuyện đều xem đó là may mắn, vinh dự lớn của cuộc đời.

Bà Triệu Thị Lạng xem lại tấm ảnh chụp cùng Bác Hồ năm 1957 tại Trường Sư phạm miền núi Trung ương

Bà Triệu Thị Lạng xem lại tấm ảnh chụp cùng Bác Hồ năm 1957 tại Trường Sư phạm miền núi Trung ương

Trong một chuyến công tác về đình Háng Pài (nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh), thôn Còn Pheo, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, khi ngồi ghé quán nước đối diện cổng đình, chúng tôi được nghe kể trong gia đình bác chủ quán có người đã được gặp Bác Hồ tại Hà Nội năm 1957. Người may mắn, vinh dự được gặp Bác đó là bà Triệu Thị Lạng, một giáo viên dân tộc Tày đã nghỉ hưu lâu năm.

Gặp bà Lạng trong căn nhà nhỏ, năm nay, dù đã 85 tuổi, không thể đi lại được nhưng bà vẫn minh mẫn, nhớ rõ từng chi tiết trong lần được gặp Bác. Bà là một trong những học sinh tiêu biểu của trường Việt Bắc được cử đi học ở trường Sư phạm miền núi Trung ương (ô Cầu Giấy, Hà Nội). Nhận được tin Bác đến thăm trường, thầy trò ai nấy đều phấn khởi, vui mừng nhất là đối với lớp học sinh chuẩn bị ra trường như bà.

Cầm trên tay tấm ảnh được chụp chung với Bác, bà chậm rãi kể: Đó là một buổi sáng 18/6/1957, Bác mặc bộ quần áo kaki, đi đôi dép cao su, mỉm cười nhân hậu với tất cả mọi người. Trong suốt cả buổi sáng, Bác đã kể không biết bao nhiêu câu chuyện, giọng bác hiền hòa, ấm áp, thân thiện. Sau buổi nói chuyện, lớp chúng tôi cũng được chụp một tấm ảnh cùng Bác. Đã gần 70 năm qua tôi vẫn lưu giữ bức ảnh này, xem đây là một trong những kỷ vật đặc biệt suốt cuộc đời.

Nhớ về Bác, bà Lạng vẫn vẹn nguyên lời dạy của Bác trong cuộc gặp gỡ ấy, Bác dặn các cháu ra trường ngoài việc dạy học cho học sinh hãy lập các nhóm phụ nữ, thanh niên, những người chưa biết chữ lại để dạy chữ cho họ. Nói đến đây giọng bà có chút nghẹn lại, bà bộc bạch: “Tôi đã làm theo đúng lời Bác dạy suốt từng ấy năm”. Được biết, sau khi ra trường, từ năm 1958 đến năm 1986, bà Lạng đã giảng dạy cho bao lớp học sinh tiểu học, đồng thời dạy chữ cho những nông dân, phụ nữ, thanh niên chưa biết chữ trên địa bàn. Đến khi về hưu, bà vẫn thường xuyên quan tâm, động viên trẻ em chăm chỉ đến trường, học tập để trở thành người có ích cho đất nước.

Cũng như bà Lạng, bà Liễu Thị Đa (93 tuổi) thôn Làng Càng 1, xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng cũng xem lần được gặp Bác ngày 23/2/1960 tại thị xã Lạng Sơn là một trong những kỷ niệm đẹp, đáng nhớ nhất cuộc đời. Bấy giờ nhà bà ở xã Chu Túc (nay là xã An Sơn), huyện Văn Quan, ra thị xã phải đi bộ chừng 30 km. Do đó, hai cha con bà đã đi bộ trước một ngày rồi ngủ qua đêm tại nhà ngoại của bà ở xã Đồng Giáp để sớm hôm sau đi tiếp cho kịp giờ. Khi ấy, hai cha con đều đi chân trần, mặc bộ quần áo dân tộc Tày...

Theo lời kể của bà Đa, hôm ấy rất đông người nhưng khi Bác ra hiệu trật tự tất cả mọi người ai nấy đều im phăng phắc. Trong buổi trò chuyện đó, Bác đã căn dặn cán bộ, đồng bào dân tộc Lạng Sơn nhiều điều. Trong đó, bà luôn khắc sâu lời Bác dặn các chị em gái phải cũng phải chăm chỉ, cố gắng học chữ. Nghe lời bác dạy, về nhà bà Đa cũng chăm chỉ học chữ, học bảng cửu chương và sau này bà đã giáo dục, tạo điều kiện để 8 người con của mình ai cũng được học hành, thành đạt. Hiện giờ các con của bà đều công tác trong quân đội, công an, người tham gia các công việc tại khu dân cư.

Khi ngồi kể lại ký ức ngày gặp Bác cho chúng tôi nghe, bà không khỏi xúc động, rồi chợt ngân nga câu hát: "Bác Hồ ơi, Bác Hồ có biết, sau lũy tre xanh với hàng cây cau có đàn em bé, chỉ biết yêu Bác Hồ Chí Minh như thiếu niên nhi đồng".

Bà Lạng, bà Đa là hai trong số nhữngngười dân xứ Lạng đã vinh dự được gặp Bác Hồ từ những năm 1957, 1960. Dù đã hàng chục năm trôi qua, song trong ký ức của các bà vẫn vẹn nguyên hình dáng, ánh mắt, giọng nói cử chỉ của Người và luôn luôn khắc ghi, làm theo lời Bác dạy.

Sinh thời người luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào dân tộc miền núi, trong đó có tỉnh Lạng Sơn. Trong những năm kháng chiến Bác đã 3 lần thăm tỉnh (trong đó một lần thăm chính thức) vào các năm 1950,1960 và 1961, lần nào Bác cũng dành thời gian trò chuyện và căn dặn cán bộ, người dân trên địa bàn. Khắc sâu lời Bác dạy, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, vượt mọi khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trong cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, người dân đều tự giác thực hiện, nêu cao quyết tâm học Bác để xây dựng quê hương giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng, an ninh.

Phương Vy

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ven-nguyen-ky-uc-ve-bac-5047179.html
Zalo