Về với Khu di tích căn cứ Sa Lôn
Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống đế quốc (Khu di tích căn cứ) đóng trên cánh rừng Sa Lôn xã Đông Giang, tỉnh Lâm Đồng là địa chỉ được nhiều đoàn khách, đơn vị đánh giá là 'trường học' sinh động.

Du khách về với Khu di tích căn cứ Sa Lôn
Tự hào truyền thống dân tộc
Từ phường Phan Thiết theo quốc lộ 28 và đường tỉnh ĐT 714 về hướng Tây Bắc khoảng 60 km sẽ đến điểm di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ. Khu di tích nằm trong cánh rừng Sa Lôn có diện tích 10,94 ha, dưới những tán cây cổ thụ cao lớn, mát rượi.
Theo ông Võ Cáp - Trưởng Ban Quản lý Khu di tích căn cứ: Thời chiến tranh ác liệt, căn cứ của Tỉnh ủy địa phương đã phải di chuyển nhiều nơi. Trong đó, rừng Sa Lôn là vị trí được chọn lâu nhất, với 3 lần, trong thời gian 8 năm không liền mạch từ khoảng năm 1954 - 1970. Tại đây đã có 6 vị Bí thư Tỉnh ủy từng ở, làm việc để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Căn cứ này đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969, Đại hội Đảng bộ tỉnh vào tháng 7/1970... Với những dấu ấn đặc biệt đó, Khu di tích căn cứ Sa Lôn được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào tháng 10/2017. Đồng thời, được phục dựng, tu bổ, tôn tạo các di tích gốc và xây dựng hạng mục phụ trợ đưa vào sử dụng đầu năm 2023. Hiện Khu nhà tưởng niệm trưng bày 277 hiện vật là các tư liệu, hình ảnh, vật dụng gắn liền với cán bộ, chiến sĩ trong quãng thời gian chiến tranh ác liệt, gian khổ, minh chứng hào hùng cho một thời tuổi trẻ sẵn sàng dâng hiến.
Để di chuyển lên khu di tích gốc, gồm hầm, chòi nghỉ chân, hội trường, bếp Hoàng Cầm, hệ thống mương thoát nước… du khách đi bộ theo con đường độc đạo với các bậc tam cấp trải dài gần 1 km. Qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên, mọi người đều cảm nhận được đây thực sự là một vùng đất huyền thoại, vang lên bản anh hùng ca bất diệt của lòng yêu nước và ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Khách tham quan tìm hiểu tại Khu di tích căn cứ
Đi để hiểu và hành động
Dang rộng cánh tay, hít một hơi thật khoan khoái giữa thiên nhiên hoang sơ chỉ có thanh âm trong trẻo của tiếng chim, tiếng nước róc rách và hương sắc hoa rừng, chị Minh Tú (Đồng Nai) cho biết: Đến đây không chỉ được tham quan các di tích, mà còn có cơ hội cảm nhận không khí của một thời kỳ cách mạng đầy gian khổ nhưng hào hùng, đồng thời tĩnh lặng, suy ngẫm về những giá trị cao đẹp mà dân tộc ta đã trải qua.

Hành trình trải nghiệm thú vị của du khách
Điểm thú vị nữa là khu di tích nằm trên tuyến đường kết nối các tour du lịch sinh thái từ xã miền núi Đông Giang, La Dạ sang Đồng Kho, rồi đến phường Bảo Lộc. Vì thế, khách tham quan sẽ có cơ hội trải nghiệm văn hóa bản địa độc đáo với các sản phẩm đặc sản của núi rừng Sa Lôn như: mật ong rừng, măng khô, chuối hột rừng, rượu cần, lá bép. Mỗi sản vật đều mang đậm bản sắc ẩm thực của đồng bào dân tộc K’Ho, Raglai.
Những chuyến về nguồn chính là hoạt động thiết thực, biết để trân trọng, tự hào, nêu cao tinh thần, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống. Hiện Ban Quản lý Khu di tích căn cứ đang xây dựng nội dung và tạo mã QR Code các nguồn tài liệu, hiện vật trưng bày, nhà bia và hầm trú ẩn, lán trại tại đây. Song song đó, kết nối các tour, tuyến du lịch và nghiên cứu, đưa mô hình dịch vụ phù hợp nhằm thu hút ngày càng đông khách đến tham quan, trải nghiệm.