Về thủy điện Trị An

Hồ thủy điện Trị An hiện là hồ thủy điện lớn nhất miền Nam với diện tích hơn 323 km2. Ngoài việc cung cấp điện từ công trình thủy điện Trị An, giúp điều tiết nước, hồ Trị An còn có cảnh quan rất đẹp với nhiều đảo nhỏ, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nếu được quy hoạch phù hợp.

Công trình thế kỷ

Hồ thủy điện Trị An thuộc các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai được hình thành nhờ vào việc đắp đập ngăn sông Đồng Nai, một trong những hạng mục chính của công trình Thủy điện Trị An, hiện là hồ thủy điện lớn nhất miền Nam với diện tích hơn 323 km2.

Mới đây, phóng viên Báo Lao động Thủ đô có dịp trở lại vùng lòng hồ thủy điện Trị An bao la, được mục sở thị khu vực bên trong nhà máy thủy điện. Tiếp xúc với cán bộ lãnh đạo, nhân viên nơi đây, vào lúc thời tiết khu vực Nam Bộ từ nay đến tháng 5/2024 liên tục có những đợt nắng nóng diện rộng mới thấy sức đóng góp to lớn nguồn điện từ nơi đây cho cả nước.

Hồ thủy điện Trị An hiện là hồ thủy điện lớn nhất miền Nam với diện tích hơn 323 km2.

Hồ thủy điện Trị An hiện là hồ thủy điện lớn nhất miền Nam với diện tích hơn 323 km2.

Đến nay với quá trình vận hành liên tục, an toàn, hiệu quả, thủy điện Trị An đã cung cấp sản lượng điện lên lưới điện quốc gia đạt trên 62,4 tỷ kWh, vượt trên cả sản lượng thiết kế. Ngoài việc đảm bảo sự ổn định của hệ thống điện quốc gia, công trình còn có vai trò điều tiết lũ đồng thời đảm bảo nước tưới tiêu cho cả vùng hạ du rộng lớn.

Hiện nay, khi du lịch mặt hồ thủy điện, du khách còn có thể vào tham quan, tìm hiểu về nhà máy Thủy điện Trị An để hiểu hơn quá trình hình thành cũng như cách vận hành nhà máy, tổ máy (tuabin), tham quan hệ thống cửa xả. Tại phòng truyền thống còn lưu giữ những hình ảnh về một thời hào hùng, quá trình thực hiện xây dựng công trình mang tầm vóc thế kỷ.

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Tấn Nhẫn, Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An cho biết: Tổ máy đầu tiên của thủy điện Trị An chính thức vận hành và hòa vào lưới điện quốc gia tháng 5/1988. Với 4 tổ máy có công suất 400 MW thời điểm đó, thủy điện Trị An đã cung cấp 1/2 sản lượng điện cho miền Nam.

Sức mạnh đoàn kết

Nhà máy thủy điện Trị An cung cấp sản lượng điện trung bình hàng năm 1,7 tỷ KWh. Đây là công trình quốc gia, giải quyết nhu cầu điện năng cho sinh hoạt, sản xuất, góp sức to lớn cho công cuộc tái thiết đất nước sau hàng chục năm chiến tranh, đồng thời góp phần đào tạo một đội ngũ cán bộ, kỹ sư cho ngành điện.

Đội ngũ kỹ sư điều hành tại nhà máy điện Trị An.

Đội ngũ kỹ sư điều hành tại nhà máy điện Trị An.

Sau hơn 35 năm kể từ khi khởi công, công trình thủy điện mang tầm vóc quốc gia và quốc tế này vẫn đóng một vai trò, ý nghĩa to lớn. Kể từ “ngày lịch sử” tháng 5/1988, dòng chảy sông Đồng Nai bị chặn lại ở bậc thang dưới cùng (bậc thang thứ 9), thủy điện Trị An ra đời, đánh dấu sự quan trọng của nó trong bối cảnh miền Nam và cả nước lúc đó đang thiếu điện trầm trọng.

Sau khi ra đời, thủy điện Trị An đã đảm bảo nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của 16 tỉnh, thành phía Nam, ngoài ra còn đảm bảo nguồn nước cho công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt cho hơn 5 triệu dân phía hạ lưu.

Những dấu mốc hình thành thủy điện Trị An cũng trở thành những ngày đáng nhớ của ngành điện: Ngày 30/4/1984, khởi công, nổ mìn mở móng đập tràn; ngày 10/5/1985, đổ khối bê tông đầu tiên ở đập tràn; ngày 12/1/1987, ngăn dòng Đồng Nai; ngày 30/4/1988, tổ máy số 1 chính hức vận hành.

Ngoài việc đảm bảo nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của 16 tỉnh, thành phía Nam, thủy điện Trị An còn đảm bảo nguồn nước cho công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt cho hơn 5 triệu dân phía hạ lưu.

Ngoài việc đảm bảo nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của 16 tỉnh, thành phía Nam, thủy điện Trị An còn đảm bảo nguồn nước cho công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt cho hơn 5 triệu dân phía hạ lưu.

Ông Phạm Công Trữ, nguyên Chánh Văn phòng Đảng ủy công trình Thủy điện Trị An, từng sống và làm việc tại Thủy điện Trị An từ năm 1981 cho biết: Thời điểm đó, thủy điện duy nhất ở miền Nam là Đa Nhim (xây dựng năm 1964 trên sông Đa Nhim, giáp ranh tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận) chưa thể hòa vào lưới điện quốc gia. Nhu cầu điện năng của miền Nam lúc đó lại tăng gần 300-400 triệu KWh, nhưng không có nguồn điện bổ sung.

Vì vậy, ngành điện buộc phải cắt giảm tiêu thụ, gây trở ngại trong phát triển kinh tế, sinh hoạt của người dân. Trước nhu cầu bức bách, dự án thủy điện Trị An được quyết tấm thực hiện. Chủ trương đưa ra là làm thủy điện Trị An phải nhanh, nên cần huy động tổng lực nguồn lực xã hội với đông đảo đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật có tay nghề và các thiết bị máy móc phục vụ thi công.

Bà Hà Thị Kim Hồng (sinh năm 1965), quê gốc Quảng Ngãi, hiện sống tại ấp Lý Lịch 2, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu kể, năm 1983, bà cùng bố mẹ và các anh chị tham gia cùng hàng ngàn công nhân thu dọn lòng hồ Trị An. Sau khi công trình hoàn thành, từ đó đến nay bà vẫn sống tại địa phương, sinh sống bằng nghề làm vườn. “Công nhân đến công trường bằng xe đạp thồ, ăn ngủ trong lều bạt. Khối lượng công việc dọn dẹp lòng hồ là rất lớn, không có máy móc, phải đào đất thủ công”, bà hồi tưởng.

Công trình thủy điện Trị An cũng là minh chứng lịch sử cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, minh chứng cho sự đồng thuận cao, tạo nên nguồn lực, sức mạnh đoàn kết từ các tầng lớp nhân dân dành cho công cuộc xây dựng đất nước.

Theo số liệu lưu giữ, công trình thủy điện Trị An đã phải đào lấp khối lượng đất đá khoảng 23 triêụm3, dùng 73.000 tấn kết cấu sắt thép, thiết bị và gần 600.000 tấn bê tông. Từ những ngày đầu tiên, công tác mở đường, khảo sát, đo đạc, nơi sình lầy, “rừng thiêng nước độc”, đã phải huy động gần 1 triệu lượt người với khoảng 6 triệu ngày công thu gom, làm sạch hơn 30.000ha lòng hồ và di dời 19.000 người để thực hiện các bước tiếp theo. Riêng vào thời điểm xây dựng chính, lúc cao điểm huy động hàng chục ngàn người cùng thực hiện song song, cấp tập ở nhiều hạng mục. Riêng chuyên gia khoảng 500 người.

Thành Đồng - Cẩm Trang

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ve-thuy-dien-tri-an-166934.html
Zalo