Về thăm làng cổ Hà Liên

Làng cổ Hà Liên (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) thu hút du khách bởi vẻ đẹp thơ mộng của một ốc đảo nằm bên đầm Nha Phu. Vẻ đẹp của ngôi làng hơn 370 năm tuổi không chỉ lưu giữ những nét văn hóa, lịch sử đặc sắc mà còn đầy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng hấp dẫn.

Làng Hà Liên mang vẻ đẹp thơ mộng với nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

Làng Hà Liên mang vẻ đẹp thơ mộng với nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

Giàu truyền thống cách mạng

Hà Liên có tên hành chính là Tổ dân phố Hà Liên, nhưng chúng tôi vẫn thích cách gọi làng Hà Liên bởi sự gần gũi, thân quen.

Theo những người già trong làng, vào năm 1653, theo dấu chân mở cõi của cai cơ Hùng Lộc Hầu dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, những cư dân đầu tiên đã đến lập làng Hà Liên thuộc tổng Ích Hạ, huyện Tân Định (sau này là phủ Ninh Hòa, tức thị xã Ninh Hòa ngày nay).

Làng Hà Liên nằm ở khu vực cửa sông Dinh, giáp với đầm Nha Phu và gần núi Hòn Hèo.

Trong câu chuyện với nhạc sĩ Hình Phước Liên - một người con của làng Hà Liên, chúng tôi được biết, do ở vị trí “kề sông, giáp biển, cận sơn”, nên từ thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân đã xây dựng những đồn bốt kiên cố để chống lực lượng Việt Minh từ căn cứ Hòn Hèo đánh vào trung tâm phủ lỵ Ninh Hòa.

Đến thời Mỹ - Ngụy cũng ra sức rào ấp chiến lược, khủng bố, đàn áp để ngăn chặn sự xâm nhập của lực lượng giải phóng từ bên ngoài vào trong làng Hà Liên.

Những khu rừng ngập mặn không chỉ cho tôm, cua, cá mà còn che chở người dân khi có giông bão

Những khu rừng ngập mặn không chỉ cho tôm, cua, cá mà còn che chở người dân khi có giông bão

Về làng Hà Liên hôm nay, chúng tôi được nghe lại câu chuyện của người dân nơi đây trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Đó là sự kiện, rạng sáng 16.8.1945, lực lượng khởi nghĩa đã kéo đến bắt tên Phó tổng trưởng Ích Hạ và dẫn tới đình làng Hà Liên. Cờ quẻ ly của địch được hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay phấp phới trên đình làng.

Ngày 17.8.1945, Nhân dân làng Hà Liên hòa vào dòng người cách mạng tiến về phủ lỵ Ninh Hòa, góp phần lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, lập nên chính quyền cách mạng ở phủ Ninh Hòa.

Sau ngày Quốc khánh 2.9, Nhân dân Hà Liên lại cùng với các làng khác tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi giặc Pháp chiếm được phủ lỵ Ninh Hòa, làng Hà Liên là 1 trong 3 hậu phương chiến đấu của khu Ích Hạ, Nhân dân trong làng luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ đồng bào ở những làng khác phải tạm lánh kẻ thù…

Nơi đây là một làng quê thanh bình, thân thiện và có nhiều nét văn hóa độc đáo

Nơi đây là một làng quê thanh bình, thân thiện và có nhiều nét văn hóa độc đáo

Sau Hiệp định Giơnevơ, Nhân dân làng Hà Liên cũng như bao nơi khác phải chịu cảnh đau thương do chính quyền Mỹ - Diệm gây nên.

Dù bị đàn áp, khủng bố khốc liệt, nhưng đồng bào nơi đây vẫn giữ được tấm lòng son sắc với cách mạng.

Năm 1962, làng Hà Liên là cơ sở cách mạng. Ngày 15.11.1964, sau cuộc đồng khởi ở vùng đồng bằng Khánh Hòa, một bộ phận của Tiểu đoàn 30 và Trung đội địa phương đã đột nhập giải phóng làng Hà Liên - đây là làng đầu tiên của xã Ninh Hà được giải phóng.

Nhân dân Hà Liên đứng lên làm chủ xóm làng, tham gia kháng chiến và đã có nhiều thanh niên đi hoạt động cách mạng như: Nguyễn Đình Chương, Lê Văn Chương, Lê Văn Du, Trần Khải, Trần Đồ, Huỳnh Bảy, Trần Thị Ánh, Nguyễn Đức Thắng, Hình Phước Đông…

Tháng 4.1965, quân địch đã cưỡng bức toàn bộ dân làng Hà Liên về khu “ấp chiến lược” ở thôn Tân Tế (xã Ninh Hà).

Nhìn từ trên cao, Hà Liên như một con diều tung bay giữa đầm Nha Phu thơ mộng

Nhìn từ trên cao, Hà Liên như một con diều tung bay giữa đầm Nha Phu thơ mộng

Thế nhưng, dân làng Hà Liên vẫn tìm cách bắt liên lạc với lực lượng cách mạng bên ngoài để góp phần đưa phong trào cách mạng của xã Ninh Hà phát triển.

Trong lịch sử Đảng bộ phường Ninh Hà ghi: “Có thể nói rằng: Hà Liên là căn cứ lõm của cách mạng trong vùng địch. Nhân dân Hà Liên là nòng cốt, trụ cột của phong trào cách mạng xã Ninh Hà. Những năm chiến tranh, nơi nào có người dân Hà Liên đến cư trú, làm ăn thì nơi đó sẽ có cơ sở cách mạng”.

Từ 1965 - 1975, Nhân dân Hà Liên sống trong sự kìm kẹp, khủng bố ác liệt, nhưng vẫn nêu cao tinh thần cách mạng kiên trung. Làng Hà Liên đã từng bước được Huyện ủy Ninh Hòa công nhận “Thôn làm chủ mức thấp” vào năm 1967, rồi “Thôn làm chủ mức cao” vào năm 1972.

Khi bước chân thần tốc của đoàn quân giải phóng tiến về Sài Gòn, Nhân dân làng Hà Liên đã hòa chung niềm vui của Ngày Giải phóng tỉnh Khánh Hòa 2.4.1975, đặc biệt là Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30.4.1975...

Làng du lịch cộng đồng hấp dẫn

Chúng tôi đến làng Hà Liên vào đúng dịp người dân tổ chức Lễ hội cúng đình tưởng nhớ các bậc tiền nhân khai cơ lập ấp.

Ông Hà Văn Sỹ - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố Hà Liên phấn khởi chia sẻ: “Lễ cúng đình Hà Liên diễn ra vào trung tuần tháng 2 âm lịch hàng năm. Sau phần lễ, thường có phần hội với các trò chơi kéo co, nhảy bao bố, đánh bóng chuyền, bịt mắt đập heo đất, giao lưu văn nghệ... rất sôi động.

Khi theo chân người dân đi đánh bắt thủy sản, ngắm rừng ngập mặn, được tự tay kéo lưới bắt cá... là một trải nghiệm khó quên đối với du khách

Khi theo chân người dân đi đánh bắt thủy sản, ngắm rừng ngập mặn, được tự tay kéo lưới bắt cá... là một trải nghiệm khó quên đối với du khách

Hiện làng Hà Liên có 333 hộ dân với 1.128 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản. Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản hằng năm đạt từ 400-500 tấn. Số hộ có kinh tế khá giả chiếm hơn 30%; 100% trẻ em trong độ tuổi đến được trường và mỗi năm có khoảng 10 học sinh thi đổ vào các trường đại học, cao đẳng. Đặc biệt, bà con nơi đây sống rất chan hòa, đoàn kết, nghĩa tình”.

Nhìn từ trên cao, Hà Liên như một con diều tung bay giữa đầm Nha Phu rộng lớn. Trên con đường độc đạo đi vào làng, hai bên là những đìa nuôi trồng thủy sản; làng được che chắn bởi màu xanh của rừng ngập mặn...

Trong làng có lăng ông Nam Hải, đình làng, miếu bà Thiên Y A Na, miếu bà Hậu thổ, chùa Huệ Liên và đặc biệt là những ngôi nhà dân nằm san sát kề nhau. Trải qua nhiều thế hệ, người dân Hà Liên luôn cần cù, chịu khó, ngày đêm bám biển, khai thác nguồn lợi thủy sản.

“Từ nhỏ, tôi đã quen với chèo thuyền, thả lưới đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Những khu rừng ngập mặn không chỉ cho tôm, cua, cá mà còn che chở người dân khi có giông bão. Vì vậy, mọi người đều có ý thức bảo vệ”, ông Chu Minh Hoàng, một người dân làng Hà Liên chia sẻ.

Với vẻ đẹp, nét độc đáo của một ngôi làng nằm tách biệt với những khu dân cư khác, làng Hà Liên sở hữu những tiềm năng trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Thời gian gần đây, có nhiều nhóm khách lẻ trong và ngoài nước đến Hà Liên tham quan, tìm hiểu.

Anh Lê Văn Thắm (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Nơi đây là một làng quê thanh bình, thân thiện và có nhiều nét văn hóa độc đáo. Khi theo chân người dân đi đánh bắt thủy sản, ngắm rừng ngập mặn, được tự tay kéo lưới bắt cá... là một trải nghiệm khó quên”.

Với vẻ đẹp, nét độc đáo của một ngôi làng nằm tách biệt với những khu dân cư khác, làng Hà Liên sở hữu những tiềm năng trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn

Với vẻ đẹp, nét độc đáo của một ngôi làng nằm tách biệt với những khu dân cư khác, làng Hà Liên sở hữu những tiềm năng trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn

Còn anh Phạm Minh Định (người dân Hà Liên) cho biết: “Hơn 1 năm qua, du khách nhiều nơi tìm đến đây có nhu cầu dạo chơi nên tôi đã sử dụng thuyền của gia đình phục vụ chở khách.

Sau khi tham quan, ai cũng thích thú và ngợi khen về khung cảnh, văn hóa đặc sắc của làng. Tôi mong một ngày không xa, nơi đây sẽ được đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững, để nhiều người biết về Hà Liên và góp phần nâng cao thu nhập cho bà con”.

Trao đổi về hướng phát triển du lịch ở làng Hà Liên, ông Nguyễn Thanh Hưng - Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin thị xã Ninh Hòa cho biết, thời gian gần đây, Hà Liên bỗng nổi lên trên mạng xã hội với vẻ đẹp độc đáo của một làng quê thanh bình. Đây có thể xem là điểm khởi đầu cho việc đầu tư Hà Liên thành điểm du lịch cộng đồng.

Trong kế hoạch phát triển du lịch thị xã 2025, cũng đã lựa chọn Hà Liên để lập đoàn khảo sát, tìm hiểu về những điều kiện để có thể xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Nếu trở thành điểm du lịch cộng đồng sẽ góp phần gia tăng sinh kế cho người dân, đồng thời bảo tồn, phát huy được những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc theo hướng bền vững.

Rời làng Hà Liên trong lời hẹn của người dân nơi đây về ngày gặp lại, chúng tôi mang theo những niềm vui khi được tận hưởng vẻ đẹp của một làng biển từ cảnh vật đến con người. Hy vọng, trong một ngày gần nhất, làng Hà Liên là một điểm đến của những ai yêu thích cảnh thanh bình, mộc mạc.

HOA PHONG LỮ

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/ve-tham-lang-co-ha-lien-130866.html
Zalo