Về thăm khu căn cứ Ngãi Thuận - Ngãi Hưng - Trà Mềm
Nơi đây, trong 05 năm cuối cùng của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc (1970 - 1975) từng là 'tổng hành dinh', nơi Tỉnh ủy và Tỉnh đội Trà Vinh đứng chân tổ chức, điều hành, lãnh đạo cuộc kháng chiến trên địa bàn cả tỉnh.

Đường nhựa trải dài ở ấp NTM kiểu mẫu của xã Tập Ngãi. Ảnh: SK
Ngãi Thuận, Ngãi Hưng, trong kháng chiến là một ấp vùng sâu của xã vùng sâu Tập Ngãi (nay là xã Ngãi Hùng), còn ấp Trà Mềm thuộc xã Hùng Hòa (nay là xã Tân Hùng), huyện Tiểu Cần. 03 ấp này nằm dọc hai bên bờ con sông Trà Mềm, mà nhiều thập niên trước là vùng đất xa xôi, hẻo lánh, không có bất cứ tuyến giao thông đường bộ nào ra vào được. Nơi đây, trong 05 năm cuối cùng của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc (1970 - 1975) từng là “tổng hành dinh”, nơi Tỉnh ủy và Tỉnh đội Trà Vinh đứng chân tổ chức, điều hành, lãnh đạo cuộc kháng chiến trên địa bàn cả tỉnh. Cũng chính tại khu căn cứ này, những phương án chiến lược của chiến dịch giải phóng Trà Vinh mùa Xuân 1975 đã được Tỉnh ủy, Tỉnh đội và Ban Chỉ huy Chiến dịch thông qua.
Trong giai đoạn chiến tranh, nhìn trên bản đồ huyện Tiểu Cần, gần như có sự phân chia địa giới khá rõ ràng bởi con sông Cần Chong. Ba xã phía Bắc sông là Long Thới (nay là Long Thới và thị trấn Cầu Quan), Tiểu Cần (nay là xã Phú Cần và thị trấn Tiểu Cần), Hiếu Tử (nay là Hiếu Tử và Hiếu Trung) dọc theo tuyến Tỉnh lộ 34 (nay là Quốc lộ 60) nhiều giồng cát, cao ráo, giao thông thuận tiện và là vùng chính quyền và quân đội Sài Gòn kiểm soát khá chặt chẽ. Trong khi đó, 03 xã phía Nam là Tân Hòa, Hùng Hòa (nay là Hùng Hòa và Tân Hùng), Tập Ngãi (nay là Tập Ngãi và Ngãi Hùng) là vùng đất thịt trũng thấp, việc đi lại chủ yếu đựa vào các nhánh sông, kênh rạch và là vùng căn cứ cách mạng lâu dài, vững chắc suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Hồi đó, địa bàn xã Tập Ngãi sau đòn tập kích chiến lược Xuân Mậu Thân 1968 trở nên vô cùng ác liệt. Tiểu khu Vĩnh Bình, Chi khu Tiểu Cần dốc tâm, dốc lực xây dựng phân chi khu Tập Ngãi tại ấp Thành Đường (nay là 02 ấp Lê Văn Quới và Ngô Văn Kiệt) thành căn cứ quân sự mạnh làm bàn đạp phối hợp và hỗ trợ các đơn vị chủ lực, bảo an, có pháo binh, phi cơ yểm trợ, hành quân dài ngày đánh chà đi xát lại vùng căn cứ Ngãi Thuận - Ngãi Hưng - Trà Mềm, quyết dùng đòn thọc sâu đánh chiếm, bình định vùng nông thôn sâu, vùng căn cứ giải phóng trong khi phần lớn các đơn vị vũ trang cách mạng còn tập trung quanh các thị xã, thị trấn. Vậy mà Tập Ngãi, Hùng Hòa chỉ với hai trung đội du kích cùng phong trào nhân dân du kích chiến tranh phát triển rộng khắp, đã đứng vững trước những đòn hung bạo ấy. Một tiểu đoàn chủ lực thuộc Trung đoàn 14, Sư 9, có hai cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy, cặm quân đóng đồn tại Ngã ba Nhà Vựa, nhằm chia cắt và tiêu diệt khu căn cứ Ngãi Thuận - Ngãi Hưng - Trà Mềm đã bị hai trung đội du kích xã kềm giữ đứng chôn chân tại chỗ hàng tháng trời. Hơn trăm binh lính cùng viên cố vấn Huê Kỳ bị loại ra khỏi vòng chiến đấu mà ý đồ chia cắt vùng giải phóng của ta vẫn không thực hiện được. Trận Vườn Hoang (Ngãi Hòa) ba tiểu đoàn vừa chủ lực vừa bảo an hung hăng bao vây và thảm sát hơn trăm người, mà phần đông là những thường dân tay không tấc sắt. Địch càng tàn ác, Tập Ngãi, Hùng Hòa càng như sắt như đồng vững vàng trên tuyến đầu chống lấn chiếm, bình định.
Đầu năm 1970, để kịp thời nắm bắt tình hình để chỉ đạo các lực lượng vũ trang cả tỉnh trong cuộc chiến đối đầu với chiến lược chiến tranh Việt Nam hóa, Tỉnh đội Trà Vinh từ vùng giải phóng ven biển di chuyển dần về các huyện đồng bằng, chọn Ngãi Hưng làm căn cứ đứng chân. Đồng chí Nguyễn Trường Thọ (Năm Ròm)- Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chính trị viên Tỉnh đội cùng các đồng chí Phan Thanh Triệu (Sáu Hoàng) - Tỉnh đội trưởng, Ngô Quốc Trị (Bảy Hùng), Nguyễn Phước Dợt (Hai Trị), Thạch Phan Suôn (Sáu Ly) - Tỉnh đội phó cùng các các cơ quan trực thuộc Tỉnh đội đóng quân tại những chân vườn, những cụm rừng rài ven sông Trà Mềm, dưới sự đùm bọc, cưu mang, che chở của những người nông dân tay lấm chân bùn nơi đây.
Các đơn vị vũ trang tỉnh như Tiểu đoàn bộ binh 501, Đại đội bộ binh 509, Đại đội Đặc công 513, Đại đội Pháo binh 517… cũng thường xuyên về đây rèn cán dưỡng quân. Chính nơi đây, nhiều quyết định quan trọng đưa các đơn vị vũ trang cách mạng Trà Vinh vượt qua giai đoạn khó khăn, đi từ trận này đến trận khác, từ chiến dịch này đến chiến dịch khác, bẻ gãy ý đồ bình định lấn chiếm của tiểu khu Vĩnh Bình, từng bước phản công, chuyển thế tiến công đi đến thắng lợi cuối cùng trên địa bàn cả tỉnh.
Đến năm 1973, sau Hiệp định Paris được ký kết, tình hình cách mạng miền Nam nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng có những chuyển biến mau lẹ, đòi hỏi có sự tập trung lãnh chỉ đạo cao hơn, kịp thời và sát hợp hơn. Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định dời một bộ phận, và là bộ phận chủ yếu của mình về căn cứ Ngãi Thuận, cạnh căn cứ Tỉnh đội ở Ngãi Hưng. Một số cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, Tỉnh đội mở rộng địa bàn, đóng ở ấp Trà Mềm (Hùng Hòa), Chánh Hội, Ngãi Phú (Tập Ngãi). Lần lượt các Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Liềng (Bảy Sách), Nguyễn Văn Tiết (Ba Trắng) cùng nhiều đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh có mặt tại đây. Ngãi Thuận - Ngãi Hưng thực sự trở thành “tổng hành dinh” tổ chức, điều hành, lãnh đạo những chiến thắng liên tục của quân dân Trà Vinh trong những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Tất nhiên, sự có mặt của các cơ quan trọng yếu cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Tỉnh ủy, Tỉnh đội và các đơn vị vũ trang tập trung trên địa bàn Ngãi Thuận - Ngãi Hưng - Trà Mềm không qua được cặp mắt luôn rình rập, theo dõi của chi khu Tiểu Cần, tiểu khu Vĩnh Bình và cả Bộ Tư lệnh Vùng IV chiến thuật. Chính quyền và quân đội Sài Gòn tập trung đánh phá vùng đất căn cứ này bằng mọi sức mạnh có được trong tay, kể cả bộ binh, cơ giới, pháo binh, phi cơ… Nhưng với một phong trào nhân dân du kích chiến tranh phát triển cùng đủ loại vũ khí thô sơ đã làm chùn chân những đơn vị nhà nghề ấy.

Giai đoạn 2020 - 2024, xã Tân Hùng đã huy động các nguồn lực đầu tư gần 124 tỷ đồng để XDNTM kiểu mẫu; trong đó vốn doanh nghiệp và Nhân dân đóng góp gần 14 tỷ đồng. (Trong ảnh: Đoàn thẩm định NTM tỉnh do đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường làm trưởng đoàn, cùng đại diện các sở, ngành tỉnh vừa có buổi làm việc, kiểm tra, thẩm định việc thực hiện các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu về sản xuất tại xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần).
Cuối năm 1974, đầu năm 1975, tại khu căn cứ Ngãi Hưng đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng giữa Tỉnh ủy và Tỉnh đội chuẩn bị cho những đòn quyết chiến chiến lược kết thúc cuộc chiến tranh. Tháng 11/1974 họp Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng, có sự tham gia của lãnh đạo Phân ban Khu ủy khu Tây Nam bộ, nhằm tổng kết tình hình giai đoạn 1969 - 1974 và đi đến quyết định mở chiến dịch mùa khô 1974 - 1975. Tháng 3/1975, sau những thắng lợi liên tục và quan trọng của chiến dịch mùa khô, Tỉnh ủy và Tỉnh đội họp đi đến quyết định đề xuất với Quân khu cho phép Trà Vinh tự lực giải phóng tỉnh nhà. Quân khu đồng ý và chỉ định đồng chí Nguyễn Trường Thọ làm Chỉ huy trưởng. Ngày 17/4/1975, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Tiết, Chỉ huy trưởng Nguyễn Trường Thọ trình bày các phương án của chiến dịch. Sau khi thảo luận kỹ lưỡng, Tỉnh ủy thống nhất phương án Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa, đồng thời làm lễ tuyên thệ hạ quyết tâm giải phóng Trà Vinh.
Ngay sau hội nghị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh rời căn cứ Ngãi Thuận - Ngãi Hưng - Trà Mềm di chuyển về khu vực Long Hội - Nhà Thờ (Tân An), đến ngày 26/4/1975, đứng chân tại căn cứ Khánh Lộc (Song Lộc) trực tiếp chỉ đạo các lực lượng quân sự, chính trị tiến công giải phóng tỉnh lỵ Trà Vinh.
Những vấn đề được bàn bạc, thảo luận đi đến thống nhất tại khu căn cứ Ngãi Thận - Ngãi Hưng là tiền đề mang tính quyết định để quân dân Trà Vinh đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng tỉnh nhà vào trưa ngày 30/4/1975, góp phần xứng đáng cùng cả nước kết thúc cuộc kháng chiến, giành độc lập tự do hoàn toàn cho dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Sau 50 năm kết thúc cuộc chiến tranh, chúng tôi có dịp trở lại thăm vùng căn cứ Ngãi Thuận - Ngãi Hưng - Trà Mềm như một chuyến hành hương về nguồn nhiều ý nghĩa. Ấn tượng đầu tiên về sự đổi thay của một ấp vùng sâu năm nào là những tuyến đường nhựa nối Ngãi Thuận - Ngãi Hưng - Trà Mềm ra Ngã Tư, rồi về Trà Vinh bằng hai tuyến đường qua Thanh Mỹ và qua Lương Hòa. Ở hướng khác, chiếc cầu dây giăng qua sông Tập Ngãi cùng hệ thống đường bêtông xuyên qua các ấp Ngãi Phú, Ngãi Thuận, Ngãi Hưng… một đầu nối vào đường nhựa Tiểu Cần - Tập Ngãi, một đầu nối vào quốc lộ 54 đoạn xã Phước Hưng (huyện Trà Cú). Gần hơn là tuyến đường nhựa qua ấp Trung Tiến, rồi ra chợ Rạch Lọp, nối vào Quốc lộ 54. Trên những cung đường này, chúng tôi chỉ mất chưa đầy mươi phút xe máy thay vì cả mấy tiếng đường sông ngoằn ngoèo trước đây. Cũng trên những tuyến lộ này, hàng ngày những người mẹ, người chị Ngãi Thuận, Ngãi Hưng, Trà Mềm ra chợ Tiểu Cần bán con cá, con tôm, mua mớ rau, mớ cải… thuận tiện dễ dàng. Thế hệ trẻ ba ấp vùng sâu ngày nào đạp xe đến trường cười đùa vui vẻ, chẳng bù cha anh ngày nào cứ bước trượt, bước trơn vất vả. Cách tuyến lộ một đỗi, ngoài tiền duyên, là những trụ điện cường tráng vươn mình, bất chấp gió mưa, đưa dòng điện quốc gia về thắp sáng vùng căn cứ kiên trung ngày nào. Tại Ngã ba Nhà Vựa, cụm hành chính tập trung, trường trung học cơ sở, nhà chợ Ngãi Hùng… sừng sững mọc lên, khang trang và sạch đẹp.
Ba xã Tập Ngãi, Ngãi Hùng, Tân Hòa bao quanh vùng căn cứ kiên trung, bất khuất trong chiến tranh, sẵn sàng đón nhận hy sinh mất mát vì thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng tỉnh nhà, nay đang chuyển mình những bước đi lên đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao, cùng đất nước vươn mình trong kỷ nguyên tươi sáng.