Khai bút đầu xuân tại đền thờ Chu Văn An (Chí Linh) với nhiều nghi lễ truyền thống

Lễ khai bút đầu xuân tại đền thờ Chu Văn An (TP Chí Linh, Hải Dương) diễn ra sáng mùng 8 tháng giêng với nhiều nghi lễ truyền thống.

Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương thực hiện nghi thức đánh trống khai bút

Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương thực hiện nghi thức đánh trống khai bút

Sáng 5/2 (mùng 8 tháng giêng năm Ất Tỵ), tại đền thờ Chu Văn An thuộc phường Văn An, TP Chí Linh tổ chức lễ khai bút đầu xuân.

Đông đảo đại biểu, khách mời, học sinh, sinh viên và du khách thập phương về dự lễ khai bút

Đông đảo đại biểu, khách mời, học sinh, sinh viên và du khách thập phương về dự lễ khai bút

Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tới dự và thực hiện nghi thức đánh trống khai bút.

Dự lễ khai bút có đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ban, ngành và TP Chí Linh.

Cùng dự có lãnh đạo huyện Thanh Trì (Hà Nội) là quê hương của thầy giáo Chu Văn An; lãnh đạo các địa phương kết nghĩa với TP Chí Linh.

Văn tế dâng hương tưởng nhớ công lao, tri ân người thầy vĩ đại

Văn tế dâng hương tưởng nhớ công lao, tri ân người thầy vĩ đại

Mở đầu lễ khai bút là nghi thức dâng hương tri ân Vạn thế sư biểu, danh nhân Chu Văn An. Văn tế và nghi thức dâng hương do ông Trần Quang Sơn cùng các cụ cao tuổi trong đội tế phường Văn An thực hiện. Văn tế tưởng nhớ công lao, tri ân người thầy vĩ đại của đạo học nước Nam, Vạn thế sư biểu Chu Văn An.

Chủ tịch UBND TP Chí Linh Nguyễn Tuấn Hưng đọc diễn văn khai bút

Chủ tịch UBND TP Chí Linh Nguyễn Tuấn Hưng đọc diễn văn khai bút

Trong diễn văn lễ khai bút, Chủ tịch UBND TP Chí Linh Nguyễn Tuấn Hưng nhấn mạnh lễ khai bút là “khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp”. Khai bút đầu xuân không chỉ biểu trưng cho sự hiếu học mà còn là cách thu hút lộc tài trong học hành, thi cử, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo. Việc thực hiện lễ khai bút mang ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết dân tộc, truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học của các thế hệ hôm nay và mai sau...

Màn khai bút bằng Hán văn do nhà thư pháp Phạm Hùng trình diễn

Màn khai bút bằng Hán văn do nhà thư pháp Phạm Hùng trình diễn

Nhà thư pháp Phạm Hùng, Câu lạc bộ Thư pháp tỉnh thực hiện màn khai bút bằng Hán văn gồm 4 chữ "Hưng Vượng Phát Đạt" (có nghĩa: thịnh vượng, phát triển đạt được mục đích, nhiệm vụ đề ra).

Các đại biểu thực hiện khai bút 10 chữ quốc ngữ

Các đại biểu thực hiện khai bút 10 chữ quốc ngữ

Các đồng chí lãnh đạo thực hiện khai bút 10 chữ quốc ngữ năm 2025: "Nhân thuận bách niên, phúc gia hòa, vạn sự hưng" (có nghĩa là: nhân dân thuận theo một lòng, trăm năm hưởng phúc, nhà nhà hòa hợp, muôn việc thành công, hưng vượng). Các chữ viết khi khai bút được dâng trình lên thầy Chu Văn An trong đền.

Các chữ được đoàn rước dâng lên trình thầy Chu Văn An

Các chữ được đoàn rước dâng lên trình thầy Chu Văn An

Các em học sinh về dự lễ năm nay cũng đồng loạt khai bút tại đền thờ Chu Văn An trên phôi chữ "Học" theo câu "Học chỉ là mắt, hành mới có chân, có mắt có chân mới tiến lên được" của thầy Chu Văn An.

Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương động viên các em học sinh tham gia lễ khai bút

Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương động viên các em học sinh tham gia lễ khai bút

Nhân dịp này, TP Chí Linh đã khen thưởng 23 học sinh, sinh viên tiêu biểu có thành tích xuất sắc, đoạt giải cao trong các kỳ thi. Tại lễ khai bút, Quỹ khuyến học TP Chí Linh đã tiếp nhận trên 600 triệu đồng do các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ủng hộ.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Chí Linh Hoàng Quốc Thưởng trao tặng chữ cho các doanh nghiệp có nhiều đóng góp vào Quỹ khuyến học thành phố

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Chí Linh Hoàng Quốc Thưởng trao tặng chữ cho các doanh nghiệp có nhiều đóng góp vào Quỹ khuyến học thành phố

Trong chương trình lễ khai bút còn hoạt động giao lưu thư pháp với sự tham gia của 5 nghệ nhân thư pháp thuộc Câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh trình diễn kỹ năng viết thư pháp.

 Các nghệ nhân thư pháp trao tặng chữ cho các em học sinh tham gia lễ khai bút

Các nghệ nhân thư pháp trao tặng chữ cho các em học sinh tham gia lễ khai bút

Vạn thế sư biểu - thầy giáo Chu Văn An (1292-1370) sinh ra tại làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Chu Văn An từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học. Ông có công lớn trong việc quảng bá, hình thành đạo đức, tư tưởng Khổng giáo mang bản sắc Việt Nam. Ông nổi tiếng với kiến thức sâu rộng và tấm lòng trong sạch, thẳng ngay, đạo đức thanh cao, được mọi người kính phục, nể trọng. Chu Văn An được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho thái tử và con em các quan lại.

Đến đời vua Dụ Tông, thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng sớ xin chém bảy tên gian nịnh, nhưng vua không nghe nên ông trả áo mũ, treo ấn, từ quan.

Về với núi Phượng Hoàng (Chí Linh), thầy Chu Văn An vẫn đêm ngày đau đáu với đạo học. Thầy đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, được tôn vinh là người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam…

Khu đền thờ nhà giáo Chu Văn An nằm giữa rừng thông xanh tươi ngút ngàn của núi rừng Phượng Hoàng. Đền được khánh thành đầu năm 2008, bao gồm các hạng mục đền thờ chính, hai nhà tả hữu, hai nhà bia và một số hạng mục khác. Khu lăng mộ thầy Chu Văn An nằm cách đền thờ khoảng 600 m…

THÀNH CHUNG - THANH HOA

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/khai-but-dau-xuan-tai-den-tho-chu-van-an-chi-linh-voi-nhieu-nghi-le-truyen-thong-404564.html
Zalo