Về miền đất học

Trải qua hàng ngàn năm, ngọn lửa của truyền thống hiếu học vẫn luôn được truyền qua bao thế hệ người con của vùng 'đất lúa, đất văn'. Từ những biểu tượng 'danh bất hư truyền' về đạo học như Trạng nguyên Vũ Duệ, Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc, ngày nay, công tác khuyến học, khuyến tài luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền huyện Lâm Thao và toàn xã hội để trở thành điểm sáng trên quê hương Đất Tổ.

Quê hương làng Dòng - Xuân Lũng ngày nay

Quê hương làng Dòng - Xuân Lũng ngày nay

Biểu tượng lòng hiếu học

Khi nhắc về biểu tượng của đạo học ở vùng “đất lúa, đất văn” thì không thể không nhắc đến Trạng nguyên Vũ Duệ. Ông là vị Trạng nguyên duy nhất của tỉnh Phú Thọ, đứng đầu trong số 13 vị đại quân trung thần tử tiết của nhà Lê. Trạng nguyên Vũ Duệ sinh năm Kỷ Mão 1469, tại làng Trình Xá, tổng Vĩnh Lại, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây (nay là xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).

Vũ Duệ thuở nhỏ tên là Vũ Nghĩa Chi, được mệnh danh là thần đồng. Lên 7 tuổi, ông đọc thông, viết thạo, biết làm thơ. Năm 20 tuổi, ông đỗ đầu kỳ thi Hương. Khoa thi Hội năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 dưới triều vua Lê Thánh Tông, ông thi đỗ Trạng nguyên. Tên tuổi Trạng nguyên Vũ Duệ được khắc ghi trên bia đá của Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ông làm việc nước từ thời vua Lê Thánh Tông trải qua các đời vua: Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục, Tương Mục và Chiêu Tông, đảm nhiệm nhiều chức vụ từ Tham phủ, Lại bộ Thượng thư, Đông các đại học sỹ, Trịnh ý bỉnh văn, Thiếu bảo, Tước Trình Khê hầu...

Thời vua Lê Chiêu Tông, đất nước suy tàn. Tướng võ Mạc Đăng Dung thoán quyền, cướp ngôi vua. Nước mất, ông không chịu nổi đã tử tiết ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Ngọ 1522. Ông là tấm gương sáng về truyền thống hiếu học, thương dân, ái quốc, vì nghĩa lớn quên thân, là bậc công thần tiết nghĩa thời Lê, danh nho đứng đầu hàng khoa bảng trong số 26 vị danh nho tỉnh Phú Thọ. Hiện nay, tại làng Trình Xá, xã Vĩnh Lại, nhân dân lập đền thờ Trạng Nguyên Vũ Duệ.

Đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ tại xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao.

Làng Dòng (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao) cũng được người đời biết đến là một biểu tượng truyền thống hiếu học. Trải qua chiều dài 1.000 năm lịch sử Nho học, làng Dòng đã sản sinh ra 205 người đỗ đạt theo các thứ bậc khác nhau với 4 Đại khoa, 21 Trung khoa, 122 Tiểu khoa, số còn lại là nho sinh. Nhắc đến truyền thống khoa bảng của làng Dòng thì phải kể đến Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc. Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc sinh ra trong gia đình có truyền thống thi thư, lễ nghĩa thuộc họ Nguyễn Tam Sơn. Trong khoa thi năm Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu 3, đời vua Lê Chiêu Tông 1518, ông đỗ Bảng nhãn.

Khi tướng võ Mạc Đăng Dung thoán quyền, vua Lê Chiêu Tông phải tạm rời Kinh thành Thăng Long chạy vào Thanh Hóa. Tại đây, vua thảo tờ mật chiếu kêu gọi đại thần công khanh phò tá giúp triều đình. Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc cùng với các vị trung thần ứng nghĩa, cùng nhau vào Thanh Hóa. Vua tôi gặp nhau ở Lạc Thổ (nay là Nho Quan, Ninh Bình). Mạc Đăng Dung biết tin đã cử tướng lĩnh đem binh mã vào tiến đánh và xảy ra trận giao chiến lớn ở Cẩm Thủy. Sau đó, ông mũ áo cân đai chỉnh tề bái yết tại lăng mộ nhà Lê ở Lam Sơn rồi tuẫn tiết. Ông được triều đình nhà Lê, Nguyễn nhiều lần ban sắc phong và truy phong Tiết Nghĩa Đại Vương - thụy Nhã Lượng, thượng đẳng phúc thần. Con cháu ông được “lót” chữ “Trung” kể từ đó.

Tiếp nối truyền thống sáng ngời

Truyền thống đầy tự hào của thế hệ cha ông đã truyền động lực cho bao người con hiếu học của quê hương Lâm Thao. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng phong trào học tập suốt đời trên địa bàn huyện luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành, đoàn thể trong và ngoài địa phương. Đến nay, toàn huyện có 12 hội khuyến học xã, thị trấn; 14 ban khuyến học trực thuộc; 447 chi hội, ban khuyến học trực thuộc hội khuyến học xã, thị trấn với 30.300 hội viên.

Bên cạnh đó, công tác vận động xây dựng quỹ và hỗ trợ phát triển giáo dục được hội khuyến học từ huyện đến cơ sở tích cực phát động. Quỹ khuyến học các xã, thị trấn có số dư gần 10 tỷ đồng. Quỹ khuyến học Trạng nguyên Vũ Duệ, huyện Lâm Thao có số dư trên 7 tỷ đồng.

Đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc tại xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao.

Đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc tại xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao.

Phát huy vị thế khi xưa, làng Dòng - Xuân Lũng ngày nay vẫn nổi tiếng với những dòng họ hiếu học lớn Nguyễn Tam Sơn, Nguyễn Ba Ngành, Nguyễn Đình... với nhiều danh nhân đỗ đạt thành tài. Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hội đồng dòng họ Nguyễn Ba Ngành cho biết: “Dòng họ Ba Ngành có hơn 200 hộ với hơn 4.000 nhân khẩu sinh sống tập trung tại xã Xuân Lũng. Phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ, đời này nối tiếp đời kia, con cháu trong họ đều có người thi Tú tài, Cử nhân, làm quan thời nho học, rèn luyện thành tài để trở thành cán bộ, trở thành người tốt trong xã hội. Hằng năm, dòng họ có 10-15 cháu đỗ đại học, thủ khoa đại học và đạt giải học sinh giỏi các cấp; nhiều cá nhân trong dòng họ là học sinh, sinh viên, Đảng viên xuất sắc được các cấp khen thưởng”.

Ngày nay, phong trào học tập suốt đời cũng được lan rộng ra nhiều nơi trong huyện. Xã Tứ Xã có dòng họ cụ Hoàng Thị Đức ở khu 12 có truyền thống hiếu học với nhiều con cái đỗ đạt, có vị trí cao trong xã hội. Năm 2021, Quỹ học bổng Hoàng Thị Đức ra đời nhận được nhiều sự đóng góp ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, người con của quê hương. Quỹ học bổng góp phần động viên, khen thưởng học sinh, sinh viên là con em của xã đạt thành tích xuất sắc trong học tập, có tài năng trên các lĩnh vực thể dục thể thao, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học... và trao học bổng cho các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ các em về vật chất và tinh thần để các em phát huy tài năng của mình trên các lĩnh vực.

Trao thưởng cho học sinh xuất sắc năm học 2022 -2023 từ Quỹ khuyến học, khuyến tài Trạng Nguyên Vũ Duệ.

Trao thưởng cho học sinh xuất sắc năm học 2022 -2023 từ Quỹ khuyến học, khuyến tài Trạng Nguyên Vũ Duệ.

Đồng chí Cao Xuân Hải - Chủ tịch Hội khuyến học huyện Lâm Thao cho biết: “Trong thời gian tới, hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động triển khai xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn gắn với các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới nâng cao, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh, tiêu chí văn hóa, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, công tác phát triển tổ chức hội và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức hội, trong đó gia đình, dòng họ, cộng đồng khu dân cư làm nòng cốt. Công tác vận động, ủng hộ quỹ “Khuyến học, khuyến tài Trạng nguyên Vũ Duệ” được đẩy mạnh, phấn đấu 100% các cấp hội trong năm 2024 có quỹ, học bổng khuyến học; tăng số lượng các chi hội khu dân cư, ban khuyến học dòng họ ra mắt quỹ, học bổng khuyến học”.

Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn, đã và đang được các địa phương trong tỉnh tích cực thực hiện. Từ truyền thống khoa cử vẻ vang, người dân Phú Thọ đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay đang được tiếp lửa học tập sẽ tạo ra nguồn nhân lực cao, đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ve-mien-dat-hoc-225402.htm
Zalo