Về Lũng Niêm xem người Thái dệt thổ cẩm
Nghề dệt thổ cẩm ở thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước đã có từ rất lâu đời, bất cứ người con gái Thái nào cũng biết dệt thổ cẩm và đã trở thành một nét riêng của dân tộc mình.
Lũng Niêm là xã nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn Thiên Nhiên Pù Luông, thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Địa hình chủ yếu là núi cao với hơn 98% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Cũng không ai biết rõ hoạt động dệt thổ cẩm ở huyện miền núi Bá Thước có từ khi nào, nhưng chắc chắn nó tồn tại và phát triển cùng với đời sống cư dân địa phương từ thuở xa xưa.
Nhắc tới "thủ phủ” của nghề dệt thổ cẩm Bá Thước hiện nay là khu vực quanh chợ Phố Đoàn thuộc xã Lũng Niêm, với gần 100 hộ dân tham gia. Đến những gia đình người Thái nơi đây, không khó để tìm thấy những khung cửi dệt thổ cẩm trước nhà.
Theo truyền thống địa phương, để có được sản phẩm thổ cẩm đẹp, người phụ nữ Thái nơi đây phải trải qua một quá trình lao động sáng tạo và tích lũy kinh nghiệm lâu dài. Ngay từ thuở lên bảy, lên mười, các cô gái Thái đã được các bà, các mẹ tập cho làm quen việc nhặt bông, xe sợi.
Nghề dệt thổ cẩm bắt đầu xuất hiện ở thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm từ thế kỷ XVIII (khoảng năm 1749). Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, bắt đầu từ khi thôn Lặn Ngoài mới thành lập với thế hệ dòng họ Hà và dòng họ Lò.
Trang phục của người Thái ở thôn Lặn Ngoài do chính tay những người phụ nữ nơi đây dệt nên. Với người Thái, dệt vải là công việc hết sức quan trọng mà cô gái nào cũng phải biết. Đến khi lấy chồng, các cô gái phải có những bộ váy, áo, trang phục tự tay mình dệt để mang về nhà chồng.
Bởi thế mà các cô gái ở thôn Lặn Ngoài ai cũng biết dệt vải và các kỹ năng may vá, thêu thùa, công việc dệt vải được trau dồi từng ngày. Tại thôn Lặn Ngoài, nhiều người đã gắn cả cuộc đời với hoạt động dệt thổ cẩm.
Là một trong những người cao tuổi nhất hiện nay còn làm nghề dệt thổ cẩm tại thôn Lặn Ngoài, bà Hà Thị Nhân (sinh năm 1949) chia sẻ, để sản xuất ra được sản phẩm thổ cẩm phải qua rất nhiều khâu, chủ yếu là sản xuất thủ công.
Đầu tiên là trồng, chăm sóc và thu hoạch bông. Quả bông được tách ra, rồi dùng dụng cụ bật cho những sợi bông tơi và nhuyễn, thành dạng thô. Bông bật xong được đưa vào dụng cụ cán để tạo sự liên kết giữa các sợi bông.
Sau khi cán, bông được vò thành từng nắm nhỏ rồi dùng dụng cụ để kéo thành sợi dài. Sợi bông được kéo xong, tiếp tục được đưa vào xa kéo sợi để xe bông thành chỉ. Sau đó, sợi được cuộn thành những cuộn chỉ to.
Để tấm vải có màu sắc, trước khi dệt, bà con vào rừng tìm một số loài cây để lấy lá, lấy vỏ, lấy rễ để làm màu đem về nấu cho đến khi nước có màu sắc rồi nhúng cuộn sợi vào nước khoảng 30 phút, sau đó đem phơi khô.
Mỗi loại cây có một màu sắc, để có nhiều màu, dùng nhiều loại cây khác nhau hoặc pha chế để phối màu theo kinh nghiệm dân gian. Sợi được ngâm màu và phơi khô, đảm bảo độ săn, dai, bền và chắc sẽ được mắc vào khung cửi để dệt nên những tấm vải theo ý muốn của người dệt.
Đến công đoạn dệt cũng đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay, sự nhịp nhàng của đôi chân và tinh tế của đôi mắt để làm nên những sản phẩm có đường nét nhuần nhuyễn, màu sắc hài hòa, hoa văn tinh xảo, mang bản sắc dân tộc Thái ở huyện Bá Thước.
Kỳ công là thế, một bộ váy áo truyền thống của người Thái có khi phải mất cả nhiều tháng mới hoàn tất nên cũng không lạ khi ngày nay, kỹ thuật se sợi, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ họa tiết kiểu truyền thống ngày càng ít thu hút những người trẻ chuộng nhịp sống hiện đại.
Cũng như bà Nhân, bà Lò Thị Dăm (sinh năm 1967) cho hay, nghề dệt thủ công truyền thống đòi hỏi phải có sự kiên trì và đôi bàn tay khéo léo. Hàng ngày ngoài công việc ruộng nương, những lúc rảnh rỗi tôi lại dệt vải thổ cẩm phục vụ may trang phục truyền thống cho mình và người thân.
Nghề dệt thổ cẩm gắn bó với phụ nữ Thái sinh sống ở đây từ lâu đời, sau này có nhiều sợi vải, chỉ len công nghiệp thay thế nguyên liệu thủ công, song những người thợ dệt như chúng tôi vẫn nỗ lực gìn giữ nghề và truyền cho thế hệ con cháu.
Nếu như ngày xưa những sản phẩm dệt thổ cẩm chỉ được tạo ra để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân bản địa, thì nay các sản phẩm này đã trở thành mặt hàng được nhiều du khách lựa chọn khi đến tham quan, trải nghiệm với người dân.
Mỗi một sản phẩm thủ công truyền thống đều có câu chuyện, gửi gắm trong đó những lời răn dạy, những kiến thức tích lũy từ đời sống của đồng bào... và bảo tồn nghề dệt truyền thống là bảo tồn cả kho tàng văn hóa dân gian quý giá của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
Hiện nay, trên địa bàn xã Lũng Niêm đã bảo tồn và phát triển nghề truyền thống dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng, thu hút 105 chị em tham gia, với thu nhập bình quân đạt 36 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, nhiều chị em phụ nữ tâm huyết gắn bó nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở xã Lũng Niêm đã đứng ra thành lập xưởng dệt riêng.
Đa phần cư dân huyện miền núi Bá Thước là đồng bào dân tộc Thái, Mường có trang phục truyền thống chủ yếu được may bằng vải thổ cẩm nên nghề dệt sản phẩm đặc trưng này đã tồn tại nhiều đời nay.
Các loại sản phẩm bao gồm: vải thổ cẩm, khăn, mũ, quần áo, gối, túi thổ cẩm, khăn trải bàn, đệm ghế… có giá bán dao động trong khoảng từ 50.000đ đến 1.000.000đ/sản phẩm. Mỗi năm, lao động thu nhập trên 52 triệu đồng, đối với đồng bào dân tộc Thái đây là số tiền lớn.
Với sự phát triển của hoạt động du lịch cộng đồng Pù Luông, nghề dệt thổ cẩm từ chỗ “lay lắt”, tự phát, nay đã, đang phát triển mạnh. Huyện Bá Thước đã triển khai lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận làng nghề tập trung ở xã Lũng Niêm, đồng thời xây dựng sản phẩm thổ cẩm trở thành sản phẩm OCOP.