Về Lục Yên, say câu Khắp Cọi

c hình thành và lưu giữ trong nếp nhà sàn, những bản làng của người Tày từ nghìn năm nay, 'Khắp Cọi' ngân lên thanh âm da diết, đằm thắm. Nam thanh nữ tú cứ vào mùa Xuân hay cưới xin, lễ hội lại dùng Khắp Cọi để ngỏ ý, đối đáp, hẹn hò: 'Cất tiếng em hỏi anh/ Cất lời em hỏi đến/ Thương em, anh trả lời/ Gốc khắp ở đâu ra?/ Gốc cọi ở đâu về?/ Hàng năm để làng quê mở hội/ Đôi ta được nhộn nhịp vui xuân/ Mong anh kể một lần, em biết'.

Nghệ nhân ưu tú Mai Thị Chắn giới thiệu về những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày tại Đại hội các Dân tộc thiểu số huyện Lục Yên.

Nghệ nhân ưu tú Mai Thị Chắn giới thiệu về những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày tại Đại hội các Dân tộc thiểu số huyện Lục Yên.

Bước sang tháng Chạp, khi sương nặng hạt, cái lạnh se sắt hơn, hoa mận, hoa mơ bung nụ, trổ hoa; Tết cổ truyền đến gần. Đồng bào người Tày ở Lục Yên (Yên Bái) chuẩn bị ăn Tết. Đàn ông tranh thủ lúc rảnh rỗi gia cố lại vì kèo, phên cửa, lợp lại mái nhà sàn. Phụ nữ tất bật chăm lo đàn lợn nuôi thả trên nương, chuồng gà sống thiến, bầy vịt bầu dưới suối, phơi nhặt gạo đỗ để gói bánh chưng, bánh nếp. Lũ trẻ rủ nhau đẽo quay, dán diều, nhặt bi chuẩn bị trò chơi. Dù tất bật đến đâu, mọi người vẫn không quên nhắc nhau sửa soạn xống áo, khăn nón, xà tích… thật mới, thật đẹp để đi du Xuân, chơi Tết.

Từ lúc này, văng vẳng ngoài đồng, trên nương hay từ những nếp nhà sàn, những âm thanh nhịp nhàng, trầm bổng, thánh thót ngân lên. Ban đầu thì đơn lẻ, nhẹ nhàng, sau có thêm nhiều người hòa giọng, âm thanh ngày càng vang vọng, cộng hưởng. Cả không gian chìm trong những thanh âm diễn xướng tự nhiên mà đầy mê hoặc: “Con đường ba mươi ngả/ Bản người chín mươi lối/ Ba mươi lối về vòng/ Chín mươi lối về chụm/ Chỉ đường anh thăm bản táng mường em ơi…”.

Đó là lúc mọi người cùng nhau luyện giọng, ôn bài chuẩn bị cho “thức quà” tinh thần quan trọng nhất, không thể thiếu trong dịp Tết. “Khắp Cọi” - làn điệu “lượn” tinh hoa trong kho tàng dân ca Tày - với những làn lượn then, lượn quanh làng, lượn phuốc pác, lượn phong slư… là tài sản vô giá trong kho tàng văn hóa dân tộc Tày ở Yên Bái.

Thiếu nữ người Tày Lục Yên trong trang phục áo chàm truyền thống.

Thiếu nữ người Tày Lục Yên trong trang phục áo chàm truyền thống.

Nhà văn hóa Mùa Thị Pàng (Sở Văn hóa Yên Bái) nghiên cứu xác định nghĩa hẹp của lượn chỉ là những điệu hát giao duyên đối đáp của người Tày nhưng rất độc đáo. Đã ngàn năm sinh tồn và lưu giữ, lượn “Khắp Cọi” của người Tày vùng sông Chảy ở Yên Bình, Lục Yên (Yên Bái) vẫn da diết, đằm thắm. Khắp Cọi nói lời ước hẹn, gửi gắm, chuyên chở lời tỏ tình theo khẩu khiếu, chất giọng từng người hoặc từng vùng. Nhưng thú vị là, nếu quan họ ở Bắc Ninh khi các liền anh, liền chị có tình cảm, hát đôi với nhau không được phép lấy nhau, thì ở đây người Tày hát Khắp Cọi là đi đến hôn nhân bền chặt. Giọng hát “ứ ơi ứ hợi” lên xuống ba nhịp mới bắt vào lời hát, mô phỏng mà chắt lọc hình thành từ lao động sản xuất, có hoa lá, chim muông, ánh trăng, sông suối, cứ da diết tâm tình, khi lại náo nức, say sưa… “Ơn anh ở khác bản lại thăm/ Ơn người từ khác mường mới đến/ Lời hay em không cho rơi giát/ Lời ngọt em không để rơi bùn/ Em đem vào hòm bạc em khóa/ Hôm nào về nhà chồng mới mở... Nhà em cột sa nhân/ Dựng dỏng dảnh trên đường/ Giát nhà bằng cây nứa/ Không chê dặm là ở anh ơi”.

Các cụ già ở Mường Lai (Lục Yên, Yên Bái) cho rằng: “Khắp Cọi” là gọi mà vẳng như suối chảy, là hát mà như tiếng gió thổi đâu đây. Người Tày có điệu "lượn”, người Nùng có điệu "sli” thì người Thái có điệu "khắp”. Lượn “Khắp Cọi” như thể tự do, phóng khoáng, giàu năng lượng nhưng ngôn từ được chắt lọc, gọt giũa kỹ càng và chỉ có ở một số vùng thuộc Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang. Cũng không nhất thiết trai gái chưa vợ, chưa chồng mới hát, mà thoáng đạt lôi kéo bất kỳ ai vào làn. Các cụ kể rằng thời trai trẻ hát đối đáp say sưa thâu đêm suốt sáng không biết mệt. Đám con gái hát kiệm lời hơn, cứ đợi bên trai lên giọng đến đôi lần, cảm mến mới đáp lời.

Nhưng tất cả có điểm cơ bản giống nhau là nét giao duyên, tức cùng một gốc mà ra, tựa một sợi dây nối kết tình cảm dân tộc. “Khắp Cọi” vùng sơn thạch Lục Yên của người Tày là gạch nối huyền diệu giữa điệu "khắp” của người Thái Tây Bắc và điệu "lượn” của vùng Tày Đông Bắc. Làn điệu ẩn chứa những kiến thức sâu sắc về tự nhiên, lý giải về nguồn gốc của sự vật, mà lại răn dạy về quy tắc ứng xử thể hiện qua từng câu hát: “Miếng nào nên gắp là gắp/ Đừng chép miệng người cười/ Miếng nào ăn nên ăn/ Không ăn thì anh đặt xuống mâm trả em”.

Lời ướm hỏi của trai làng mà được người con gái đáp lại, cứ thế họ hát đối đáp nhau từ mừng bản, mừng nhà, mừng lúa nương, thăm hỏi cha mẹ. Hát một đêm không hết, hát tiếp các đêm sau. Trong nhiều diễn xướng, cô gái chủ động giao duyên khiến “Khắp Cọi” càng hấp dẫn. Nhạc cụ diễn xướng là “dỉ dèn”, tựa như cây nhị của người miền xuôi, chỉ cần một người kéo có thể phối âm cho cả giọng nam và nữ. Thêm một cái “bỉem” (giống như cây sáo) và nếu đó là lễ hội thì sẽ có trống cái to đệm vào khiến Khắp Cọi huyên náo, sôi nổi.

Ông Triệu Văn Huấn - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin rất tâm huyết với công tác bảo tồn nét văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Lục Yên.

Ông Triệu Văn Huấn - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin rất tâm huyết với công tác bảo tồn nét văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Lục Yên.

Từ một nét sinh hoạt văn hóa trong đời sống tinh thần, “Khắp Cọi” đã trở thành niềm tự hào của đồng bào dân tộc Tày nói riêng và Nhân dân huyện Lục Yên nói chung. Mới đây Bộ VHTT&DL đã có Quyết định số 3988/QĐ-BVHTTDL đưa “Nghệ thuật trình diễn dân gian Khắp Cọi của người Tày ở Lục Yên, Yên Bình” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Triệu Văn Huấn - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Lục Yên phấn khởi cho biết: “Để phát huy giá trị to lớn của Khắp Cọi, phòng chuyên môn sẽ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn, các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền về giá trị của Khắp Cọi. Đẩy mạnh tổ chức lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, khuyến khích tổ chức nhiều hoạt động trình diễn Khắp Cọi tại các lễ hội, các hoạt động du lịch, phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện. Tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn Khắp Cọi cho Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, chú trọng giáo dục trong nhà trường. Quan tâm phát hiện, lập hồ sơ, đề nghị công nhận Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân đối với những cá nhân có đủ điều kiện, nhằm tôn vinh những cá nhân có nhiều đóng góp cho việc gìn giữ, phát huy giá trị Khắp Cọi, đồng thời cũng là nguồn nhân lực tham gia vào quá trình truyền dạy Khắp Cọi”.

Là một trong rất nhiều nghệ nhân gìn giữ và phát triển các làn điệu dân ca truyền thống; Nghệ nhân ưu tú Mai Thị Chắn (thôn Nà Tạng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên) tự hào: “Tôi nỗ lực đóng góp cho địa phương trong bảo tồn và phát triển các làn điệu dân ca. Ngoài chủ động tìm hiểu, học hỏi, lưu giữ, tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn, các phong trào văn hóa văn nghệ, các hội thi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, Trung ương; tôi còn tham gia tổ chức các lớp dạy hát dân ca truyền thống cho thế hệ trẻ. Việc truyền dạy làn điệu dân ca như sứ mệnh thiêng liêng, ngoài giữ gìn nguyên bản những làn điệu truyền thống, chúng tôi còn sáng tạo phiên bản mới, kết hợp với nhạc cụ hiện đại để tiếp cận rộng rãi công chúng, nhất là lớp trẻ. Điều này góp phần bảo tồn các làn điệu dân ca, đồng thời khơi dậy ngọn lửa đam mê và niềm tự hào về di sản văn hóa dân tộc, để các thế hệ trẻ tiếp tục thực hiện sứ mệnh của những nghệ nhân thế hệ trước”.

Tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, sự sát sao, nỗ lực của ngành chức năng, đặc biệt tỉnh Yên Bái nỗ lực bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày vùng sông Chảy, “Khắp Cọi” sẽ thực sự trở thành niềm kiêu hãnh của người dân tộc Tày trên cả nước nói chung và huyện Lục Yên nói riêng, để mỗi dịp Tết đến Xuân về, tiếng “Khắp Cọi” da diết ngân vang, như gọi mời, níu chân du khách thập phương về miền đất Ngọc.

Mai Thu

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ve-luc-yen-say-cau-khap-coi-393616.html
Zalo