Tự hào - Bản sắc TP.HCM
Hơn 300 năm lịch sử, nhân dân Sài Gòn - TP.HCM đã tạo dựng một nền văn hóa đa dạng và phong phú. Trong đó, nổi bật là những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng của Sài Gòn - TP.HCM.
Bản sắc của Thành phố tôi yêu
Đó là tinh thần yêu nước của nhân dân Sài Gòn - TP.HCM thể hiện nổi bật ở công cuộc “khai hoang mở cõi”, đấu tranh chống giặc ngoại xâm (chống giặc Xiêm ở thế kỉ XVIII, chống giặc Pháp ở thế kỷ XIX - XX và chống giặc Mỹ ở thế kỷ XX) và trong công cuộc “đổi mới, hội nhập quốc tế” ngày nay.
Đức tính năng động, sáng tạo, “dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm” của nhân dân Sài Gòn - TP.HCM, tinh thần “nghĩa cử, nghĩa hiệp”, tâm hồn quảng giao nhân ái và lối sống “nhân văn, nghĩa tình”, những phẩm chất và lối sống ấy của nhân dân Thành phố bắt nguồn từ thực tiễn, có sức hội tụ và lan tỏa mạnh mẽ, luôn được lưu truyền và phát triển qua nhiều thế hệ. Và ngày nay, chúng thể hiện sâu sắc trong các phong trào cách mạng: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Giúp đỡ đồng bào bị thiên tai”, “Vì Trường Sa thân yêu”…
Một nét văn hóa tạo nên bản sắc riêng của Sài Gòn - TP.HCM phải kể đến đó là sự cởi mở và bao dung. Người dân Sài Gòn - TP.HCM luôn đón nhận những cái mới, cái hay, cái lạ về thời trang, ẩm thực, giải trí… và chấp nhận cái mới trong sự bao dung. Tất cả đã tạo nên một bức tranh về cuộc sống đa dạng, sôi động.
TP.HCM cũng là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu như Dinh Độc Lập, địa đạo Củ Chi, Bưu điện Thành phố, Bảo tàng Áo Dài, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh,… Bên cạnh các tòa nhà cao tầng hiện đại, các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm sầm uất, TP.HCM còn có nhiều đình, chùa, nhà thờ cổ kính, nhiều biệt thự thời Đông Dương, các chợ, làng nghề truyền thống tồn tại đã hàng trăm năm. Sài Gòn - TP.HCM có vị trí địa lý thuận lợi, không chỉ là trung tâm giao thương quốc tế của quốc gia và khu vực Đông Nam Á mà còn có các dòng sông. Dọc theo các con sông và kênh rạch, các cảng - bến, phố chợ, làng nghề, dịch vụ trên bến dưới thuyền được hình thành và phát triển nhộn nhịp, làm nên đặc trưng riêng có của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM, một đô thị ven sông có sự dung hòa giữa văn hóa và kinh tế, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập. Những dòng sông chảy vào lòng Thành phố cũng ghi dấu ấn trong lịch sử với hệ thống các di tích cách mạng đặc biệt như Bến Nhà Rồng, Nhà máy đóng tàu Ba Son, Chiến khu Rừng Sác.
Có thể nói, văn hóa sông nước là một phần quan trọng trong di sản văn hóa của Sài Gòn, giúp bảo tồn những giá trị truyền thống và kết nối giữa các thế hệ.
Gìn giữ bản sắc, lan tỏa niềm tự hào dân tộc
Là thế hệ trưởng thành hoàn toàn trong giai đoạn đất nước hoàn toàn thống nhất, chúng tôi không chỉ tự hào về một thành phố luôn đổi thay từng ngày mà còn cảm nhận được nhịp thở của thành phố và thấm cái chất nghĩa tình của người Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn xưa và TP.HCM ngày nay. Vì thế, với tư cách là người làm trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi luôn thấy trách nhiệm phải bảo tồn bản sắc và nét đẹp văn hóa của Thành phố vì đó chính là niềm tự hào không chỉ của mỗi người dân TP.HCM mà còn là niềm tự hào của Việt Nam.
Để bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa, TP.HCM đã tổ chức nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách như: Lễ hội sông nước với các chủ đề “Sài Gòn - Dòng sông kể chuyện”, “Chuyến tàu huyền thoại”; tour Biệt Động Sài Gòn… Các sản phẩm đặc trưng của quận huyện như: “Về Quận 10 nghe kể chuyện Đông y”, “Quận 11, có một Chợ Lớn rất khác”, “Quận Tân Phú, đi là nhớ”, “Sắc màu Bình Tân”, “Quận 8, vùng đất của những câu chuyện”; “Phú Nhuận, vùng đất thanh bình”, “Bình Chánh, những điều thú vị chưa kể”, “Phú Nhuận, nơi ta tìm về”… hay “Thành phố tôi yêu đổi mới từng ngày” - một tour tham quan TP.HCM một ngày được Công ty du lịch lữ hành Cánh Cam thiết kế nhằm giới thiệu cho du khách niềm tự hào của thế hệ trẻ về TP.HCM thân yêu, nơi chúng tôi sinh ra, lớn lên, gắn bó.
Năm 2025, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt trên 10%. Để đạt được mục tiêu này, tôi đề xuất một số giải pháp:
- TP.HCM vốn có các không gian văn hóa độc đáo từ các khu phố của người Kinh, Hoa, Chăm, Khmer đến các khu của các cộng đồng cư dân từ mọi miền đất nước về sinh sống và làm việc, kể cả các khu của người nước ngoài, từ các di sản kiến trúc qua các thời kỳ đến các di tích lịch sử, đều là những điểm nhấn tạo nên hình ảnh riêng có của một đô thị phồn hoa. Đây là nguồn tài nguyên phong phú để du lịch văn hóa có thể khai thác, giúp du khách tìm hiểu văn hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ du lịch đi kèm như lưu trú, ẩm thực và giải trí.
- Phát triển mạnh các hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật cùng các sự kiện thể thao, âm nhạc, phim ảnh, ẩm thực… hay các lễ hội truyền thống và hiện đại, không chỉ phản ánh bản sắc văn hóa mà còn là cách thể hiện sự văn minh, năng động của địa phương, giúp mở ra cơ hội quảng bá du lịch và tạo dấu ấn cho TP.HCM trên bản đồ du lịch quốc tế.
- Tiếp tục phát động và tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư cho các dự án sáng tạo và quảng bá du lịch văn hóa để TP.HCM có thể trở thành trung tâm sáng tạo văn hóa hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.
- Kêu gọi đầu tư hạ tầng các cơ sở hoạt động văn hóa như nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, khu phức hợp thể thao - văn hóa - giải trí… sẽ tạo ra nhiều cơ hội thu hút du khách, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành văn hóa, thể thao, nghệ thuật, du lịch đóng góp vào sự thịnh vượng của thành phố trong tương lai.
- Tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp văn hóa, nghệ thuật, du lịch, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư, thuế. Đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch chất lượng cao.
- Tăng cường các kênh quảng bá, truyền thông từ trong nước đến quốc tế; từ chính thống đến mạng xã hội đưa hình ảnh “TP.HCM - Thành phố năng động” đến với du khách Việt Nam và quốc tế.
(* ) Giám đốc Công ty CP dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt
Ngô Minh Đức - Chủ tịch HG Group
“Du lịch TP.HCM cần chiến lược quyết liệt hơn”
Ngô Minh Đức - Chủ tịch HG Group
Để có thể vươn mình mạnh mẽ, du lịch TP.HCM cần áp dụng công nghệ và AI để nâng cao trải nghiệm du lịch, như ứng dụng đặt phòng, mua vé và tìm kiếm thông tin, mang lại sự thuận tiện cho khách du lịch trong việc chuẩn bị trước, trong và sau chuyến đi.
Phát triển các ứng dụng di động cung cấp thông tin, sản phẩm du lịch về điểm đến, hướng dẫn viên ảo..., tạo điều kiện cho các ứng dụng du lịch công nghệ mới với sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa du lịch Việt Nam đồng hành cùng du khách trong các chuyến đi.
Phát triển du lịch MICE (Meeting, khen thưởng, hội nghị, sự kiện), Thành phố cần đầu tư xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch, cần sớm hoàn thành sân bay quốc tế Long Thành và tham khảo cách làm và học kinh nghiệm các nước như Singapore để đầu tư sân bay Long Thành hiện đại, có hệ thống xuất nhập cảnh check in tự động, đầy đủ các tiện ích phục vụ lưu trú, vui chơi, mua sắm miễn thuế, nhà hàng, khách sạn, spa...
Ông Nguyễn Khoa Luân - CEO Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam
“TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ cho những người làm bảo tồn văn hóa”
Ông Nguyễn Khoa Luân - CEO Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam
Du khách nước ngoài đến với TP.HCM hầu hết đều muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Việt trên tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, sản xuất, học tập, giao tiếp xã hội, cũng như văn hóa giải trí như đờn ca tài tử, hát cải lương… Đặc biệt, văn hóa ẩm thực bởi Sài Gòn - TP.HCM là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa ẩm thực với những món ăn rất đa dạng.
Kết hợp việc bảo tồn những tinh túy trong đời sống sản xuất, làm ăn, buôn bán và trong những nét sinh hoạt hằng ngày của người Việt như các làng nghề truyền thống: Làm bánh tráng, làm hủ tiếu, các quán hàng ăn với món ăn dân dã…, có thể làm thí điểm để thu hút khách du lịch đến tham quan, mua sắm, phát triển những làng nghề gốm sứ, sơn mài, mỹ nghệ…