Về làng Bình Lâm thăm đền thờ danh tướng Lê Phụng Hiểu trên núi Chiếu Bạch

Làng Hoa Lâm xưa, hơn năm trăm năm trước, dòng sông Lèn chảy sát chân núi Chiếu Bạch tạo nên cảnh non xanh nước biếc đầy thi vị mà các vị vua triều đại nhà hậu Lê về Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân để bái tổ du ngoạn đã tức cảnh đề thơ để ca ngợi.

Ngôi đình cổ làng Bình Lâm trùng tu tôn tạo vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống, làm nơi sinh hoạt cộng đồng

Ngôi đình cổ làng Bình Lâm trùng tu tôn tạo vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống, làm nơi sinh hoạt cộng đồng

Làng Hoa Lâm còn là vùng đất tiếp giáp với phủ lỵ Hà Trung thời Nguyễn. Về sau, ven bờ bị phù sa bồi lắng trở thành làng mạc sầm uất. Thế rồi... “vật đổi, sao dời”, thế núi Chiếu Bạch không còn “nguy nga” in xuống dòng sông xanh nữa, “ngọc hồ yểu điệu” nay đã nhường chỗ cho xóm làng trù phú đang từng ngày từng giờ đô thị hóa khi làng quê xây dựng nông thôn mới. Và, bức tranh làng xưa rất đỗi yêu thương mà con người gắn bó truyền đời ấy nay đã “thay da, đổi thịt”, song ta cũng dễ dàng nhận ra, đó là làng Bình Lâm, xã Hà Lâm (nay là Yến Sơn), huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Ngôi đình cổ làng Chuế Cầu, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa

Ngôi đình cổ làng Chuế Cầu, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa

Nhân vật lịch sử Lê Phụng Hiểu dưới triều đại nhà Lý

Lê Phụng Hiểu - Nhân vật lịch sử triều đại nhà Lý (thế kỷ XI), ông đã có công lao dẹp loạn tam vương, ổn định triều chính, bình định giặc Chiêm ở đất phương Nam được sử sách Việt ghi chép ngợi ca như một thần tượng trung dũng, kiên cường hết lòng vì nước, vì nghĩa lớn. Do có những đóng góp to lớn đối với đất nước, quê hương, dân gian suy tôn ông là bậc thánh thần linh thiêng. Trong tâm thức người Việt ở Thanh Hóa và trong nước, ông được kính ngưỡng, ngợi ca như một nhân vật huyền thoại - anh hùng văn hóa trong thế giới tâm linh.

Lịch sử đất Việt, sự tích dân gian, sách, báo chí… đã ghi chép ghi nhận đánh giá rất cao bởi những đóng góp to lớn, dẹp “loạn tam vương”. Khi Lý Thái Tổ vừa băng hà (chưa kịp phát tang), để giữ ngôi vương Lý Thái Tổ lựa chọn Thái Tông và di chúc cho làm người kế vị. Thái Tông lên ngôi báu điều hành đất nước trong thời khắc nghiệt ngã lịch sử đầy biến động. Nhờ đó kỷ cương, phép nước, trật tự của triều đình nhà Lý được lập lại nhanh chóng.

Theo Sách Đại Việt sử ký toàn thư: “Sau khi dẹp xong “loạn tam vương”, Lý Thái Tông (hay Lý Phật Mã) đã đánh giá rất cao công lao và lòng trung nghĩa của Lê Phụng Hiểu, hơn cả Uất Trì Kiến Đức triều đại nhà Đường (Trung Quốc). Trong lúc hỗn chiến giữa quân túc vệ với quân phản phúc của ba vương, so sánh tương quan lực lượng: Một người phải đánh trả lại trăm người. Một mình Lê Phụng Hiểu “nhảy ngựa vung gươm” chém chết Vũ Đức Vương và dẹp xong quân phản nghịch để bảo vệ và giữ yên quốc thống. Đó chính là hành động, nghĩa cử cao cả, ngời sáng tư tưởng trung quân, ái quốc của vị tướng họ Lê. Cũng theo sách Đại Việt sử ký toàn thư: Công lao bình định Chiêm Thành ở phía Nam đất nước của tướng quân Lê Phụng Hiểu là “làm tiên phong, phá tan quân giặc, danh tiếng rung động cả nước”. Sau đại thắng trở về, Lý Thái Tông đã ban thưởng ruộng “thác đao” cho Lê Phụng Hiểu. Như vậy, công lao to lớn, nổi bật của danh tướng Lê Phụng Hiểu được sử sách ghi chép chính là việc dẹp “loạn ba vương” và dẹp giặc Chiêm Thành ở phía Nam đất nước ta giữ yên bờ cõi.

Đền thờ Đô thống thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu

Đền thờ Đô thống thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu

Có những mẩu chuyện về nhân vật lịch sử Lê Phụng Hiểu được huyền thoại hóa, thần thánh hóa trong tâm thức dân gian Việt, ví như: Cuộc đọ sức với ông Vồm và quật ngã ông Vồm thành núi Vồm, mà ông Vồm chính là người khổng lồ trong thần thoại từ xa xưa phải chịu lép vế trước ông Bưng (hay) Đức Thánh Bưng (Lê Phụng Hiểu ở thế kỷ XI). Hoặc chuyện ông đánh thắng cả Cao Vương (tức Cao Biền) một người Hán ở đất Việt hồi đầu Công nguyên. Ngoài những câu chuyện Lê Phụng Hiểu chiến đấu và chiến thắng các thế lực trong xã hội, tự nhiên, ta còn được biết đến chuyện ông đến vùng đất Bình Lâm, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung giết hổ dữ cứu giúp dân làng, khi giết được hổ dữ, ông để lại thanh kiếm rồi cũng “bay về trời”… giống như nhân vật Thánh Gióng huyền thoại sau khi đánh thắng giặc Ân vậy. Ông còn giống Thánh Gióng ở nết ăn khỏe, vì vậy mà có sức khỏe nhổ được cả một bụi tre để “đánh nhau” với làng Đàm Xá để đòi lại đất cho làng Cổ Bi… Tương truyền cũng nhờ tiếng tăm về sức lực phi thường này mà Lê Phụng Hiểu đã được Lý Thái Tổ tuyển dụng vào triều để làm đến chức Vũ vệ Tướng quân. Những mẩu chuyện nhỏ, truyền thuyết dân gian, huyền thoại, thần tích để lại về nhân vật lịch sử Lê Phụng Hiểu thật phong phú và hấp dẫn nhiều ý nghĩa…

Bia đá nguyên khối khắc chìm (chữ Nho) đề thơ của vua hậu Lê trên núi Chiếu Bạch

Bia đá nguyên khối khắc chìm (chữ Nho) đề thơ của vua hậu Lê trên núi Chiếu Bạch

Đền thờ danh tướng Lê Phụng Hiểu trên núi Chiếu Bạch

Theo Sự tích thần xã Bình Lâm thì: “Tướng quân Lê Phụng Hiểu khi cầm quân dẹp giặc dưới triều vua Lý Thái Tông thường qua lại, thích núi Chiếu Bạch mát mẻ, nằm nghỉ dưới chân núi này…” nên “xã Bình Lâm ta cũng kính ngưỡng tôn thần trung dũng, anh hùng linh thiêng, bèn dựng đền thờ ở nơi xưa tôn thần thường nghỉ mát phía Nam núi Chiếu Bạch…”. Đền thờ tướng quân Lê Phụng Hiểu, hay còn gọi là “Đền Chiếu bạch sơn thần”, hoặc “Nghè Thánh Bưng” là nơi nhân dân thờ “vọng” ngài, đền thờ chính của ông ở xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa.

Theo sách “Thanh Hóa chư thần lục” thì các huyện Hà Trung, Hoằng Hóa, Hậu Lộc có 14 nơi thờ ngài, và ở Hà Trung duy nhất chỉ làng Bình Lâm thờ tướng quân Lê Phụng Hiểu. Đền thờ ngài được nhân dân làng Bình Lâm dựng từ thời Lý ngay sau khi ông mất ở thế kỷ XI đến khoảng năm Dần - Mão triều Hoằng Định, thời vua Lê Kính Tông (1600 - 1618), triều đình đốc thúc việc tu sửa lại đền và giao cho dân bản xã trông coi, phụng thờ.

Kiến trúc đền thờ gồm 5 gian tiền đường và 2 gian hậu cung quay mặt về phía sông Chiếu Bạch. Cách đền chừng 5 mét về phía Đông có hai tấm biển bằng đá khắc chìm chữ “Hạ mã” (đi qua đền phải xuống dắt ngựa). Tương truyền, ở phía trước đền có tảng đá in rõ dấu chân khổng lồ dài gần hai thước, rộng bảy tấc nhưng hiện đã bị vùi lấp sâu dưới mặt đất. Từ thời vua Lê Thế Tông đến Lê Chiêu Thống, có tất cả 27 đạo sắc phong. Hiện ngôi đền thờ không còn nguyên gốc, nhưng với ý thức bảo vệ di sản văn hóa quý giá, đặc biệt ngưỡng mộ tôn thờ vị tướng tài giỏi “Hào kiệt xứ Thanh” ở triều đại nhà Lý từng đánh đông dẹp bắc, lập nhiều công tích to lớn đối với quê hương, đất nước. Gần đây, nhân dân địa phương đã dựng lại ngôi đền tuy còn khiêm tốn làm nơi thờ tự tỏ lòng tri ân muôn đời bậc tiền nhân Đô thống thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu...

Trải hơn năm thế kỷ, cảnh quan thiên nhiên làng Bình Lâm đã có nhiều thay đổi. Duy chỉ có Yến Sơn, Hinh Sơn, Chiếu Bạch sơn... với hình ảnh “lưỡng yến giao phi” (đôi chim én đang bay về phương Nam) nổi bật trên đỉnh ngọn núi cho tới ngày hôm nay. Cảnh vật tạo hóa thật kỳ diệu ấy như là niềm tự hào, mơ ước hướng đến một tương lai tươi sáng của xứ sở Hoa Lâm xưa. Thời bấy giờ, các tao nhân mặc khách nhàn nhã dạo gót thả hồn vãn cảnh tức sự thi ca. Ở vào hai thời điểm khác nhau, trước cảnh non xanh nước biếc, tâm hồn bay bổng phóng khoáng đã thôi thúc hai vị hoàng đế nhà hậu Lê vãn cảnh vịnh thơ. Dấu tích những nét bút đề thơ của các vị vua Lê còn hằn sâu vào vách đá, để lại cho đời những áng thơ tuyệt mỹ.

Chùa cổ Chiếu Bạch sơn tự, xây dựng năm 1504, trùng tu năm 2026, Ni cô Thích nữ Nguyên Chánh trụ trì phục vụ nhu cầu tôn giáo cho phật tử, nhân dân làng Bình Lâm

Chùa cổ Chiếu Bạch sơn tự, xây dựng năm 1504, trùng tu năm 2026, Ni cô Thích nữ Nguyên Chánh trụ trì phục vụ nhu cầu tôn giáo cho phật tử, nhân dân làng Bình Lâm

Làng Bình Lâm hiện còn có ngôi đình làng 5 gian 2 chái gọi là Đình Phúc, nhân dân xây dựng năm Kỷ Hợi, triều vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, năm thứ IV (1845), hậu cung thờ thần hoàng Cao Sơn, tướng quân Lê Phụng Hiểu, quận công Nguyễn Thất Lý đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, là nơi sinh hoạt của cộng đồng làng. Trước đây, vào các ngày kỵ thần hay tế xuân - thu hàng năm, ngoài việc tế lễ theo nghi thức cung đình còn diễn ra các hoạt động văn hóa tiêu biểu cho truyền thống, thuần phong mỹ tục địa phương như: hội đấu vật, múa biểu diễn: “ông tằm, bà lúa”, hát đúm, hát tuồng, chèo, hội đua thuyền trên sông Chiếu Bạch… Cụm danh thắng núi Chiếu Bạch - Yến Sơn còn có đền thờ quận công Nguyễn Thất Lý (người làng Bình Lâm), đền Bà chúa... hiện nay không còn; ngôi Chùa “Chiếu bạch Sơn tự” cổ xuống cấp hư hỏng đã được trùng tu tu bổ để phục vụ sinh hoạt văn hóa tôn giáo cho tăng ni phật tử, nhân dân địa phương. Quần thể di tích thắng cảnh Bình Lâm, xã Hà Lâm được xếp hạng cấp tỉnh năm 1998.

Tấm bia ký đề thơ vua Lê trên núi Chiếu Bạch

Tấm bia ký đề thơ vua Lê trên núi Chiếu Bạch

Bia đá nguyên khối khắc chìm bài thơ (chữ nho) của vị vua nhà hậu Lê trên núi Chiếu Bạch

Bia đá nguyên khối khắc chìm bài thơ (chữ nho) của vị vua nhà hậu Lê trên núi Chiếu Bạch

Ông Phạm Trường Giang, công chức văn hóa xã hội xã Yến Sơn, cho biết: “Với triển vọng mở ra tiềm năng, cơ hội quần thể danh thắng Bình Lâm sẽ là điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn thu hút du khách gần xa. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân địa phương nhận thức sâu sắc trách nhiệm trong việc bảo tồn, lưu giữ phát huy giá trị di sản văn hóa quý giá này là thiết thực xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng, góp phần thúc đẩy phát triển XDNTM, NTM kiểu mẫu trên quê hương Hà Trung với nhiều khởi sắc mới”.

Trên quốc lộ IA từ thành phố Thanh Hóa ra Bắc, du khách qua cầu Đò Lèn, huyện Hà Trung rồi rẽ phải, cách chừng hai ki lô mét phóng tầm mắt ra xa nhìn thấy ngọn núi có hai mỏm đá xanh đen nhô hẳn về phía Nam. Đó chính là Núi Én Hinh Sơn (còn gọi là Núi Yến) - một ngọn núi trong hệ thống núi Chiếu Bạch, thuộc địa phận làng Hoa Lâm xưa - làng Bình Lâm bây giờ. Từ Núi Yến nhìn về phía Nam dòng sông Lèn uốn lượn, nắng chiều tà ánh lên như dải lụa bạc án ngữ trước làng Bình Lâm, cũng là ranh giới giữa ba huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn./.

Lê Như Cương

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ve-lang-binh-lam-tham-den-tho-danh-tuong-le-phung-hieu-tren-nui-chieu-bach-a28678.html
Zalo