Vé đường sắt cao tốc Bắc - Nam thấp nhất chỉ 1,7 triệu đồng

Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, giá vé đường sắt cao tốc chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh thấp nhất chỉ khoảng 1,7 triệu đồng.

Đồ họa đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh do AI vẽ. Thực hiện: Ngọc Diệp

Đồ họa đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh do AI vẽ. Thực hiện: Ngọc Diệp

Theo đó, giá vé đường sắt cao tốc được chia 3 mức để phù hợp khả năng chi trả của người dân, nhu cầu và mức độ tiện nghi khác nhau.

Ở chặng Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, vé hạng nhất khoảng 6,9 triệu đồng, hạng hai là 2,9 triệu đồng và hạng ba là 1,7 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, đường sắt cao tốc chưa có tiền lệ, do đó giá vé chỉ được tính tạm thời. Vào thời điểm vận hành mới có các thông tin chính xác.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy thông tin, giá vé tàu đường sắt cao tốc sẽ bằng các mức trung bình của vé máy bay. Mức trung bình của vé máy bay được tính toán dựa trên giá vé của hai hãng bay phổ thông nhất là Vietjet và Vietnam Airlines.

Để người dân có thể đi tàu đường sắt cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải cũng chia ra làm 3 hạng vé: Hạng vé thương gia có giá tương đương với vé máy bay thương gia phục vụ người có nhu cầu chất lượng cao; Hạng vé thứ hai có giá tương đương 0,75% giá trung bình vé máy bay; Hạng vé thứ ba có giá 0,45% giá vé trung bình của vé máy bay.

"Chúng tôi định hình ra từng hạng vé để người dân dễ tiếp cận", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.

Tham khảo giá vé bình quân của 2 hãng có thị phần lớn nhất hiện nay là Vietnam Airlines và VietJet (tháng 10-2024) cho thấy, sơ bộ tính toán tại thời điểm hiện tại: Vé hạng nhất 0,180 USD/km (khoang VIP); hạng hai là 0,074 USD/km; hạng ba là 0,044 USD/km. Với mức nêu trên sơ bộ đối với chặng Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh: Vé hạng nhất 6,9 triệu đồng; vé hạng hai là 2,9 triệu đồng; vé hạng ba là 1,7 triệu đồng.

Theo lộ trình dự kiến, dự án đường sắt cao tốc sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 10-2024, khởi công cuối năm 2027 và phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

Sau khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hoàn thành, giá vé tàu sẽ được tính toán phù hợp theo 3 hạng vé để mọi người dân có thể tiếp cận, đi tàu theo khung giá vé thấp đến cao.

Theo đó, phí thu từ dịch vụ theo hình thức thu kín bảo đảm tính thị trường: Giá vé tàu sẽ được trả theo ki lô mét đường hành khách sử dụng. Do đó, tại các điểm ra vào tuyến đường sắt cao tốc của dự án, hệ thống thẻ vé sẽ được bố trí để xác định cự ly các phân đoạn giao thông đã sử dụng dịch vụ.

Cùng đó, theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, giá vé tàu đường sắt tốc độ cao sẽ tăng 3%/năm nhằm bù đắp lạm phát (tính cho 3 năm tăng giá vé 1 lần).

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị, đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 350km/giờ với tổng chiều dài 1.541km; đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa; Tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang được lấy ý kiến có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, trong đó có xem xét phương án tổ chức khai thác chạy tàu để đường sắt tốc độ cao có thể chạy tàu tới ga Hà Nội.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Theo Lao động

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ve-duong-sat-cao-toc-bac-nam-thap-nhat-chi-1-7-trieu-dong-680168.html
Zalo