Vẻ đẹp 'vừa lạ, vừa quen' của các bảo tàng, di tích

Trong vài năm trở lại đây, các bảo tàng, di tích lịch sử đang áp dụng nhiều công nghệ khoa học, kỹ thuật mới tạo nên không gian độc đáo, hấp dẫn. Vì vậy, hiện nay, các địa chỉ 'ngàn năm' tuổi này đã trở thành điểm đến yêu thích của thế hệ trẻ.

Lê Thu Huyền yêu thích vẻ đẹp của các di tích nghìn năm tuổi ở Việt Nam. (Nguồn: NVCC)

Lê Thu Huyền yêu thích vẻ đẹp của các di tích nghìn năm tuổi ở Việt Nam. (Nguồn: NVCC)

Sự “chuyển mình” của những câu chuyện văn hóa, lịch sử

Lê Thu Huyền (28 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) cho biết, một năm cô ghé thăm những điểm đến như: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... trên dưới 10 lần. Huyền chia sẻ: “Tôi là một người đam mê lịch sử nước nhà, hiện nay các bảo tàng, di tích ở Hà Nội đang có những đổi mới, liên tục diễn ra các sự kiện, thay đổi chủ đề trang trí bên trong. Cho nên, người trẻ như chúng tôi rất thích tham gia để học hỏi, tìm hiểu thêm về văn hóa, lịch sử ngàn đời của ông cha trước đây”.

Thu Huyền ấn tượng mạnh với các tour đêm tham quan những di tích lịch sử ở Hà Nội. Các tour đêm không chỉ đem đến những kiến thức văn hóa, lịch sử cho người trẻ, mà còn tạo ra không gian sáng tạo, sống động đầy màu sắc, ánh sáng. Thực tế, hiện nay có rất nhiều điểm đến di sản hàng đầu của Việt Nam áp dụng công nghệ 3D Mapping để “thổi hồn” vào các di tích, bảo tàng.

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, có tour đêm “Tinh hoa đạo học” (hoạt động ứng dụng công nghệ 3D Mapping, năm 2023). Hay tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long cũng diễn ra rất nhiều hoạt động sáng tạo như: Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” (2021 - 2024); Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội (2023, 2024); Không gian trưng bày “Báu vật hoàng cung Thăng Long” (sử dụng công nghệ trình chiếu 3D mapping mô phỏng lại những hoa văn độc đáo các hiện vật của khu di sản) (2023, 2024); Triển lãm tranh sơn mài “Dấu thiêng“ (2024); Trưng bày chuyên đề “Thăng Long - Hà Nội, lịch sử nghìn năm từ lòng đất” (công nghệ trình chiếu 3D mapping, 2024)…

Ngoài ra, có rất nhiều bảo tàng nghệ thuật tư nhân và công lập đang tích cực áp dụng những tiến bộ khoa học để thu hút giới trẻ tới tham quan. Trần Thu Hà (30 tuổi, sinh sống ở Đà Nẵng) cho biết: “Mùa thu năm 2024, tôi đã có cơ hội đi du lịch Hà Nội, tôi vô cùng ấn tượng với triển lãm I-Museum, một Bảo tàng truyền thông nghệ thuật tại Việt Nam tại Tràng Tiền Plaza. Khi tham quan bảo tàng, tôi như được lạc vào chốn tiên cảnh. Tại đây tôi được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật được tạo nên từ những chiếc gương đa chiều. Bữa tiệc màu sắc từ sự phản chiếu của ánh đèn led. Hay được sử dụng máy cảm biến để điều khiển các nhân vật hoạt hình. Ngoài ra, một số bảo tàng nghệ thuật tư nhân khác đã trình chiếu những tác phẩm của một số họa sĩ nổi tiếng trên thế giới bằng máy chiếu có độ phân giải lớn, cũng làm tôi rất ấn tượng”.

Rất nhiều bảo tàng nghệ thuật đang ứng dụng công nghệ khoa học như phản chiếu ánh sáng, tạo ra không gian từ gương, dùng công nghệ 3D Mapping tạo ra một thế giới độc đáo, đầy tính thẩm mỹ. Những bảo tàng này đang góp phần giúp giới trẻ có thêm hiểu biết về hội họa, âm nhạc, xu hướng nghệ thuật. Lấy ví dụ, hàng loạt thanh, thiếu niên đến bảo tàng, đã được chiêm ngưỡng các tác phẩm tranh của Van Gogh, Renee Magaritte, Frida Kahlo..., nắm được thông tin cơ bản về các họa sĩ, những tác phẩm nổi bật và trường phái của họ.

Bảo tàng nghệ thuật đương đại đang là điểm đến hấp dẫn cho người trẻ. (Nguồn: PV)

Bảo tàng nghệ thuật đương đại đang là điểm đến hấp dẫn cho người trẻ. (Nguồn: PV)

Nhờ khoa học - công nghệ, nhiều người trẻ sinh sống ở xa cũng có thể tham quan các bảo tàng một cách chi tiết. Nguyễn Minh Ánh (27 tuổi, sinh sống ở Nghệ An), cô cho biết, bản thân đã có bốn năm học đại học ở Hà Nội, cô rất thích các bảo tàng ở Thủ đô. Năm 2024, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một điểm đến ưa thích của giới trẻ, Minh Ánh rất mong muốn có cơ hội ghé thăm, nhưng do khoảng cách địa lý, cô đành xem qua công nghệ ảo hóa VR360. “Việc trải nghiệm thực tế và không gian ảo rất khác nhau. Tuy nhiên, nhờ công nghệ VR360, tôi đã thấy được những dấu mốc lịch sử hào hùng của dân tộc mình. Lấy ví dụ như không gian tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972 với hình ảnh máy bay MIG 21 tham gia tác chiến, bắn rơi máy bay B52 và nhiều chiến thắng lịch sử vang dội...", Minh Ánh nói.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong rất nhiều bảo tàng ở Việt Nam đã áp dụng tính năng ảo hóa VR360 trên ứng dụng YooLife. Công nghệ này tạo ra những hình ảnh toàn cảnh 360 độ và kết nối chúng thành một chuyến tham quan ảo, giúp người xem dễ dàng hình dung và cảm nhận không gian, cảnh vật một cách trực quan, sống động.

Liên tục cập nhật thành tựu khoa học - kỹ thuật “làm mới” bảo tàng, di tích

Mới đây, ngày 30/12/2024, phát biểu tại buổi gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian là cực kỳ quan trọng bởi văn hóa dân tộc là bản sắc, văn hóa dân gian là truyền thống”. Những chủ trương, quyết sách đúng đắn thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước đã nhanh chóng lan tỏa, nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 200 bảo tàng, khoảng 40.000 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố trên khắp các vùng miền, đã kiểm kê, lập danh mục theo quy định, với hàng nghìn các hiện vật trưng bày từ thời cổ đại cho đến hiện đại, lưu giữ ký ức không thể phai mờ của dân tộc.

Các bảo tàng nghệ thuật, lịch sử và những di tích không chỉ là biểu tượng của quá khứ, mà còn là nguồn cảm hứng dồi dào cho các không gian sáng tạo, nơi nghệ thuật hiện đại gặp gỡ và giao thoa với truyền thống. Việc khai thác và phát huy nguồn lực di sản văn hóa cho xây dựng các không gian sáng tạo tại các điểm đến đã, đang thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa ở nhiều tỉnh, thành phố.

Bằng những cách làm hay, sáng tạo, thời gian qua không ít giá trị văn hóa truyền thống từng có nguy cơ mai một đang từng bước được khôi phục, bảo tồn và tiếp tục phát huy giá trị trong đời sống hiện đại. Đây là tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực gìn giữ và phát triển văn hóa đất nước, với sự tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, nhất là sự vào cuộc ngày càng đông đảo của giới trẻ.

Tuy nhiên, để hấp dẫn du khách đến tham quan, các bảo tàng, di tích cần liên tục đổi mới, đồng thời cập nhật các thành tựu khoa học. Lấy ví dụ, ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã có một “chiếc hộp kể chuyện”. Du khách đến tham quan, ngoài việc tận hưởng không gian lịch sử, văn hóa, còn có thể vào “chiếc hộp kể chuyện” cùng nghe, tận mắt thấy hình ảnh minh họa về những hiện vật.

Nhiều bảo tàng áp dụng công nghệ mới để bảo quản hiện vật. (Ảnh minh họa - Nguồn: PV)

Nhiều bảo tàng áp dụng công nghệ mới để bảo quản hiện vật. (Ảnh minh họa - Nguồn: PV)

Hay ở Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh (quận 1) đang sở hữu khoảng 40.000 hiện vật quý, giới thiệu về lịch sử - văn hóa nước ta từ thời nguyên thủy cho đến năm 1945. Bảo tàng thường xuyên tổ chức các hoạt động như: triển lãm lưu động tại trường học, tổ chức giờ học lịch sử tại bảo tàng. Việc đưa robot thông minh vào giới thiệu các nội dung tại bảo tàng nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và làm phong phú thêm các hình thức sử dụng di sản trong dạy và học.

Không chỉ áp dụng những công nghệ mới tạo ra các không gian trưng bày, cách kể chuyện mới cho bảo tàng, di tích. Mà việc áp dụng kỹ thuật khoa học giúp những điểm đến văn hóa, lịch sử này bảo quản, lưu giữ hiện vật một cách tốt và hiệu quả nhất. Nhờ đó, đem lại những trải nghiệm hoàn hảo nhất đến với mọi du khách.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam vào buổi tổng kết Dự án “Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam” năm 2024, bà Nguyễn Thị Thắm - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho biết, bên cạnh việc trưng bày hiện vật sao cho đẹp mắt, tinh tế, hài hòa cần chú ý đến khoa học để bảo vệ, gìn giữ các hiện vật. Ví dụ như, hiện nay, nhiều bảo tàng lớn trên thế giới đang sử dụng cách điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ,... để bảo quản các hiện vật bằng vải, lụa rất tốt. Đây là một điều mà Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cần để học hỏi kinh nghiệm. Được biết, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hiện tại lưu giữ rất nhiều mẫu y phục, áo dài có lịch sử tới hàng chục, hàng trăm năm.

Hương Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ve-dep-vua-la-vua-quen-cua-cac-bao-tang-di-tich-post539897.html
Zalo