Vẻ đẹp người lính lấp lánh qua những thước phim

Nhiều năm qua, hình tượng bộ đội Cụ Hồ, người lính Cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong thời chiến, được phản ảnh qua các bộ phim điện ảnh nổi tiếng. Qua đó, những chứng nhân một thời và cả công chúng hôm nay cảm nhận rõ nét và thấm thía về tâm hồn người lính trong bối cảnh đầy thử thách ở một đất nước có quá nhiều vết thương chiến tranh.

 Diễn viên Minh Hương trong vai Đặng Thùy Trâm của phim "Đừng đốt"

Diễn viên Minh Hương trong vai Đặng Thùy Trâm của phim "Đừng đốt"

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), PNVN điểm lại những bộ phim khắc họa về những người lính Cách mạng.

Năm 2012, bộ phim "Mùi cỏ cháy" của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, kịch bản của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm được công chiếu. Kịch bản phim được dựa trên cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi 20" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đây là một cuốn nhật ký chiến trường giàu sức nặng về cảm xúc, cho thế hệ hôm nay hiểu rõ hơn về cuộc sống, cuộc chiến đấu và tâm tình người lính thành cổ Quảng Trị. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từng là người lính, người bạn của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và ông cũng là nguyên mẫu của 1 trong số 4 chàng trai Hà thành rời Thủ đô, trải qua mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị những năm 1972.

4 cháng trai Hà thành được khắc họa trong phim "Mùi cỏ cháy"

4 cháng trai Hà thành được khắc họa trong phim "Mùi cỏ cháy"

Tựa phim "Mùi cỏ cháy" rút từ một câu thơ trong bài thơ "Phương ấy" của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: "Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy/Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai/Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài/Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy/Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn…". Tâm hồn lãng mạn, những tiếng cười thanh niên sôi nổi và lý tưởng, hoài bão cao đẹp của 4 chàng trai: Hoàng, Thành, Thăng, Long là những điều đọng lại sau cuối trong lòng công chúng khi xem bộ phim "Mùi cỏ cháy".

Cũng dựa trên một cuốn nhật ký - bộ phim "Đừng đốt" của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh được dựng từ nội dung nhật ký của Đặng Thùy Trâm được nữ bác sĩ viết từ năm 1968 cho tới trước 2 ngày chị hy sinh vào năm 1970. Tâm hồn nhân hậu, khát vọng hòa bình của người chiến sĩ quân y cùng các đồng đội được khắc họa rõ nét. Trong một hoàn cảnh dễ làm nhụt chí con người, người lính vẫn thể hiện được bản lĩnh và trên hết là ý chí con người, là trách nhiệm với Tổ quốc.

Hình ảnh bác sĩ, chiến sĩ quân y Đặng Thùy Trâm - tác giả cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm trong phim "Đừng đốt"

Hình ảnh bác sĩ, chiến sĩ quân y Đặng Thùy Trâm - tác giả cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm trong phim "Đừng đốt"

Ngược thời gian trở về những năm 80 của thế kỷ trước, bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh được đánh giá như một trường ca bằng hình ảnh đầy cảm xúc và lắng đọng. Bộ phim đã trở thành tác phẩm kinh điển của Điện ảnh Việt Nam những năm đầu thập niên 1980, được CNN bình chọn là 1 trong số 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại. Thông qua một kịch bản và cách kể chuyện đầy nghệ thuật, bộ phim đã khắc họa tâm hồn của người lính, người vợ lính và những nhân cách tốt đẹp trong cuộc sống thời chiến với bao ngổn ngang, mất mát. Hình tượng người lính biên giới Tây Nam hiện lên quyết liệt và cũng đầy can trường.

"Bao giờ cho đến tháng Mười" còn ngược về quá khứ, khắc họa tinh thần người chiến sĩ đánh đuổi quân Nguyên Mông. Chính sự tưởng nhớ của người còn sống, của người đời sau đã hun đúc nên sự bất tử dành cho người đã khuất. Và để họ yên nghỉ, người còn sống vẫn hãy tiếp tục sống ý nghĩa cho quãng đời về sau. Những câu thơ trong bộ phim mãi còn thấm thía tới hôm nay: "Bao giờ cho đến tháng Mười/Lúa chín trên cánh đồng giông bão/Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi/Những mất mát, hy sinh, chịu đựng, khổ đau/Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu"...

Nhân vật Duyên - người vợ liệt sĩ do Lê Vân thủ vai đã góp phần làm nên thành công cho bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười"

Nhân vật Duyên - người vợ liệt sĩ do Lê Vân thủ vai đã góp phần làm nên thành công cho bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười"

"Sống cùng lịch sử" là một bộ phim được Nhà nước đặt hàng Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất năm 2014 để kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bộ phim có cách tiếp cận Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử của dân tộc qua góc nhìn của người trẻ hôm nay. Thông qua chuyện kể về một nhóm bạn trẻ đi phượt đến Điện Biên rồi dẫn dụ vào giấc mơ hóa thân vào những dân công trong trận chiến Điện Biên Phủ, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã ngược về quá khứ, nghĩ về một thời đã xa, diễn tả được hình ảnh người lính trên một chiến địa mang tính lịch sử.

Cảnh trong phim "Sống cùng lịch sử"

Cảnh trong phim "Sống cùng lịch sử"

Với việc xây dựng biểu tượng "hóa thân", bộ phim đã đặt thế hệ hôm nay trong tâm thế sống cùng lịch sử, sống với cuộc chiến đấu, một chiến thắng mà những người lính, người dân công đã góp công, góp sức và bao hy sinh không thể kể bằng lời.

Biệt Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ve-dep-nguoi-linh-lap-lanh-qua-nhung-thuoc-phim-20241220103138827.htm
Zalo