Sau hành trình đến với Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã đặt chân lên huyện đảo Lý Sơn, tiếp tục hành trình thăm, chúc Tết quân và dân nơi đảo tiền tiêu.
Với diện tích tự nhiên gần 10,39km2, huyện đảo Lý Sơn gồm đảo Lớn và đảo Bé, có dân số khoảng 23.000 người, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và bề dày truyền thống cách mạng.
Tàu chúng tôi dần tiến vào bờ biển Lý Sơn. Khung cảnh của một làng chài hiện ra trước mắt với lớp lớp lồng bè và thuyền cá trở về.
Được biết, Lý Sơn có hơn nửa hộ dân sống bằng nghề khai thác thủy hải sản. Chính cuộc sống gắn bó với biển cả đã biến họ thành những cột mốc sống, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Đặt chân lên đảo, chúng tôi tiến vào trung tâm huyện đảo trên con đường bê-tông trải dài thênh thang. Hai bên đường cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, cạnh đó là hàng cây bàng vuông và cánh đồng tỏi, hành xanh mướt.
Được mệnh danh là "vương quốc tỏi", huyện đảo Lý Sơn có khoảng 320ha đất trồng tỏi. Người dân Lý Sơn tự hào xem tỏi là thứ đặc sản được kết tinh từ lớp đất bazan màu mỡ, giàu khoáng chất và những làn gió biển mặn mòi.
Suốt chặng đường vào trung tâm huyện đảo, những cánh đồng tỏi xanh mướt trải dài theo tầm mắt, thấp thoáng qua ô cửa kính xe là hình ảnh người dân Lý Sơn đang tất bật chuẩn bị cho mùa thu hoạch.
Tại trung tâm huyện đảo, đứng dưới Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trong những ngày cận Tết Nguyên đán, chúng tôi càng thêm khắc ghi vào tim những hải trình gian khổ và lòng dũng cảm của các hùng binh Hoàng Sa, những người đã hy sinh thầm lặng vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tại quảng trường huyện đảo Lý Sơn, không khí những ngày gần Tết càng làm nổi bật những đổi thay của hòn đảo.
Dọc theo lối đi chính của quảng trường, những chậu quất cảnh trĩu quả được xếp thành hàng ngay ngắn đã thu hút ánh nhìn của chúng tôi.
Ông Dương Đại, người dân huyện đảo Lý Sơn, cho biết, để có được những chậu quất này, anh phải mua quất tận Hội An, rồi vận chuyển về cảng Sa Kỳ, chất lên tàu vượt biển ra đảo, cuối cùng mới chở về đến quảng trường.
"Ở đây, những người đi biển thì thường chơi quất, còn người làm nông thì thường chơi cúc. Năm nay đem về đây 50 chậu quất, bán được 14 chậu rồi và bình thường là năm nào cũng hết", ông Đại cười nói.
Theo người dân nơi đây, từ khi Lý Sơn có điện, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi tích cực, những ngày Tết cũng trở nên đầy đủ hơn.
Để chuẩn bị cho những ngày Tết trên đảo Lý Sơn thêm tươi đẹp, các công nhân môi trường cũng đang tất bật với công việc trang hoàng đường phố. Theo họ, cây bàng vuông là một trong những nét đặc trưng của cảnh quan nơi đây.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi di chuyển đến cột cờ Tổ quốc huyện đảo Lý Sơn nằm tại đỉnh núi Thới Lới - ngọn núi lửa lớn nhất ở Lý Sơn.
Từ độ cao gần 149m so với mực nước biển, Lý Sơn dần thu nhỏ lại trong mắt chúng tôi, toát lên một cảm giác bao la, hùng vĩ của thiên nhiên, đồng thời cũng cho thấy cuộc sống bình dị của người dân trên đảo.
Từ góc này có thể nhìn thấy hai ngọn núi lửa Giếng Tiền và Hòn Sỏi, cùng cánh đồng tỏi thênh thang.
Lý Sơn tươi đẹp trong tiết trời mùa xuân.
Với chiều cao 20m, cột cờ Tổ quốc hiên ngang tung bay lá cờ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của biển đảo.
Như những con sóng mãi vỗ về bờ cát, những ngọn núi lửa sừng sững hiên ngang, Lý Sơn vẫn ở đó, vững chãi đón một mùa xuân mới cùng những đổi thay tích cực.
CÔNG VINH