Vẻ đẹp kiến trúc và lễ hội đình Đông Trụ
Đình Đông Trụ tọa lạc tại thôn 2, xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân. Ngôi đình bề thế, có cảnh quan đẹp, trước mặt là hồ nước trong xanh, khuôn viên rộng trồng nhiều cây lưu niên xanh mát. Đình Đông Trụ mang trong mình cả giá trị vật thể và phi vật thể độc đáo, vừa là địa chỉ tâm linh, vừa là niềm tự hào của bao thế hệ người dân Tiến Thắng.
Đình Đông Trụ thờ 6 vị Thành hoàng, 5 vị thời Đinh và một vị thời Lý. Tương truyền, 5 vị thần thời Đinh được hoài thai bởi những giấc mơ thần thánh. Họ là những vì tinh tú, những con vật linh thiêng là rồng, khổng tước giáng trần phò vua giúp nước. Họ giáng trần trong những gia đình đức độ chốn nhân gian. 5 vị thần là anh em cùng cha, khác mẹ. Người anh cả và người anh thứ hai được bà mẹ người xã Cự Đà, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên (nay là huyện Thanh Oai, Hà Nội) sinh ra trong cùng một bọc; trên bụng người anh cả có chữ Dũng Nhiên Đại Vương, người anh thứ hai có chữ Sát Nhiên Đại Vương. Người cha thấy lạ, bèn theo chữ viết trên bụng đặt tên cho các con. Năm các con lên ba tuổi, mẹ qua đời, lại liên tiếp nhiều năm phủ Ứng Thiên gặp thiên tai địch họa, mùa màng thất bát nên người cha phải bán hết gia tài, đưa 2 con tìm nơi đất tốt để sinh cơ lập nghiệp.
Đi nhiều ngày, ông cùng các con đến xã Bảo Đà, huyện Nam Xương, phủ Lỵ Nhân (nay là xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân) thấy địa thế đẹp, đất đai phì nhiêu, dân cư đông đúc, phong tục thuần hậu, trong lòng lấy làm ngưỡng mộ và xin với dân làng cho mình ở lại. Dân làng Bảo Đà thấy cha con ông hiền lành, đức độ liền đồng ý, còn cấp cho một mảnh đất dựng ngôi nhà nhỏ làm nơi cư trú. Tại đây, ông mở trường dạy học cho người dân trong làng. Lúc rảnh ông còn bốc thuốc chữa bệnh cho người nghèo khó. Dân Bảo Đà ca ngợi tài đức của ông và mai mối cho ông một người con gái đẹp người, đẹp nết trong làng. Từ đó vợ chồng sớm tối có nhau, chăm chỉ làm ăn, giúp đỡ dân làng. Rồi một đêm, trong giấc mơ bà thấy rồng từ trên trời sà xuống, hóa thành khổng tước, bà giơ tay bắt được 3 con. Từ đó mang thai, sau 12 tháng bà sinh ra một bọc trong có 3 người con trai. Trên trán 3 người con có tên lần lượt là Siêu Nhiên Đại Vương, Nhược Nhiên Đại Vương và Lợi Nhiên Đại Vương. Như vậy, gia đình có tới 5 người con và cả 5 anh em đều thông minh, văn võ toàn năng.

Đình Đông Trụ, xã Tiến Thắng.
Khi 5 anh em vừa chớm tuổi thanh niên, cha mẹ lần lượt qua đời, các ông làm tròn việc hiếu. Đúng lúc đất nước rối ren bởi loạn 12 sứ quân, biết Đinh Bộ Lĩnh là minh chủ, các ông theo về phò tá. Các ông đều được phong tướng, theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn, thu giang sơn về một mối. Đất nước thanh bình, ngoài ban bổng lộc, chức tước, các ông còn được nhà vua ban cho hưởng sinh từ ở Bảo Đà, sau này mất làm nơi thờ phụng. Trong một lần thăm động Hương Tích, 5 ông cùng hóa trong một trận cuồng phong tối trời, tối đất. Dân làng Bảo Đà giết trâu, bò, lợn, gà tế lễ và viết thần hiệu 5 vị Đại vương để thờ.
Vị thành hoàng thứ 6 là người làng Đông Trụ xã Bảo Đà. Ông là Trần Bá Nghị từng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ dưới triều vua Lý Thái Tông. Gặp lúc trong nước có giặc ngoại xâm, ông được nhà vua xuống chiếu sai cầm quân đánh dẹp. Dẹp xong giặc, ông được vua ban thưởng. Trở về quê hương, ông mở tiệc khao dân và cho dân 10 hốt bạc để mua ruộng. Ngay lúc sinh thời ông đã được tôn làm Thành hoàng làng.
Đến thời Hậu Lê, đình Đông Trụ mới được xây dựng to lớn, bề thế và tồn tại đến ngày nay. Đình gồm một tòa 3 gian 2 trái, 4 mái cong. Nền tiền đường lát gạch cổ, mái lợp ngói nam, hai bờ nóc đắp đầu kìm. Giá trị ở đình đến từ các mảng chạm khắc công phu, tinh tế trên các cấu kiện của đình. Hình những con rồng cỡ lớn được chạm khắc tinh xảo, phóng khoáng, phi phàm, vô cùng sống động. Những mảng chạm khắc rồng quần tụ, rồng ổ vấn vít đến từng chi tiết. Ngoài rồng còn có các mảng chạm khắc phượng múa và mây tản uyển chuyển, phong phú.
Đình Đông Trụ còn nổi tiếng bởi lễ hội làng. Hội làng xưa được tổ chức vào tháng 6 âm lịch hằng năm. Những năm gần đây, hội làng được tổ chức vào rằm tháng 2 âm lịch cùng với lễ hội chùa làng. Đây là lễ hội có quy mô lớn và là lễ hội chung của 3 xã nằm trong tổng Cao Đà xưa là Trung Kỳ, Phủ Nhị và Đông Trụ (trong đó lễ hội đình Đông Trụ là chính). Nay các thôn này đều thuộc xã Tiến Thắng. Sở dĩ có lễ hội chung vì các làng này đều thờ 5 vị thần và có nhiều mối tương thân, tương ái nên cứ 3 năm một lần, các làng lại luân phiên tổ chức lễ hội, nhằm thắt chặt tinh thần đoàn kết cùng phát huy truyền thống từ ngàn xưa để lại. Ngoài lễ rước kiệu thánh linh đình, phần đông vui nhất là hội chạy nước, kéo lửa, leo cây lấy niêu, thổi cơm thi... Đầu tiên là chạy nước, mỗi giáp chỉ được cử một người dự thi. Khi có hiệu lệnh, lần lượt từng người vào thắp hương tưởng niệm các vị thần, sau đó ra sân đình để xuất phát. Khi tiếng trống báo xuất phát vang lên, các chàng trai trên vai vác những chiếc bình băng qua cánh đồng lúa trước cửa đình xuống bến sông Châu ở đầu làng múc nước đổ vào bình và chạy thật nhanh đem nước trở về. Lấy xong nước là cuộc thi kéo lửa, mỗi đội phải chuẩn bị một đoạn tre già, ở giữa đốt tre đục thủng một lỗ để đặt mồi. Mồi ở đây có thể là cỏ tranh phơi khô nghiền nhỏ hoặc một ít bã sắn dây, mùn cưa, vỏ bào đem ra nghiền lẫn. Dây kéo lửa cũng làm bằng tre dài khoảng 80cm. Cuộc thi kéo lửa có tiếng trống chiêng cùng tiếng hò cổ vũ làm cho lễ hội vô cùng sôi động. Đội nào kéo lửa cháy sớm sẽ giành phần thắng. Khi đã có nước, có lửa, có niêu, cuộc thi nấu cơm bắt đầu. Lúc này thao tác của người dự thi phải làm sao nhóm lửa cháy thật nhanh, thật đều, cơm chín dẻo ngon mới được điểm. Kết thúc cuộc thi, các niêu cơm ngon nhất được xới vào cúng thánh. Các giáp đều cố gắng lấy một giải bởi dân làng quan niệm đây sẽ là điều may mắn cho cả giáp trong năm.
Với những giá trị trên, đình Đông Trụ được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa loại hình Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.