Vẻ đẹp hoang sơ và huyền bí của những làng cổ miền núi phía Bắc

Cao Bằng, Hà Giang không chỉ nổi tiếng với những ngọn núi trùng điệp, ruộng bậc thang hùng vĩ mà còn ẩn chứa những ngôi làng cổ mang vẻ đẹp hoang sơ, bình yên và đậm đà bản sắc dân tộc. Những ngôi làng cổ này không chỉ là điểm đến du lịch mà còn là những bảo tàng sống, lưu giữ trọn vẹn nét đẹp văn hóa và thiên nhiên vùng cao.

Làng Ma Lé (Hà Giang) – Vẻ đẹp yên bình nơi biên giới

Làng cổ Ma Lé.

Làng cổ Ma Lé.

Cách Lũng Cú không xa, Ma Lé là một ngôi làng nhỏ nhưng mang đậm dấu ấn văn hóa của người H’Mông và Lô Lô. Bao quanh bởi những dãy núi đá tai mèo, Ma Lé nổi bật với những nếp nhà trình tường bằng đất và mái ngói âm dương. Ngôi làng này vẫn tự hào giữ lại vẻ đẹp cổ kính, bảo tồn một cách trọn vẹn giá trị văn hóa và kiến trúc độc đáo của cộng đồng dân cư bản địa.

Đến với Ma Lé, du khách có thể khám phá lối kiến trúc truyền thống của dân tộc Giáy tại các ngôi nhà cổ. Theo người dân kể lại, hầu hết các ngôi nhà đều được xây dựng từ hơn 100 năm trước, có nhà đã tồn tại đến 200 năm. Các ngôi nhà cổ này đều do chính người dân tộc Giáy tự xây dựng, không cần thuê thợ từ nơi khác, thể hiện sự khéo léo và tay nghề truyền thống của họ.

Làng Lô Lô Chải (Hà Giang) – Bản sắc ngàn đời của người Lô Lô

Người Lô Lô ở đây vẫn giữ nguyên những phong tục truyền thống từ trang phục, ẩm thực đến các lễ hội đặc sắc.

Người Lô Lô ở đây vẫn giữ nguyên những phong tục truyền thống từ trang phục, ẩm thực đến các lễ hội đặc sắc.

Nằm dưới chân cột cờ Lũng Cú, làng Lô Lô Chải là một trong những nơi lưu giữ trọn vẹn nét văn hóa truyền thống của người Lô Lô. Những ngôi nhà trình tường đất màu vàng, mái ngói âm dương và hàng rào đá bao quanh tạo nên khung cảnh cổ kính, trầm mặc.

Lô Lô Chải là một biểu tượng của văn hóa truyền thống với sự tồn tại lâu dài trong suốt hàng trăm năm. Ở đây vẫn giữ vững nhiều nghề truyền thống, từ thêu thùa đến làm mộc, tạo nên sự đa dạng và phong phú trong nền kinh tế văn hóa của cộng đồng. Các sản phẩm thủ công truyền thống như trang trí thêu, đồ gỗ được chế tác tinh xảo mang đậm nét đẹp văn hóa và sự tinh tế của người nghệ nhân.

Trước đây người dân chủ yếu sinh sống bằng ruộng nương, điều kiện đất đai nơi cao nguyên đá khá khắc nghiệt nên cũng chỉ đủ ăn, đời sống vẫn còn nghèo và thiếu thốn. Tuy nhiên với tiềm năng du lịch dồi dào từ vị trí đắc địa nơi điểm cực Bắc, cùng với các giá trị văn hóa vốn có đã giúp nơi đây dần thay đổi, phát triển theo con đường du lịch và ngày càng được nhiều người biết đến hơn.

Lao Xa - làng nghề chạm bạc truyền thống

Bản Lao Xa.

Bản Lao Xa.

Bản Lao Xa là một địa điểm thuộc Thung lũng Sủng Là tỉnh Hà Giang và cách trung tâm Sủng Là chỉ khoảng 6km. Lao Xa có nét đẹp đặc trưng của một bản làng vùng cao, yên bình, nhẹ nhàng, không ồn ào, không xô bồ. Bản hiện còn nhiều ngôi nhà lợp ngói âm dương với kiến trúc ba gian, xung quanh có hàng rào và tường đá. Đa số cư dân ở đây đều là người dân tộc H’Mông, sinh sống trên lưng chừng núi bằng nghề trồng rau màu, nuôi gia súc và làm nghề đúc bạc truyền thống.

Tuy vẻ đẹp của Lao Xa không quá hoành tráng, diễm lệ nhưng lại rất mộng mị, nên thơ; không khí thì trong lành, dễ chịu.

Nghề đúc bạc của dòng họ Mua đã tồn tại ở thôn Lao Xa gần 100 năm. Các sản phẩm chủ yếu ở đây là nhẫn, hoa tai, vòng cổ, vòng tay cùng với nhiều loại trang sức khác được đúc rất tỉ mẫn, công phu. Chính vì thế, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy những người phụ nữ Mông trong trang phục truyền thống, đeo những trang sức bạc đủ hình dáng, gắn thêm chuông, phát ra âm thanh leng keng mỗi bước đi.

Làng Nà Vị (Cao Bằng) – Viên ngọc xanh giữa đại ngàn

Làng Nà Vị.

Làng Nà Vị.

Làng Nà Vị hiện có hơn 100 hộ dân, chủ yếu là người Tày. Các ngôi nhà cổ trong làng được xây dựng theo kiến trúc độc đáo. Tường nhà được xây bằng những phiến đá lớn kiên cố, mái lợp ngói âm dương truyền thống, hệ thống cột, kèo và cửa được sử dụng bằng chất liệu gỗ. Hiện nay, trong làng có 60 ngôi nhà vẫn giữ được nét kiến trúc cổ đặc trưng.

Những ngôi nhà này đã đứng vững trước thử thách của thời gian, với tuổi thọ trung bình hơn 100 năm, thậm chí có ngôi nhà đã tồn tại đến 150 năm. Bên trong những bức tường đá kiên cố là những gia đình với 3-4 thế hệ cùng chung sống, tạo nên một không khí đầm ấm và gắn kết.

Ngoài những ngôi nhà đá có tuổi đời trên 100 năm, Nà Vị hiện nay vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc. Đối với người dân Nà Vị, hát Then, đàn tính là một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu trong các lễ hội, ngày vui, phiên chợ để nam thanh, nữ tú trao đổi tình cảm, giao duyên.

Làng đá Khuổi Ky (Cao Bằng) – Bản làng cổ độc đáo

Làng đá Khuổi Ky.

Làng đá Khuổi Ky.

Làng Khuổi Ky là một trong những ngôi làng đặc biệt nhất Tây Bắc bởi những ngôi nhà sàn bằng đá có tuổi đời hàng trăm năm. Người Tày ở đây xây dựng nhà từ đá để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, tạo nên một quần thể kiến trúc độc đáo. Làng Khuổi Ky có 100% hộ là dân tộc Tày với phong tục, tập quán, nếp sống sinh hoạt, trang phục thuần chất bản địa.

Ngôi làng trải rộng khoảng 1ha, với 14 nóc nhà trong thế lưng tựa vào núi, mặt hướng về dòng suối Khuổi Ky. Nhà sàn đá được thiết kế có 2 mái, lợp bằng ngói âm dương. Du khách đi qua những chiếc cổng bằng đá được trang trí bằng những chậu hoa rừng, bước lên từng bậc thang đá, sẽ bị mê hoặc bởi nội thất căn nhà xuất hiện với những cột gỗ thẳng hàng, trần và sàn nhà đều được làm bằng gỗ.

Nắm được lợi thế của mình, người dân Khuổi Ky đang đầu tư cho du lịch cộng đồng (homestay). Hiện nay, người dân làng Khuổi Ky phát triển mô hình du lịch trải nghiệm, từng đợt khách du lịch ghé thăm được trải nghiệm sinh hoạt theo văn hóa người Tày trong nhà sàn đá.

Yên Thư (T/h)

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ve-dep-hoang-so-va-huyen-bi-cua-nhung-lang-co-mien-nui-phia-bac-394815.html
Zalo