Về Chi Thiết nghe hát Sình ca

Từ bao đời nay, Sình ca đã giữ vị trí quan trọng, trở thành linh hồn trong văn hóa của người Cao Lan. Tại xã Chi Thiết (huyện Sơn Dương), điệu hát Sình ca là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan nơi đây với những giai điệu âm nhạc đặc sắc. Những điệu Sình ca cất lên thay cho tiếng lòng, mộc mạc mà chất chứa nỗi niềm.

Nét văn hóa đặc trưng bao đời

Đối với người Cao Lan, hát Sình ca vô cùng quen thuộc. Ngay từ khi đứa trẻ lọt lòng mẹ, những điệu Sình ca đã được vang lên bao bọc, nuôi dưỡng tâm hồn, rồi cứ thế ngấm dần vào tâm thức. Vào những ngày xuân, ngày hội hay khi đi nương rẫy, tiếng hát lại cất lên làm người nghe thổn thức.

 CLB hát Sình ca xã Chi Thiết, Sơn Dương.

CLB hát Sình ca xã Chi Thiết, Sơn Dương.

Bà Hoàng Thị Phượng, hội viên hát Sình ca thôn Cầu Đá chia sẻ: “Không ai biết điệu Sình ca có từ bao giờ, những người già trong làng chỉ biết rằng có một truyền thuyết về tác giả của những bài Sình ca là nàng Lau sam. Nàng đã gửi gắm những ước mơ của mình vào những bài ca trữ tình sâu sắc. Những giai điệu, câu hát ấy không chỉ lưu lại đời đời mà còn chứng tỏ sức sống mãnh liệt, tình yêu trong sáng, ngọt ngào và bình dị của người Cao Lan”.

Xã Chi Thiết hiện có trên 55% dân số là đồng bào dân tộc Cao Lan. Từ năm 2015 đến nay, mỗi thôn đều thành lập một nhóm hát Sình ca với đủ mọi lứa tuổi. Ông Nguyễn Hồng Điệp, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Sình ca được xem như linh hồn của họ, với các câu hát ngọt ngào kết hợp cùng điệu múa xúc tép, chim gâu là hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian không thể thiếu trong các ngày lễ hội và cuộc sống hàng ngày của người Cao Lan. Chúng tôi cũng mong muốn các hoạt động không chỉ đem lại kiến thức, hiểu biết về giá trị tinh hoa của dân tộc mà còn góp phần truyền cảm hứng vào tâm hồn của đồng bào Cao Lan”.

Điệu hát yêu thương

Sình ca hay shấng cọ, cnắng coộ là hình thức diễn xướng dân gian (đôi khi còn gọi là dân ca). Những câu hát Sình ca không chỉ thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa mà còn có những khát vọng về cuộc sống hạnh phúc. Hơn nữa nó còn mang một giá trị nhân văn sâu sắc phản ánh đầy đủ hiện thực cuộc sống và thế giới tâm hồn của người Cao Lan. Như vậy, có thể thấy Sình ca giống như một linh hồn văn hóa của dân tộc Cao Lan.

Cụ Lý Thị Bách, người đã nhiều năm gắn bó với điệu hát cho biết: “Sình ca thường được viết theo thể thơ tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán. Điệu Sình ca được thể hiện bằng hình thức hát đối đáp, các câu hát ngắn, gọn và có nhịp điệu rất vui tươi”. Cùng với các câu hát, nhạc cụ truyền thống như trống, đàn tính, và các nhạc cụ gõ khác được dùng để hỗ trợ cho việc biểu diễn, tạo nên một không khí sôi động và hào hứng. Các đề tài bình dị trong điệu hát Sình ca phản ánh đời sống tinh thần, nói lên ước vọng của người Cao Lan về một cuộc sống ngập tràn tình yêu thương và hạnh phúc. Tùy theo hoàn cảnh mà Sình ca được hát nhưng nhiều nhất vẫn là khi mỗi độ Tết đến xuân về, những người lớn tuổi thì hát để so tài, còn nam thanh nữ tú sẽ giao duyên, tỏ tình với nhau qua những câu hát đối đáp để tìm hiểu nhau. Và vào dịp lễ hội, những làn điệu Sình ca ấy cứ dập dìu lúc bổng lúc trầm, lúc thánh thót, lúc du dương. Những giai điệu, lời ca vang lên, hòa vào trong gió, quyện vào đất trời làm lòng người thêm xốn xang.

Cụ Lý Thị Bách cùng các em nhỏ trong buổi học hát Sình ca.

Cụ Lý Thị Bách cùng các em nhỏ trong buổi học hát Sình ca.

Sình ca của người Cao Lan ở xã Chi Thiết được chia thành 2 nhóm theo môi trường diễn xướng: Sình ca ban ngày và Sình ca ban đêm. Họ bắt đầu từ những bài hát hỏi, chào mừng lẫn nhau, khi quen hơn, họ hát đối đáp khi đã hiểu về nhau, họ mượn những bài tả cảnh để nói với nhau về tình.

Sình ca ban ngày thường được tổ chức tại lễ hội đầu xuân, đám cưới, đám tang hay trong lao động sản xuất. Trong những ngày xuân tươi vui, rộn ràng, sau những phần tế lễ thành Hoàng làng, mọi người lại cùng nhau hát Sình ca. Với những làn điệu như: Vèo ca (hát gọi), Sạo ca (hát dạo đầu), Mầng ca (hát thề thốt). Bà Âu Thị Nhâm, dân tộc Cao Lan chia sẻ: “Nếu nói tới Sình ca hát ban ngày thì phong phú nhất là những câu hát Sình ca trong lao động sản xuất. Đây là lối hát ngẫu hứng, hát không theo luật lệ, dựa vào vốn hiểu biết của hai bên để đối đáp nhau, với mục đích để quên đi nỗi mệt nhọc trong công việc, hỏi thăm tiến độ công việc, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất…”.

Còn với Sình ca ban đêm thì đây là thể loại được các thanh niên nam nữ yêu thích và phong phú nhất, từ môi trường cho tới không gian diễn xướng, tuy nhiên chủ yếu là ở trong nhà. Sình ca ban đêm được viết bằng chữ Nho thành 12 tập, mỗi tập có chủ đề riêng và tương ứng với một đêm hát. Vì vậy, Sình ca ban đêm thường được kéo dài từ 11 đến 12 đêm, tùy theo sự hấp dẫn và thể hiện của từng nhóm hát. Tuy nhiên, cho tới nay theo tư liệu thì Sình ca ban đêm rút xuống chỉ còn 5 - 6 đêm hát. Truyền thống về lịch sử của dân tộc nên bất cứ người Cao Lan được thể hiện qua những câu hát Sình ca, với mục đích nhắc nhở con cháu phải luôn nhớ về Tổ tiên.

Việc duy trì tiếng nói, những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc để không bị mai một theo thời gian, đặc biệt đối với thế hệ trẻ trong và ngoài xã là điều rất cần thiết. Em Phạm Lan Anh, thôn Ninh Phú từ khi còn nhỏ đã được xem các bà, các mẹ tập hát, múa. “Em rất thích điệu hát Sình ca và yêu vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình. Vào mỗi khi được nghỉ học, em hay đến nhà cụ Bách để học hát Sình ca và nhảy theo tiếng nhạc. Không chỉ riêng em mà các bạn khác trong thôn thường xuyên đến nhà cụ để học” - Em Lan Anh chia sẻ.

Cứ thế, câu hát, điệu múa Sình ca từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Cao Lan nơi đây. Trong sự chuyển mình của thời đại, Sình ca vẫn giữ được sức hấp dẫn và ý nghĩa sâu sắc, khẳng định vị trí quan trọng trong di sản văn hóa của đồng bào Cao Lan.

Lan Phương

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/ve-chi-thiet-nghe-hat-sinh-ca-200171.html
Zalo