Kim bảo 'Hoàng đế chi bảo' được đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia

Kim bảo 'Hoàng đế chi bảo' tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh, vừa được đề nghị xem xét hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024.

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có báo cáo về thực trạng công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL).

Kim bảo 'Hoàng đế chi bảo' tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh). (Nguồn: baovanhoa)

Kim bảo 'Hoàng đế chi bảo' tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh). (Nguồn: baovanhoa)

Theo đó, để tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị các bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ xem xét, thẩm định Hồ sơ hiện vật Kim bảo “Hoàng đế chi bảo” tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (phường Đình Bảng, TP. Từ Sơn), trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024.

Thực hiện văn bản hướng dẫn của Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao Sở VHTT&DL chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng xây dựng hồ sơ hiện vật Kim bảo “Hoàng đế chi bảo” đề nghị Bộ VHTT&DL thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024.

Kim bảo "Hoàng đế chi bảo" triều Nguyễn cao 10,4 cm, nặng 10,78 kg, mặt ấn 13,8cm X13,7 cm. Mặt dưới được đúc nổi 4 chữ triện: Hoàng Đế Chi Bảo.

Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh) là đơn vị thực hiện việc lưu giữ, trưng bày, phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm bảo vệ, phát huy giá trị của ấn vàng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là Kim bảo “Hoàng đế chi bảo” cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916 - 1925) trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng.

Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945.

Năm 1952, hai cổ vật này đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng, sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953.

Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp, trong đó có Kim bảo “Hoàng đế chi bảo” cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được rao bán đấu giá vào tháng 11/2022.

Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật,… Kim bảo “Hoàng đế chi bảo” là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc, là biểu trưng của quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Sau hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, chiều ngày 16/11/2023 (giờ Pháp) tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, buổi lễ chuyển giao Kim bảo “Hoàng đế chi bảo” cho phía Việt Nam đã chính thức diễn ra. Các thủ tục cần thiết để Kim bảo "Hoàng đế chi bảo" được chuyển giao từ Pháp về Việt Nam đã được tiến hành.

Sau khi hồi hương, Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh) là đơn vị thực hiện việc lưu giữ, trưng bày, phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm bảo vệ, phát huy giá trị của Kim bảo tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh) theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

P.V

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kim-bao-hoang-de-chi-bao-duoc-de-nghi-cong-nhan-la-bao-vat-quoc-gia-290136.html
Zalo