Về 'cái nôi' cách mạng ở Phú Yên

Ngày 5/10/1930, tại La Hai, huyện Đồng Xuân, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh chính thức thành lập. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong phong trào cách mạng của tỉnh, mở ra một giai đoạn mới, tạo nền móng cho sự hình thành và phát triển của Đảng bộ Phú Yên. Đồng chí Phan Lưu Thanh, người cộng sản đầu tiên của Phú Yên là Bí thư chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên giai đoạn 1930-1931.

Những ngày đầu tháng 10, về cái nôi của cách mạng của tỉnh, giữa không gian rợp cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay, thế hệ hôm nay bồi hồi xúc động về những người cộng sản đầu tiên gầy dựng phong trào, thành lập tổ chức Đảng để lãnh đạo Nhân dân tỉnh nhà trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

T ngưi cng sn đu tiên Phan Lưu Thanh

Đồng chí Phan Lưu Thanh sinh ngày 1/1/1906 tại Đồng Bé, xã Xuân Long, tổng Xuân Phong, huyện Đồng Xuân (nay là khu phố Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân), là con thứ sáu trong một gia đình nho học có truyền thống yêu nước.

Phan Lưu Thanh đến với chủ nghĩa cộng sản và trở thành thành viên Hưng nghiệp hội xã ở La Hai. Năm 1929, Phan Lưu Thanh vào học tại Trường cơ khí Chu Văn Hai (Sài Gòn) để có cơ hội hiểu biết và hoạt động cách mạng. Tại đây, ông được tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cộng sản, được nghiên cứu Điều lệ của Đảng Cộng sản.

Năm 1930, tổ chức giao nhiệm vụ cho Phan Lưu Thanh về Phú Yên hoạt động, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản. Từ đây, các hoạt động đấu tranh của công nhân, dân cày và binh lính đứng lên chống bất công, áp bức, bóc lột, treo cờ búa liềm liên tục diễn ra. Đơn cử ngày 1/5/1930, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, Phan Lưu Thanh tổ chức rải truyền đơn tại tỉnh lỵ Sông Cầu, nhà lục lộ, đồn khố xanh…

Ngày 1/8/1930, Phan Lưu Thanh và nhóm thanh niên giác ngộ đã tổ chức treo cờ búa liềm ở sân quần vợt sau lưng Quang Ích hội (nay là Bưu điện Sông Cầu), Trường tiểu học Pháp - Việt Sông Cầu, bót cảnh sát, nhà thương Sông Cầu…; rải truyền đơn từ cầu Thị Thạc đến trung tâm tỉnh lỵ, kêu gọi quần chúng đấu tranh với thực dân, chính quyền phong kiến đòi dân sinh, dân chủ… Hoạt động của đồng chí Phan Lưu Thanh có tiếng vang mạnh mẽ trong nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên yêu nước.

Tháng 8/1930, đồng chí Phan Lưu Thanh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ Thị Nghè (Sài Gòn), sau đó tiếp tục được cử về La Hai, Đồng Xuân, Phú Yên để gây dựng cơ sở. Đồng chí đã liên lạc, móc nối, tập hợp một số thanh niên tiến bộ tiếp tục hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản. Qua tuyên truyền, giác ngộ, thử thách, đồng chí Phan Lưu Thanh kết nạp đồng chí Bùi Xuân Cảnh vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tiếp theo là các đồng chí Phan Ngọc Bích (Việt Hồng), Nguyễn Đức Thạnh, Nguyễn Phục Hưng, Nguyễn Hữu Tánh, Nguyễn Diệp, Phan Cao Lâm và Nguyễn Thị Hảo. Đây là những đảng viên nòng cốt, cùng với đồng chí Phan Lưu Thanh tiếp tục lãnh đạo phong trào, tuyên truyền giác ngộ lý tưởng cộng sản đến các tầng lớp nhân dân.

Tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ tại Di tích lịch sử quốc gia Nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI

Tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ tại Di tích lịch sử quốc gia Nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI

Đến chi b Đng Cng sn đu tiên Phú Yên

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong tỉnh, những đảng viên cộng sản ở Phú Yên nhận thấy cần phải thành lập ngay tổ chức cộng sản mà trước mắt là thành lập chi bộ cộng sản để lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh. Trên cơ sở số lượng đảng viên đã phát triển được, ngày 5/10/1930, tại nhà của đồng chí Phan Lưu Thanh (thôn Đồng Bé, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân), cuộc họp toàn thể đảng viên thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đã được tổ chức.

Trong không khí trang nghiêm và thiêng liêng, đồng chí Phan Lưu Thanh tuyên bố thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên, gồm 9 đảng viên: Phan Lưu Thanh, Bùi Xuân Cảnh, Phan Ngọc Bích, Nguyễn Đức Thạnh, Nguyễn Phục Hưng, Nguyễn Hữu Tánh, Nguyễn Diệp, Phan Cao Lâm và Nguyễn Thị Hảo. Đồng chí Phan Lưu Thanh được bầu làm bí thư chi bộ.

Ngay sau lễ thành lập, chi bộ đưa ra chương trình hoạt động gồm 4 điểm: Tuyên truyền tôn chỉ mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam một cách sâu rộng vào quần chúng công nhân, nông dân, trí thức, học sinh. Tổ chức và phát triển các hội quần chúng như: Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Cứu tế đỏ, Đoàn Thanh niên cộng sản, Hội Phụ nữ giải phóng. Tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh, qua đó lựa chọn những quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng. Huấn luyện đảng viên phương pháp công tác bí mật.

Từ chi bộ đầu tiên ở La Hai, chỉ trong một thời gian ngắn, những hạt giống đỏ đầu tiên tích cực gieo mầm cộng sản, thành lập được nhiều chi bộ ở Phước Lãnh, Thạnh Đức, Triêm Đức, Phước Hòa, Phú Xuân, Hà Trung, Hà Bằng, Khoan Hậu (huyện Đồng Xuân); An Thổ, Ngân Sơn (huyện Tuy An) và phủ Tuy Hòa, nhà máy đường Đồng Bò...

Đến tháng 1/1931, toàn tỉnh phát triển được 17 chi bộ với 78 đảng viên. Trước yêu cầu mới, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo chung của Đảng trên toàn tỉnh, cũng trong tháng 1/1931, các đảng viên nòng cốt của tỉnh đã tổ chức hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời. Hội nghị được tổ chức tại nhà đồng chí Nguyễn Phục Hưng (gần chợ La Hai), đã ra nghị quyết thành lập Tỉnh ủy lâm thời, gồm các đồng chí: Phan Lưu Thanh, Phan Thanh Cưu, Nguyễn Đức Thạnh, Bùi Xuân Cảnh. Đồng chí Phan Lưu Thanh được bầu làm bí thư Tỉnh ủy lâm thời.

Tháng 2/1931, Phân ban Xứ ủy Trung Kỳ đóng tại Quy Nhơn công nhận Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên và quyết định điều đồng chí Phan Lưu Thanh, Bí thư Tỉnh ủy về công tác tại bộ phận ấn loát của Phân ban Xứ ủy, đồng thời cử đồng chí Trần Toại (tức Kim Tương), cán bộ của Xứ ủy, về phụ trách Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên.

Tháng 3/1931, Hội nghị Tỉnh ủy được tổ chức, đồng chí Phan Lưu Thanh đã thông báo các quyết định về việc phân công công tác của Phân ban Xứ ủy Trung Kỳ, sau đó các đại biểu tham dự cuộc họp bầu bí thư tỉnh ủy. Kết quả, đồng chí Trần Toại được bầu làm bí thư tỉnh ủy thay đồng chí Phan Lưu Thanh.

Tôn to di tích lch s, giáo dc truyn thng

Sự kiện thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Phú Yên là một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng của Phú Yên, là biểu tượng cho tinh thần yêu nước, kiên cường, và sự hy sinh của các thế hệ cha anh, là bài học truyền thống cách mạng, nguồn cảm hứng vô tận cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Ngày 18/6/1997, căn nhà của đồng chí Phan Lưu Thanh, nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên và trụ sở hoạt động của Tỉnh ủy Phú Yên giai đoạn 1930-1931, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia; là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa cách mạng anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Sau 94 năm, qua nhiều biến thiên lịch sử, ngôi nhà của đồng chí Phan Lưu Thanh đã xuống cấp, diện tích khuôn viên di tích chật chội, các hạng mục hạ tầng không đáp ứng yêu cầu nghi lễ, tham quan, về nguồn của nhân dân và du khách.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Phú Yên đã chỉ đạo các cấp, cơ quan chức năng sớm thực hiện dự án tư bổ, tôn tạo di tích lịch sử này một cách xứng tầm. Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Phan Văn Trọng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, UBND huyện Đồng Xuân có quyết định chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Phú Yên một cách quy củ, bài bản, tổng kinh phí 8 tỉ đồng. Các hạng mục chính gồm: phục hồi và trùng tu nguyên mẫu nhà thờ đồng chí Phan Lưu Thanh - Bí thư chi bộ đầu tiên tỉnh Phú Yên, nhà truyền thống, sân làm lễ, cây xanh tiểu công viên, san nền kè tường rào, bãi đậu xe, nhà vệ sinh, hệ thống chiếu sáng; đồng thời đền bù, di dời ngôi nhà của ông Phan Văn Minh, người cháu đang thừa tự, nhang khói nhà thờ đồng chí Phan Lưu Thanh...

TRẦN QUỚI - PHAN THANH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/348/321329/ve--cai-noi--cach-mang-o-phu-yen.html
Zalo