Theo Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh, từ xa xưa, người dân làng Xuân Lai đã tự mày mò, sáng tạo để làm ra các sản phẩm từ tre, trúc phục vụ đời sống sinh hoạt gia đình và sản xuất nông nghiệp, như thúng, rổ, rá, chõng tre, cán cuốc, sào, cần câu… Ảnh: Bảo Ân
Ngày nay, nghề thủ công tre trúc Xuân Lai không ngừng phát triển. Nhiều hộ dân đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại để sản xuất quy mô lớn, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm. Ảnh: Bảo Ân
Bên cạnh các đồ dùng quen thuộc, làng nghề còn tạo ra nhiều sản phẩm cao cấp như bàn ghế, trường kỷ, bàn làm việc, tranh nghệ thuật, đèn lồng, bình phong… Ảnh: Bảo Ân
Để chế tác sản phẩm, người thợ phải chọn lựa những cây tre, trúc thân thẳng, không sâu mọt và mấu nhỏ. Tùy thuộc vào loại sản phẩm, thợ sẽ chọn cây có kích thước và độ trưởng thành phù hợp để đảm bảo độ bền chắc. Ảnh: Bảo Ân
Sau khi thu hoạch, tre và trúc được ngâm dưới bùn ao trong 4 tháng nhằm tăng độ dẻo và chống mối mọt. Ảnh: Bảo Ân
Tiếp đó, chúng được làm sạch, đưa vào lò đất để hun khói từ 4 đến 10 ngày đêm. Quá trình này giúp tre, trúc trở nên nhẹ, chắc, bền, chống mốc, mối mọt và giữ được màu sắc tự nhiên qua nhiều năm. Ảnh: Bảo Ân
Điểm độc đáo của sản phẩm tre trúc Xuân Lai so với các địa phương khác chính là sự đa dạng sắc độ tự nhiên, từ đen bóng, nâu cánh gián, nâu nhạt đến vàng óng, hoàn toàn không sử dụng sơn tạo màu. Tất cả đều được thực hiện qua các kỹ thuật truyền thống và công phu. Ảnh: Bảo Ân
Hiện nay, Xuân Lai có hơn 200 hộ gia đình làm nghề tre trúc, trong đó nhiều hộ chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động trong xã và các vùng lân cận. Ảnh: Bảo Ân
Năm 2014, UBND tỉnh Bắc Ninh công nhận Xuân Lai là làng nghề truyền thống. Đến năm 2016, nghề thủ công tre trúc Xuân Lai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: Bảo Ân
Đăng Huy Bảo Ân