VCCI tổ chức hội thảo về thuế đối ứng của Hoa Kỳ
Hội thảo 'Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và Ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam', do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức
Thời điểm để doanh nghiệp tăng năng lực nội tại
Hội thảo ‘Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và Ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam’, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào sáng 18/4, đã thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NH
Một trong những nội dung được các chuyên gia kinh tế nhắc đến nhiều nhất tại hội thảo đó là, ngoài thách thức đã được nhận diện làm ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những cơ hội gì và cần ứng phó như thế nào trước bối cảnh chính sách thuế có nhiều thay đổi?.
Thừa nhận những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt song ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho rằng:'Đây là thời điểm để doanh nghiệp Việt Nam nhìn lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, chủ động thích ứng và định vị lại vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu' - ông Phạm Tấn Công khẳng định.
Cũng không chọn góc nhìn bi quan trước diễn biến mới về chính sách thuế, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng: Đây là thời điểm đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp phải tự lực vươn lên. Nhất là các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, cần cập nhật thông tin theo dõi những chính sách mới để giảm thiểu rủi ro.
Cùng với đó, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, doanh nghiệp cần từng bước điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, nhằm khai thác 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để khai thác tới 60 thị trường xuất khẩu trên thế giới.
Bên cạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, các chuyên gia cũng khuyến nghị, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đừng bỏ qua thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân. Bởi theo ông Đậu Anh Tuấn: 'Thị trường 100 triệu dân Việt Nam rất tiềm năng, nhờ phân khúc người dân có thu nhập trung bình đang tăng cao. Đây là điểm hấp dẫn mà không phải quốc gia nào cũng có được'.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS.Cấn Văn Lực cũng cho rằng, đây là thời điểm quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình theo hướng tích cực hơn. Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam cần minh bạch hơn nữa về các vấn đề liên quan đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, mức độ chung chuyển hàng hóa, minh bạch về mức độ nội địa hóa sản phẩm.
Đặc biệt, đây là cũng thời điểm để doanh nghiệp tập trung nghiên cứu nhằm khai thác hiệu quả hơn các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các FTA đã ký kết. Bởi theo TS. Cấn Văn Lực, hiện mức độ khai thác các FTA tại Việt Nam mới chỉ đạt 31%, còn lại 69% là chưa khai thác được.

Hội thảo ‘Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và Ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam’ do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào sáng 18/4. Ảnh: NH
Cần sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng và hiệp hội, ngành hàng
Để ứng phó trước những diễn biến mới của chính sách thương mại toàn cầu, theo các chuyên gia kinh tế, sự ứng biến thông minh của cộng đồng doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp thì chính sự chủ động vào cuộc, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan chức năng và hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng cũng đóng vai trò then chốt.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thời gian qua Việt Nam đã có những chính sách ứng phó rất nhanh nhạy với chính sách thuế mới của Hoa Kỳ, mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Và khoảng thời gian này, chính là thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị và thích ứng với bối cảnh mới.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp cũng đưa ra kiến nghị với cơ quan chức năng, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính xanh, vì nếu doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn tài chính xanh thì sẽ dễ dàng tiếp cận được các đơn hàng xuất khẩu mới và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.