VCBS nêu động lực giúp đầu tư công năm 2025 tích cực hơn

VCBS dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 7-7,5% trong năm 2025, với nhiều động lực thúc đẩy. Trong đó, đầu tư công sẽ cải thiện tích cực.

VCBS dự báo các chỉ số vĩ mô chính của Việt Nam trong năm 2025.

VCBS dự báo các chỉ số vĩ mô chính của Việt Nam trong năm 2025.

Dự báo về tình hình vĩ mô trong báo cáo triển vọng năm 2025 vừa phát hành, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, lạm phát toàn cầu trong năm 2025 được dự báo sẽ giảm so với giai đoạn đỉnh điểm của những năm trước, nhờ vào sự ổn định của giá năng lượng, phục hồi chuỗi cung ứng và chính sách tiền tệ hiệu quả.

Hiện nay trên thế giới, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư chưa thực sự cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp những khó khăn nhất định. Trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và triển vọng lạm phát giảm dần, các ngân hàng trung ương (NHTW) có thể cắt giảm lãi suất, điều hành chính sách tiền tệ theo chiều hướng nới lỏng, nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, mức độ cắt giảm lãi suất và giá trị của các gói kích thích kinh tế sẽ có sự khác biệt, tùy thuộc vào sức mạnh nội tại và triển vọng của từng quốc gia.

VCBS kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 7-7,5% trong năm 2025, với nhiều động lực thúc đẩy. Thứ nhất, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, vốn có đóng góp đáng kể vào GDP, dự báo sẽ tiếp tục hồi phục khả quan dựa trên triển vọng tăng trưởng toàn cầu đi kèm nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại. Thứ hai, các chính sách thu hút dịch vụ du lịch, đặc biệt đối với thị trường quốc tế được thực hiện xuyên suốt, sẽ giúp ngành dịch vụ tăng trưởng tốt trong cả năm. Thứ ba, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng theo sự tăng trưởng cơ học của nền kinh tế đi cùng với hiệu ứng hoạt động chi tiêu công khởi sắc hơn, cùng với đó là lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục tích cực.

Đặc biệt, theo đơn vị phân tích, giải ngân đầu tư công là công cụ quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của Chính phủ. VCBS đánh giá tiến độ giải ngân sẽ cải thiện tích cực hơn nhờ thủ tục đầu tư và hoạt động triển khai thuận lợi hơn khi ổn định bộ máy nhân sự tại các địa phương và cơ quan chuyên trách; những cập nhật từ Luật Đất đai và bảng giá đất mới thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng; việc công bố quy hoạch của các tỉnh thành giúp mở ra không gian phát triển mới và là cơ sở cho việc triển khai các dự án công trình công cộng, trung tâm hành chính mới của địa phương.

Cùng với đó là áp lực hoàn thành chỉ tiêu cao hơn khi năm 2025 là năm cuối trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025; một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng sẽ giúp gia tăng khả năng kết nối và năng lực thu hút FDI, phát triển các trung tâm sản xuất tại các tỉnh thành mới nổi.

Giá trị giải ngân vốn ngân sách Nhà nước (tỷ đồng). Nguồn: VCBS

Giá trị giải ngân vốn ngân sách Nhà nước (tỷ đồng). Nguồn: VCBS

Về lạm phát, VCBS cho rằng năm 2025 sẽ ghi nhận nhiều yếu tố thuận lợi khi giá cả hàng hóa và lạm phát toàn cầu hạ nhiệt; Việt Nam luôn có khả năng tự chủ về lương thực, nguồn cung hàng hóa - dịch vụ thiết yếu luôn được đảm bảo. Mặc dù cầu tiêu dùng vẫn đang phục hồi tốt nhưng đơn vị phân tích đánh giá chưa thực sự mạnh mẽ đủ tạo sức ép lên lạm phát. Ngoài ra, Chính phủ vẫn có trong tay một số công cụ và thể hiện quyết tâm ổn định mặt bằng giá như đảm bảo lộ trình điều chỉnh giá của một số mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu; chính sách tiền tệ điều hành linh hoạt, giảm thiểu tối đa các tác động.

VCBS dự báo lạm phát năm 2025 ở mức khoảng 3,5%- 3,7%. Áp lực lạm phát nếu có, có thể ghi nhận vào cuối năm và đầu năm, do mức nền thấp của năm trước đó. Với lạm phát thuận lợi hơn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có dư địa điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2025.

Vấn đề mà đội ngũ phân tích của VCBS lưu ý trong năm 2025 là tỷ giá. Chỉ số sức mạnh USD (DXY) có thể duy trì ở ngưỡng cao khi thị trường lao động và khu vực dịch vụ của Mỹ vẫn khá khả quan, khiến Fed sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất; các xung đột địa chính trị kéo theo nhu cầu đầu tư vào các tài sản trú ẩn an toàn.

Mặc dù vậy, thị trường ngoại hối có thể ghi nhận những yếu tố tích cực khi xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các NHTW trên thế giới tiếp tục, dòng tiền vẫn tìm đến các quốc gia đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô như Việt Nam; kiều hối tiếp tục tiếp tục là điếm sáng của dòng vốn ngoại tệ trong năm 2025 khi liên tục duy trì trên ngưỡng 13 tỷ USD trong 3 năm trở lại đây; cán cân thương mại đạt sẽ tiếp tục dự báo thặng dư lớn trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phục hồi...

Với khả năng DXY sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao và có thể kéo dài hơn dự kiến, VND được VCBS dự báo giảm giá tương đối so với đồng USD với mức biến động hợp lý khoảng 3% cho cả năm 2025.

Nguồn: VCBS

Nguồn: VCBS

Về lãi suất, đơn vị phân tích dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 sẽ duy trì ở mức ổn định từ 12-14%, nhờ vào nhu cầu vốn tăng từ các doanh nghiệp và tiêu dùng cá nhân, cũng như sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, NHNN sẽ tiếp tục điều hành một cách thận trọng, đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát rủi ro, nhằm tránh các tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là nguy cơ lạm phát và nợ xấu.

Quá trình hạ lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ của các NHTW đang bắt đầu và sẽ tiếp diễn. Với triển vọng tăng trưởng khả quan, lạm phát hoàn toàn nằm trong khả năng kiểm soát, tạo dư địa cho NHNN điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo các yếu tố ổn định. Nhu cầu tín dụng từ các doanh nghiệp và hộ gia đình được dự báo không có sự biến động mạnh, các ngân hàng có thể tiếp tục giữ lãi suất huy động ở mức ổn định để duy trì khả năng cung ứng tín dụng mà không làm ảnh hưởng đến chi phí vốn.

Tuy nhiên áp lực tỷ giá, nếu có, có thể khiến nhà điều hành sử dụng các công cụ điều tiết linh hoạt theo từng bước. Ngoài ra, áp lực tăng lãi suất huy động có thể xuất hiện vào cuối năm, khi ngân hàng thường đẩy mạnh cho vay. Mặc dù vậy, VCBS nhận định áp lực này nếu có sẽ không lớn.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vcbs-neu-dong-luc-giup-dau-tu-cong-nam-2025-tich-cuc-hon-37034.html
Zalo