Vật thể rơi xuống Nam Cực làm thay đổi lịch sử Trái Đất

Thành phần của một tảng đá không gian đã tiết lộ cách mà khả năng tồn tại sự sống của Trái Đất được ấn định hàng tỉ năm trước.

Theo Live Science, một nhóm khoa học gia đã tìm thấy dấu hiệu của hydro sunfua trong một loại thiên thạch tương tự như những thiên thạch tạo nên Trái Đất thời kỳ đầu.

Phát hiện này đã đảo ngược kịch bản được ủng hộ nhiều năm qua về nguồn gốc của nước trên hành tinh của chúng ta.

Thiên thạch Nam Cực được tìm thấy vào năm 2012 theo chương trình quốc tế ANSMET - Ảnh: ANSMET

Thiên thạch Nam Cực được tìm thấy vào năm 2012 theo chương trình quốc tế ANSMET - Ảnh: ANSMET

Nhiều năm nay, các nhà khoa học trên thế giới ngày một ủng hộ giả thuyết cho rằng Trái Đất có nước là nhờ hàng loạt tiểu hành tinh, sao chổi và các thiên thạch nhỏ khác mang đến trong giai đoạn hệ Mặt Trời non trẻ còn cuồng nộ, liên tục xảy ra va chạm thiên thể.

Viết trên tạp chí Icarus, nhóm tác giả từ Đại học Oxford và Khu Khoa học và đổi mới Harwell (Anh) chỉ ra rằng điều đó có thể không đúng.

Một thành phần quan trọng của nước là hydro. Quá trình để Trái Đất đạt được lượng hydro hiện tại vẫn chưa rõ ràng.

Do có sự tương đồng về mặt đồng vị nhiều nguyên tố với đá trên mặt đất, nhóm thiên thạch được cho là đại diện tốt nhất cho các khối xây dựng của Trái Đất là enstatite chondrites (EC).

Tuy vậy, các nhà khoa học cho rằng các khối xây dựng Trái Đất này không cung cấp lượng hydro đáng kể.

Thế nhưng các phép đo khối lượng mới đây cho thấy EC có thể chứa nhiều hydro hơn suy nghĩ ban đầu, đủ để giải thích sự phong phú của nước trên địa cầu ngày nay. Nhưng mảnh ghép còn thiếu chính là cách chúng tồn tại trong các khối xây dựng Trái Đất.

Năm 2012, một thiên thạch được tìm thấy tại Nam Cực có thể là chìa khóa. Nó là EC, tức một đại diện hoàn hảo cho các khối xây dựng Trái Đất sơ khai.

Theo các tác giả, thiên thạch đặc biệt này đã tiết lộ cách mà hydro tồn tại trong EC: Liên kết với lưu huỳnh.

Điều đó giúp chứng minh rõ ràng hơn giả thuyết cho rằng Trái Đất sơ khai - được cấu thành bởi một loạt khối xây dựng tương tự EC - đủ hydro để phản ứng với oxy trong bầu khí quyển được hình thành từ hàng tỉ năm trước.

Nhờ đó, hành tinh của chúng ta có nguồn nước dồi dào, yếu tố cực kỳ quan trọng để sự sống có thể ra đời và tồn tại dài lâu.

Nhóm nghiên cứu cho rằng không chỉ Trái Đất, các hành tinh đá khác của hệ Mặt Trời cũng được cấu thành bởi các khối xây dựng chứa "hạt mầm" của nước như thế.

Điều này cũng phù hợp với các nghiên cứu cho rằng trong quá khứ, Sao Hỏa và có thể cả Sao Kim cũng từng có đại dương, sông ngòi như thế giới của chúng ta.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vat-the-roi-xuong-nam-cuc-lam-thay-doi-lich-su-trai-dat-196250507090020018.htm
Zalo