Vật liệu xây dựng Việt Nam từng bước chinh phục thị trường quốc tế
Nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu với mức tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch. Các sản phẩm có mặt tại hàng trăm quốc gia, từng bước khẳng định vị thế của lĩnh vực vật liệu trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Mở rộng thị trường vật liệu quốc tế
Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch ốp lát, ngoài sản xuất phục vụ thị trường trong nước, Công ty CP Thắng Cường duy trì sản lượng xuất khẩu ổn định, trung bình khoảng 30 - 50 container/tháng, tương đương 30.000 – 40.000m2 gạch ốp lát, với kim ngạch khoảng 320.000 USD/tháng.

Sản phẩm vật liệu xây dựng Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Ông Lê Văn Phương, Tổng giám đốc Công ty CP Thắng Cường cho biết, thị trường xuất khẩu của công ty gồm Hoa Kỳ (chiếm tỷ trọng lớn nhất), một số quốc gia ở châu Âu và châu Phi; với các sản phẩm chủ yếu gồm gạch porcelain khổ lớn, gạch hiệu ứng tự nhiên và một phần gạch trang trí cao cấp. Các sản phẩm xuất khẩu đều đáp ứng đủ tiêu chí chất lượng, thân thiện môi trường và được thị trường quốc tế đón nhận.
"Giá hàng hóa xuất khẩu hiện đang cao hơn 5 - 10% so với giá bán trong nước, mức chênh lệch này phản ánh yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn kỹ thuật, độ bền, chất lượng in ấn và đóng gói cũng như logistics", ông Phương nhấn mạnh.
Theo đại diện Công ty CP Vicostone, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của công ty đạt 129,18 triệu USD. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã có mặt tại hơn 50 quốc gia, nhưng chỉ tập trung khai thác sâu tại ba thị trường lớn là Hoa Kỳ, Canada và châu Âu, đây là những khu vực có hệ thống phân phối ổn định và nhu cầu rõ ràng.
Đến nay, Vicostone đã hoàn thành việc tái cơ cấu hệ thống phân phối tại thị trường Hoa Kỳ để gia tăng trải nghiệm sản phẩm cho khách hàng. Tại thị trường Canada, nhờ việc đẩy mạnh hoạt động marketing, xúc tiến bán hàng thông qua các chính sách hỗ trợ đối tác từ phía công ty, thị trường ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong năm 2024. Còn tại thị trường châu Âu, các đại lý phân phối đã đạt mức tăng trưởng đáng kể, đóng góp quan trọng cho doanh thu xuất khẩu của công ty.
Trong thời gian tới, Vicostone sẽ tiếp tục đầu tư chi phí, nguồn lực để tiếp cận và phát triển các kênh bán hàng đa dạng, linh hoạt cho thị trường mới tiềm năng như các quốc gia khu vực Trung Đông, Nam Mỹ và một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.
Theo thông tin từ Công ty CP Gỗ An Cường, doanh thu xuất khẩu năm 2024 của công ty đạt 663,3 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2023. Công ty này dự kiến sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường mục tiêu thông qua việc giữ vững thị trường nội địa, đồng thời thâm nhập sâu vào thị trường Hoa Kỳ và các nước trong khu vực như: Campuchia, Malaysia và Lào…
Theo ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, bên cạnh thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong nước, sản phẩm thép nước ta còn xuất khẩu ra với số lượng và kim ngạch ngày càng tăng qua các năm.
Năm 2024, tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam đạt 13,1 triệu tấn (tăng trưởng 12,1% so với năm 2023). Thị trường xuất khẩu chủ yếu là khu vực ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Đài Loan.

Cần tìm kiếm những thị trường mới để đảm bảo đầu ra cho vật liệu xuất khẩu ổn định.
Có mặt tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ
Ông Lê Viết Hải, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM nhấn mạnh, với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, Việt Nam có nhiều lợi thế sản xuất vật liệu xây dựng.
Trong 20 năm qua, lĩnh vực vật liệu xây dựng nước ta đã phát triển vượt bậc. Từ một quốc gia nhập khẩu hầu hết vật liệu, đến nay, Việt Nam đã sản xuất đa dạng sản phẩm, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn dư thừa 20 - 40% công suất phục vụ xuất khẩu. Hiện tại, lĩnh vực vật liệu xây dựng Việt Nam đã xuất khẩu được tới hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo ông Hải, điển hình là lĩnh vực xi măng, trong giai đoạn 2009 - 2024, năng lực sản xuất xi măng tăng từ 45,5 triệu tấn/năm lên khoảng 110 triệu tấn/năm, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu xi măng và clinker lớn nhất thế giới.
Gỡ nút thắt cho khoáng sản làm vật liệu xây dựng bằng các cơ chế đặc thù
Ngành thép đang đối mặt với dư thừa công suất
Vật liệu xây không nung vì sao chưa phổ biến?
Thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam được mở rộng, với các sản phẩm chủ yếu là đồ gỗ nội thất và ngoại thất; năm 2024, nước ta xuất khẩu gỗ đạt trên 15 tỷ USD và là quốc gia thuộc Top 5 trên thế giới về chế biến xuất khẩu gỗ.
Ngoài ra, lĩnh vực gạch ốp lát hiện đứng thứ 3 trong Top 10 nước sản xuất gạch ốp lát hàng đầu thế giới và đứng đầu ASEAN…
"Thị trường xây dựng toàn cầu có quy mô gấp 450 lần thị trường xây dựng Việt Nam. Nếu chúng ta chinh phục được chỉ 1% thị trường này, ngành Xây dựng nước ta sẽ mang về hàng trăm tỷ USD mỗi năm", ông Hải nhấn mạnh.
TS Thái Duy Sâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, do tiêu thụ trong nước còn chưa lớn, việc xuất khẩu vật liệu xây dựng là giải pháp để đáp ứng năng suất sản xuất của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tình hình thế giới vẫn còn tiếp tục những diễn biến phức tạp, khó lường, chiến tranh vẫn đang diễn ra ở một số khu vực, một số thị trường lớn cũng đưa ra nhiều yêu cầu về thuế quan, giảm phát thải khí nhà kính, từ đó sẽ ảnh hưởng tới việc xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo ông Sâm, để hóa giải được những khó khăn trên, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cần tiếp tục đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Đồng thời, các thị trường xuất khẩu truyền thống cũng đang có một số khó khăn, vì vậy, cần có những giải pháp tìm kiếm những thị trường mới để đảm bảo đầu ra cho hàng hóa xuất khẩu ổn định.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm của nước ta ước đạt 180,23 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 57,2 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ; EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch đạt 23 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ; Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với kim ngạch ước đạt 23,5 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Kinh tế thế giới khó dự đoán hơn do tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố phức tạp như xung đột vũ trang tại một số nước, bất ổn thương mại, hiện tượng thiên tai, thời tiết cực đoan; gần đây nhất, chính quyền của Tổng thống Donald Trump công bố áp dụng thuế nhập khẩu 10% toàn bộ hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Những yếu tố bất ổn này sẽ ảnh hưởng lớn tới nhiều quốc gia trên các phương diện khác nhau, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, tiền tệ và thu hút đầu tư nước ngoài.