Định danh hàng hóa 'sản xuất tại Việt Nam'
Dù cụm từ 'Made in Vietnam' xuất hiện phổ biến trên bao bì sản phẩm, đến nay Việt Nam vẫn chưa có bộ tiêu chí chính thức để xác định xuất xứ hàng hóa lưu thông trong nước.
Thực tế này không chỉ gây lúng túng cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và uy tín hàng Việt. Bộ Công Thương đang xây dựng bộ tiêu chí nhằm tháo gỡ nút thắt này.

“Made in Vietnam” tưởng như đơn giản nhưng đang khiến không ít doanh nghiệp và cơ quan quản lý đau đầu. Ảnh: SGT
Lúng túng với “Made in Vietnam”
Theo Bộ Công Thương, nước ta đã ban hành một số văn bản quy định về xuất xứ hàng hóa, nhưng chủ yếu áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu nhằm phục vụ mục tiêu ưu đãi thuế theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc công tác quản lý ngoại thương. Trong khi đó, với hàng hóa sản xuất để tiêu thụ trong nước, dù được sản xuất từ nguyên liệu nội địa hay nhập khẩu, lại chưa có bộ tiêu chí chính thức để xác định xuất xứ. Chính vì vậy, những cụm từ “Made in Vietnam”, “sản phẩm của Việt Nam” hay “hàng hóa có xuất xứ Việt Nam”... tưởng như đơn giản nhưng đang khiến không ít doanh nghiệp và cơ quan quản lý đau đầu.
Tại hội thảo trao đổi về tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước được tổ chức gần đây, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết hiện mới có Nghị định 31/2018/NĐ-CP về quy tắc xuất xứ với hàng xuất khẩu và nhập khẩu, trong khi đó, với hàng lưu thông trong nước, vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau. Thậm chí, không ít sản phẩm dán nhãn “Made in Vietnam” nhưng thực chất không hề có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) Việt Nam.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, lưu ý rằng không nên vội vàng ban hành quy định bắt buộc áp dụng với toàn bộ hàng hóa lưu thông trong nước, bởi điều này có thể gây áp lực lớn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Thay vào đó, nên bắt đầu bằng hướng khuyến nghị, tự nguyện, sau đó nếu thực hiện tốt mới mở rộng.
Việc thiếu vắng các quy định về cách xác định như thế nào là “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam” khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ hay nguồn gốc trên nhãn sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước, theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.
Ví dụ, một công ty điện tử lắp ráp ti vi từ các linh kiện nhập khẩu và nội địa, tự thiết kế phần mềm và bo mạch, sau đó bán ra thị trường Việt Nam. Như vậy, sản phẩm này có được phép ghi “sản xuất tại Việt Nam” hay không? Tương tự, một công ty đồ chơi trẻ em thực hiện khâu cắt, may ban đầu tại Trung Quốc, sau đó chuyển về Việt Nam để may, khâu, đính nhãn, nhồi bông. Vậy sản phẩm này có đủ điều kiện ghi nhãn “Made in Vietnam”? Hay với tỷ lệ nội địa hóa trên 30%, sản phẩm có được xem là hàng Việt?
Ở chiều ngược lại, không ít hàng hóa chỉ trải qua công đoạn đơn giản như đóng gói, dán nhãn tại Việt Nam cũng được gắn mác “sản xuất tại Việt Nam”, khiến người tiêu dùng hoang mang, còn cơ quan chức năng không có căn cứ xử lý.
Vấn đề không chỉ là chuyện ghi nhãn sao cho đúng! Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng: “Việc xác định rõ ràng, minh bạch xuất xứ hàng hóa không chỉ giúp chống hàng gian, hàng giả mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng, là động lực để doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất trong nước”.
Khung tiêu chí đang được xây dựng
Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công Thương đang xây dựng bộ tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa lưu thông trong nước. Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, căn cứ bộ tiêu chí này, doanh nghiệp có thể xác định chính xác sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, làm căn cứ xây dựng thương hiệu, uy tín “sản phẩm của Việt Nam”, giữ vững thị phần trên chính sân nhà; đồng thời, tránh phát sinh tranh chấp giữa bên lưu thông hàng và bên sử dụng hàng hóa trong nước, tổn hại đến sức cạnh tranh.
Dự kiến cách xác định xuất xứ Việt Nam với hàng hóa lưu thông trong nước gồm sáu tiêu chí. (1) Có xuất xứ thuần túy gồm các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, khai khoáng, đánh bắt, tái chế... được tạo ra hoàn toàn tại Việt Nam. (2) Được sản xuất hoàn toàn từ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam. (3) Gia công, chế biến làm thay đổi cơ bản; theo đó, sử dụng nguyên liệu nhập khẩu nhưng công đoạn cuối tại Việt Nam làm thay đổi mã số hải quan (mã HS) hoặc đạt tỷ lệ giá trị Việt Nam theo quy định. (4) Không chấp nhận công đoạn gia công, chế biến đơn giản, ví dụ như công đoạn đóng gói, dán nhãn, lắp ráp đơn giản, trộn đơn giản... (5) Nguyên liệu không đáp ứng quá trình sản xuất hoặc gia công làm thay đổi mã số HS, nhưng vẫn được coi là hàng Việt Nam nếu giá trị nguyên liệu không có xuất xứ nhỏ hơn hoặc bằng 15% giá xuất xưởng. (6) Các yếu tố không cần xét đến, gồm các yếu tố không tính vào xuất xứ hàng hóa như nhiên liệu, chất xúc tác, dụng cụ thử nghiệm, đồng phục, thiết bị an toàn...
Bà Bùi Thị Thùy Dương, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia, cho rằng việc xây dựng một hệ thống tiêu chí áp dụng chung cho tất cả các loại hàng hóa nhằm xác định khi nào một sản phẩm được phép ghi “sản xuất tại Việt Nam” là rất cần thiết, nhưng cần được thiết kế linh hoạt, có lộ trình, phân loại theo nhóm ngành hoặc rủi ro. Đồng thời, cần có sự tham vấn rộng rãi với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý chuyên ngành để đảm bảo tính khả thi và đồng thuận cao trong thực tiễn áp dụng.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, việc chứng minh nguồn gốc rất khó và tốn kém. “Có những sản phẩm mà khung, sườn thì nhập, còn phần mềm là của người Việt Nam, nhưng để chứng minh được phần mềm ấy có nguồn gốc Việt Nam thì không hề dễ dàng”. Bởi vậy, ông đề xuất cách tiếp cận từng bước: “Trước hết, có thể xác định rõ tiêu chí đối với những sản phẩm được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam. Sau đó, tiến tới yêu cầu công khai tỷ lệ nội địa hóa. Ai khai sai phải chịu trách nhiệm”.
Đặc biệt, ông Tuấn lưu ý không nên vội vàng ban hành quy định bắt buộc áp dụng với toàn bộ hàng hóa lưu thông trong nước, bởi điều này có thể gây áp lực lớn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Thay vào đó, nên bắt đầu bằng hướng khuyến nghị, tự nguyện, sau đó nếu thực hiện tốt mới mở rộng.