Vào cuộc mạnh mẽ vì mục tiêu tăng trưởng

Mục tiêu tăng trưởng 8% của năm nay sẽ không thể hoàn thành nếu mỗi bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp không nỗ lực từng ngày, từng giờ.

Từ những buổi làm việc không có giờ nghỉ…

7h tối ngày 9/2, Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất vẫn sáng đèn như bao ngày làm việc “3 ca 4 kíp” khác. Có chăng, không khí làm việc tại nơi đây chộn rộn và hăng say hơn khi được đón đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chương trình công tác tại tỉnh Quảng Ngãi đã đến thăm và làm việc với doanh nghiệp. "Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương không có ngày nghỉ, người lao động chúng tôi hi vọng đóng góp một chút tinh thần, công sức vào mục tiêu tăng trưởng của công ty và của đất nước" - anh Nguyễn Minh Đức, công nhân tại Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất bày tỏ khi nhìn đoàn xe của đoàn công tác Chính phủ rời nhà máy lúc gần 9 giờ tối.

Thăm Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tập đoàn nghiên cứu sản xuất ray thép và các sản phẩm thép chất lượng cao phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao. Ảnh: Hòa Phát

Thăm Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tập đoàn nghiên cứu sản xuất ray thép và các sản phẩm thép chất lượng cao phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao. Ảnh: Hòa Phát

Hai ngày cuối tuần, đoàn công tác của Thủ tướng đã có buổi làm việc với 3 địa phương là Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Chương trình làm việc dày đặc của đoàn công tác Chính phủ với lãnh đạo các địa phương, đi thực tế tại các doanh nghiệp và dự án trọng điểm cho thấy quyết tâm cao của người đứng đầu Chính phủ trong việc đốc thúc các bộ, ngành, địa phương xắn tay vào việc, tháo gỡ khó khăn để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng của năm nay ngay từ những ngày đầu tháng, quý đầu năm.

Mục tiêu tăng trưởng 8% của năm nay sẽ không thể hoàn thành nếu mỗi bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp không nỗ lực từng ngày, từng giờ, đặt ra chỉ tiêu công việc cần thực hiện và hoàn thành cho từng tháng, từng quý. Không phải ngẫu nhiên mà ngoài Nghị quyết 01 được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ tháng đầu tiên của mỗi năm để các bộ, ngành địa phương “bám” vào đó thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo tăng trưởng của năm mà với năm 2025, năm kết thúc của giai đoạn 2021 - 2025 và tạo tiền đề, động lực cho giai đoạn mới, các nhiệm vụ còn được chỉ ra chi tiết, cụ thể hơn. Đó là việc phân giao chỉ tiêu tăng trưởng đối với một số ngành, lĩnh vực, địa phương, hiện thực hóa chi tiết hơn trong thực hiện kế hoạch năm 2025, thông qua Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Và cùng với các văn bản chỉ đạo điều hành là các chuyến đi tới các địa phương với tinh thần động viên các doanh nghiệp, nhà thầu, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của các tỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Gần 23h ngày 9/2, buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Thành ủy TP. Đà Nẵng mới kết thúc nhưng cũng đã gợi mở bao điều không chỉ với các địa phương, doanh nghiệp được người đứng đầu Chính phủ ghé thăm trong chuyến công tác và với cả các bộ, ngành, địa phương khác. Đó là tinh thần làm việc không kể thời gian, là sự vào cuộc nhanh, quyết liệt với tinh thần chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ tới các địa phương, bộ, ngành: Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung", "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả". Các bộ, ngành Trung ương phải giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền, không né tránh, vòng vo, "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".

… đến quyết tâm của doanh nghiệp vì mục tiêu tăng trưởng chung

"Tập đoàn Hòa Phát sẽ tăng trưởng 15% mỗi năm từ nay đến năm 2030, hưởng ứng mục tiêu tăng trưởng hai con số của Chính phủ" - là cam kết của ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát trong buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long trong buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Hòa Phát

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long trong buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Hòa Phát

Ông Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam và đã xuất khẩu thép tới 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với sự đầu tư lớn vào sản xuất, tập đoàn đang hướng mạnh vào sản xuất các loại thép chất lượng cao góp phần thay thế hàng nhập khẩu. Doanh nghiệp đã đầu tư vào Quảng Ngãi 7 tỷ USD ở Khu kinh tế Dung Quất. Trong đó, trọng điểm là dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với tổng vốn đầu tư hơn 171 nghìn tỷ đồng.

"Với năng lực hiện có, tập đoàn đang hướng mạnh vào sản xuất các loại thép chất lượng cao góp phần thay thế hàng nhập khẩu. Hòa Phát tự tin đủ năng lực nghiên cứu sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo đặt hàng của Thủ tướng Chính phủ cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia và xuất khẩu ra thế giới" - ông Long khẳng định.

Được biết, hiện nay, Hòa Phát ưu tiên tập trung hoàn thành và đưa vào vận hành dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đảm bảo ổn định và tiếp tục đầu tư phát triển chế biến sâu các sản phẩm thép chất lượng cao tại Khu kinh tế Dung Quất, mục tiêu tự chủ sản xuất phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó đặc biệt ưu tiên phục vụ Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam giai đoạn 2026 - 2030. Khi Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành vào cuối năm 2025, năng lực sản xuất thép của tập đoàn đạt 15 triệu tấn/năm, dự kiến đưa Hòa Phát vào Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Lãnh đạo Tập đoàn cũng đề nghị Chính phủ cần có biện pháp bảo vệ chính đáng các doanh nghiệp sản xuất trong nước. "Những gì doanh nghiệp trong nước có thể làm được, chúng tôi mong nhà nước hãy giao cho doanh nghiệp làm. Có như thế mới nuôi dưỡng các doanh nghiệp lớn được" - ông Trần Đình Long kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác.

Nỗ lực trong đẩy mạnh sản xuất, hướng tới mục tiêu tăng trưởng chung, trong thông điệp đầu năm 2025 gửi tới người lao động của Tập đoàn Trường Hải (THACO), Chủ tịch Trần Bá Dương đã nêu mục tiêu sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư ở tất cả các tập đoàn thành viên trong 6 lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, gồm: ô tô; nông nghiệp; cơ khí và công nghiệp hỗ trợ; đầu tư xây dựng; thương mại - dịch vụ; logistics. Cụ thể, THACO dự kiến giải ngân hơn 3.590 tỷ đồng trong năm 2025 để thực hiện riêng các dự án tại Chu Lai; tổng nộp ngân sách tại Quảng Nam dự kiến 22.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2024, tuyển dụng mới hơn 1.600 nhân sự...

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tại Tập đoàn THACO - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tại Tập đoàn THACO - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hiện thực hóa kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đặc biệt tập trung cho phát triển công nghiệp - lĩnh vực chủ lực của tập đoàn, đầu tháng 2/2025, THACO đã khánh thành bến cảng 5 vạn tấn chuyên dụng container tại cảng quốc tế Chu Lai với tổng mức đầu tư 1.590 tỷ đồng. Đồng thời, cùng lúc đưa vào sản xuất nhiều nhà máy, dây chuyền sản xuất, trung tâm nghiên cứu với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD. Cụ thể: Trung tâm R&D THACO INDUSTRIES xây dựng với 30.000 m2, bao gồm trung tâm thiết kế, trung tâm thí nghiệm vật liệu và thử nghiệm sản phẩm, xưởng sản xuất mẫu với tổng vốn gần 40 triệu USD; Nhà máy sản xuất linh kiện khung thân vỏ ô tô được xây dựng trên diện tích 15.000 m2, tổng vốn 30 triệu USD; Nhà máy sản xuất kính ô tô cao cấp 15.000 m2, tổng vốn 25 triệu USD, trong đó xưởng sản xuất kính xe du lịch công suất 300.000 bộ/năm, xưởng sản xuất kính xe tải, xe buýt công suất 150.000 bộ/năm. Và nhà máy sản xuất thiết bị điện ô tô 20.000 m2 tổng vốn đầu tư 20 triệu USD, công suất 150.000 bộ dây điện, 50.000 bộ linh kiện, thiết bị điện tử ô tô du lịch/năm. Ngoài ra, THACO cũng khánh thành dây chuyền công nghệ sản xuất nhà máy THACO Bus, giới thiệu line-up sản phẩm mới thương hiệu THACO Truck, THACO Bus.

Các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô đưa vào hoạt động không chỉ góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ô tô do Trường Hải sản xuất, lắp ráp mà còn góp phần hình thành trung tâm sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô mang tầm khu vực, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; đóng góp vào chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam nói riêng và công nghiệp ô tô nói chung.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với THACO vào cuối tuần trước, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO cam kết sẽ nỗ lực thực hiện các dự án chiến lược hình thành hệ sinh thái công nghiệp đa ngành thế hệ mới của THACO tại Chu Lai - Quảng Nam trên nền tảng quản trị công nghiệp, phát triển xanh, thông minh, hiện đại, bền vững.

Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp trong chuyến công tác 2 ngày cuối tuần qua, Thủ tướng nêu rõ: nếu không có các ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp thép, hóa chất thì sẽ luôn bị động trong quá trình thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chúng ta không thể không phát triển ngành thép và phải phát triển theo hướng số hóa, tự động hóa. Do đó, có các doanh nghiệp như Hòa Phát thì chúng ta sẽ chủ động hơn về mặt chiến lược. Thủ tướng đề nghị Hòa Phát tiếp tục nghiên cứu sản xuất thép chất lượng cao, đặc biệt sản xuất ray thép phục vụ đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị trong thời gian tới.

Với THACO, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu đường sắt tốc độ cao, tiến tới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất đầu máy.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vao-cuoc-manh-me-vi-muc-tieu-tang-truong-373122.html
Zalo