Vàng son Thồ Lồ, Ma Dú... (kỳ cuối)

Kỳ cuối: Phú Mỡ hôm nay

Trong cái nắng óng ả đầu hè, con đường bê tông có mặt đường thoáng rộng băng qua các xã Xuân Phước, Xuân Quang 1 hướng về Phú Mỡ cứ băng băng. Hai bên đường là những khu dân cư khá sầm uất, thỉnh thoảng qua những đoạn rẫy keo xanh mướt, những ruộng mía đang cuối mùa thu hoạch, qua cánh đồng ruộng lúa nước thôn Phú Giang, Phú Tiến… rộn ràng không khí lao động hăng say.

Bí thư Chi bộ thôn Phú Tiến La O Thị Sọt, nhận món quà là chiếc máy tính xách tay từ đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ảnh: TRẦN QUỚI

Bí thư Chi bộ thôn Phú Tiến La O Thị Sọt, nhận món quà là chiếc máy tính xách tay từ đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ảnh: TRẦN QUỚI

Xây dựng cuộc sống mới

Sau khi đất nước thống nhất, non sông liền một dải, bà con Thồ Lồ - Phú Mỡ lo làm ăn, chống giặc đói, giặc dốt. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của chính quyền địa phương cùng toàn thể người dân, Phú Mỡ đã có bước chuyển mình phát triển.

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thay đổi diện mạo Phú Mỡ là sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông. Trước đây, đường sá đến Phú Mỡ rất khó khăn, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Từ các chương trình 134, 135 của Chính phủ; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình 1719), bộ mặt xã vùng cao Phú Mỡ đã thay đổi và phát triển nhiều mặt. Các dự án nâng cấp đường bộ trục dọc miền Tây Phú Yên đoạn qua Phú Mỡ hoàn thành, giúp việc đi lại trở nên thuận lợi hơn. Những cây cầu kiên cố được xây dựng, đường bê tông nối liền các thôn, buôn, tạo điều kiện cho giao thương phát triển. Minh chứng rõ nét nhất là từ Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2025, toàn huyện Đồng Xuân có 97 công trình, dự án đầu tư công trung hạn với tổng kinh phí trên 71 tỉ đồng, thì xã Phú Mỡ có 32 công trình, dự án tổng vốn trên 35 tỉ đồng.

Nông nghiệp là kinh tế chủ đạo của Phú Mỡ. Trước đây, người dân chủ yếu canh tác lúa rẫy, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, năng suất thấp, thì nay diện tích lúa nước hai vụ được mở rộng. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn xã 407,63ha; trong đó, gần 68ha lúa nước, 64,4ha lúa rẫy, 258ha sắn, còn lại là cây mía và một số loại hoa màu khác... Điều này giúp đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện đời sống người dân. Chăn nuôi cũng được chú trọng phát triển. Đàn gia súc tăng từ 893 con năm 2015 lên 4.808 con (bò, dê, heo) năm 2025.

Bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi, những năm gần đây, Phú Mỡ phối hợp Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân triển khai cho người dân nhận khoán bảo vệ rừng, từ đây giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, vừa giữ lấy màu xanh núi rừng quê hương, vừa phát triển kinh tế rừng. Mỗi năm, số diện tích trồng mới rừng kinh tế đạt bình quân khoảng 100ha, nâng độ che phủ rừng của xã đạt 80%.

Cùng với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội của người dân Phú Mỡ cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được xây dựng, cung cấp nước sạch cho người dân trong xã. Tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95%. Công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, số ca mắc sốt rét giảm rõ rệt, từ năm 2024 đến nay, trên địa bàn xã không xảy ra dịch bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh khác. Người dân đã thay đổi thói quen sinh hoạt, chú trọng đến vệ sinh môi trường và chăm sóc sức khỏe.

Giáo dục và đào tạo được xem là chìa khóa để thoát nghèo bền vững, Phú Mỡ được đầu tư xây dựng, trang bị cơ sở vật chất cho các trường học, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS. Các chương trình hỗ trợ học sinh nghèo, cấp học bổng, sách vở, đồ dùng học tập được triển khai từ nhiều nguồn, khuyến khích tinh thần học tập của các em. Phú Mỡ có 3 cấp học: mầm non, tiểu học, THCS (Trường phổ thông Dân tộc bán trú Đinh Núp). Thầy Lê Ngọc Hòa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Mỡ, cho biết hiện nay bà con đã ý thức tốt việc cho con đến trường, học hành để thoát nghèo, nên việc vận động các em ra lớp thuận lợi hơn nhiều so với trước đây. Cả xã có 328 em, đều ra lớp đúng độ tuổi, không có học sinh bỏ học giữa chừng vì lý do khó khăn về kinh tế. Ngoài trường chính ở thôn Phú Giang, ở các thôn còn lại như Phú Tiến, Phú Lợi, Phú Đồng, Phú Hải đều có điểm trường, tạo thuận lợi để các em đến lớp.

Niềm vui được mùa lúa nước của bà con Phú Mỡ. Ảnh: TRẦN QUỚI

Niềm vui được mùa lúa nước của bà con Phú Mỡ. Ảnh: TRẦN QUỚI

Từ câu chuyện chia ruộng lúa nước…

Trong ánh mặt trời đang lên còn chút sương sớm, các em nhỏ đến trường trên đường bê tông phẳng phiu, xa xa là cánh đồng lúa nước dưới chân núi La Hiên, tất cả hiện lên như một bức tranh quê đẹp đẽ. Về vùng đất huyền thoại này còn được nghe nhiều câu chuyện nghĩa tình của bà con đồng bào.

Sau khi đất nước thống nhất, Lê Mo Tư, người chiến sĩ cộng sản được đồng chí Cao Xuân Thiêm giới thiệu kết nạp Đảng những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng vợ La O Thị Búi, dời về làng Phú Lợi lập nghiệp mưu sinh. Lần lượt các con La O Nghĩa, La O Thị Hiếu, La O Thị Hồng, La O Thị Hiệp ra đời. Với bàn tay cần cù lao động và khối óc, Ma Nghĩa trở nên khá giả nhất của buôn với nhiều diện tích ruộng lúa nước, lúa rẫy, bò đàn… Các con của Ma Nghĩa đều được học hành đến nơi đến chốn, ai cũng có việc làm.

Không chỉ chăm lo cho gia đình, thấm nhuần tư tưởng vì dân của Bác Hồ, của cha mình là Ma Ngoe, từng là Bí thư Chi bộ Thồ Lồ trong kháng chiến chống Mỹ, Ma Nghĩa hiểu rằng, “nông dân nghèo phải có ruộng”, làm thế nào để bà con không phải phá rừng làm rẫy mà có thể thoát cái đói, cái nghèo. Nghĩ vậy, Ma Nghĩa “tiên phong” trong “cuộc cách mạng” chia ruộng lúa nước cho bà con. Tất cả diện tích đất ruộng Ma Nghĩa khai khẩn được ông xung phong hiến vào quỹ đất chung của thôn, rồi vận động thêm những hộ có nhiều đất hiến đất rồi chia đều cho tất cả các hộ, để ai cũng có ruộng lúa nước, không bị đói. Theo gương già làng Ma Nghĩa, những người trong thôn có nhiều ruộng như Oi Ruồi, Oi Quý, Ma Vân, Ma Phọm… cũng nhiệt tình tham gia. Năm 2004, chương trình phát triển hạ tầng nông thôn đầu tư trạm bơm điện cho thôn Phú Lợi. Người dân lại san thêm mặt bằng, tăng thêm diện tích lúa nước. Sau cuộc chia ruộng cho dân nghèo do Ma Nghĩa khởi xướng, xã Phú Mỡ lấy làm mô hình để tuyên truyền, vận động các thôn khác cùng làm theo, phong trào làm lúa nước của xã nhanh chóng nhân rộng.

Nhớ lại câu chuyện chia ruộng lúa nước cách đây hơn hai thập kỷ, Ma Nghĩa vẫn bồi hồi trong niềm vui: “Điều quan trọng là bà con mình đã không còn ai thiếu đói. Cái bụng no rồi thì cái đầu mới nghĩ được nhiều việc hay, mới tính chuyện làm giàu được”.

Ông So Minh Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, nói: “Ở Phú Mỡ này, Ma Nghĩa là cây cao bóng cả, già làng gương mẫu, uy tín trong mọi lĩnh vực đời sống. Bà con mình nghe lời Ma Nghĩa lắm, vì Ma Nghĩa nói đúng, việc làm của ông luôn vì bà con, cộng đồng”.

…Đến khát vọng phát triển

Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ Nguyễn Văn Minh cho biết: Hiện tại những công trình cơ bản đảm bảo dân sinh đã được đầu tư xây dựng như: trường học, trạm y tế, trạm khuyến nông, nước sạch nông thôn… Trẻ em trong độ tuổi được vận động ra lớp đầu năm đạt 100%, công tác khám chữa bệnh thường xuyên thực hiện, bên cạnh các đợt khám tình nguyện, từ thiện của các đoàn từ huyện, tỉnh. Cả xã Phú Mỡ hiện có 854 hộ với 3.400 nhân khẩu. Mặc dù đã được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhưng về cơ bản đời sống bà con nơi đây vẫn còn khó khăn. Năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo giảm 8,86%. Đây là sự động viên rất lớn, là kết quả tổng hợp từ các chương trình mục tiêu quốc gia và nỗ lực của chính quyền xã cùng chính người dân nơi đây.

Phú Mỡ là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, 99,7% đồng bào dân tộc thiểu số, nên huyện quan tâm tối đa. Những năm gần đây, KT-XH của xã Phú Mỡ phát triển khá nhanh và đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia được ưu tiên đầu tư. Vẫn còn đó nhiều khó khăn, huyện sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư để Phú Mỡ ngày càng khởi sắc.

Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Đặng Văn Trọng

Cuối năm 2024, tôi có dịp về Phú Mỡ trao quà tết và tặng bò cho người nghèo từ chương trình Chung một tấm lòng của Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức. Ngoài những suất quà tết, chương trình cùng địa phương chọn 11 hộ gia đình khó khăn, có sức lao động, chí thú làm ăn để tặng “cần câu” là một con bò sinh sản (trị giá 15 triệu đồng). Cũng trong dịp này, một món quà đặc biệt là chiếc máy tính xách tay tặng cho Bí thư Chi bộ thôn Phú Tiến La O Thị Sọt. Sọt là một trong những trí thức trẻ rất năng động trong công tác. Mong ước của nữ Bí thư Chi bộ thôn Phú Tiến là có máy tính để phục vụ cho công việc thuận tiện, có nhiều thời gian hơn để sâu sát với bà con và cũng từ máy tính sẽ học hỏi nhiều kiến thức để truyền đạt hướng dẫn bà con cách làm ăn, xóa đói, giảm nghèo. “Phú Tiến là một thôn rộng, đông dân, có 295 hộ, với 1.055 khẩu. Hiện không còn hộ đói vì đã có ruộng lúa nước, nhưng vẫn còn nhiều hộ nghèo. Mình muốn xây dựng những mô hình kinh tế hộ gia đình kết hợp cả chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng và bảo vệ rừng thì mới mong có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Trong thôn cũng có nhiều tấm gương gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả như Lơ Mô Tú, La Lan Hoàn, La O Thị Lý…”, La O Thị Sọt cho biết.

Phú Mỡ hôm nay dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, sự nỗ lực của chính quyền địa phương và sự chung sức đồng lòng của bà con nơi đây, miền đất này đang vươn lên mạnh mẽ, với khát vọng lớn lao: Thoát nghèo, vươn đến sự phát triển, nâng cao đời sống người dân, đồng thời lưu giữ giá trị văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân tộc.

Rời Phú Mỡ trong cái nắng mùa hè và những ngọn gió lành từ núi La Hiên, sông Bà Đài, Kỳ Lộ, chúng tôi cảm thấy mát mẻ, sảng khoái, trong lòng ngập tràn niềm vui bởi những đổi thay của Phú Mỡ như một bức tranh đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, hy vọng vùng đất này ngày càng phát triển giàu đẹp, người dân ấm no như chính cái tên Phú Mỡ!

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/phu-yen-dat-nguoi/202504/vang-son-tho-lo-ma-du-ky-cuoi-52040c8/
Zalo