Vắng Mỹ, châu Âu có đủ sức giúp Ukraine trụ vững trước cơn bão tấn công của Nga?
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang tiến đến một bước ngoặt lịch sử. Trừ khi chính quyền Tổng thống Trump điều chỉnh hướng đi, nếu không thì viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine sẽ sớm chấm dứt.
Kỷ nguyên viện trợ của Mỹ cho Ukraine đang đến hồi kết
Trong những tháng cuối nhiệm kỳ, cựu Tổng thống Joe Biden đã đưa ra hàng loạt quyết định nhằm tăng cường kho dự trữ các vũ khí thiết yếu cho Ukraine. Vào cuối năm 2024, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đẩy mạnh việc chuyển giao hàng trăm nghìn quả đạn pháo, hàng nghìn tên lửa và hàng trăm phương tiện bọc thép cho Ukraine.
Đến tháng 12/2024, ông Biden đã phê duyệt một gói hỗ trợ an ninh bổ sung trị giá 1,25 tỷ USD cho Ukraine, cho phép nguồn cung vũ khí của Washington cho Kiev tiếp tục được duy trì, ngoại trừ thời điểm gián đoạn nghiêm trọng do lệnh tạm dừng của ông Trump vào tháng 3 vừa qua.

Binh lính Ukraine khai hỏa hệ thống tên lửa phóng loạt về phía quân đội Nga trên tiền tuyến ở khu vực Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters
Những quyết định này đã giúp Ukraine kéo dài khả năng cầm cự nhưng thời gian đang dần cạn kiệt. Nguồn đạn dược từ Mỹ cho Ukraine đang suy giảm. Gói hỗ trợ 1,25 tỷ USD sẽ sớm được sử dụng hết. Hiện chính quyền Mỹ vẫn có quyền rút vài tỷ USD nữa để tiếp tục viện trợ an ninh cho Ukraine.
Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump chưa phê duyệt bất kỳ gói viện trợ quân sự nào cho Ukraine. Ngay cả khi ông đảo ngược lập trường và tận dụng quyền rút khoản ngân sách trên thì số tiền này cũng không đủ để duy trì viện trợ dài hạn.
Muốn tiếp tục hỗ trợ quân sự, Quốc hội Mỹ cần thông qua các gói ngân sách mới, điều khó có thể xảy ra khi lưỡng viện và Nhà Trắng đều nằm trong sự kiểm soát của đảng Cộng hòa. Do đó, kỷ nguyên viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine có thể đang tiến đến hồi kết.
Một số nhà quan sát cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang làm chững lại nỗ lực theo đuổi lệnh ngừng bắn của chính quyền Tổng thống Trump trong khi chờ các lô viện trợ quân sự từ thời chính quyền ông Biden cho Ukraine cạn kiệt. Cuối tuần qua, ngay sau cuộc gặp giữa Tổng thống Putin với đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff, quân đội Nga đã tiến hành cuộc tấn công tên lửa đạn đạo vào thành phố Sumy của Ukraine.
Theo giới phân tích phương Tây, ông Putin đang tính toán thời cơ, hy vọng quân đội Ukraine sẽ sụp đổ trong bối cảnh không còn sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ. Gần đây, ông tuyên bố: "Chúng tôi có cơ sở để tin rằng sẽ giành được thắng lợi cuối cùng". Ngay cả khi Nga không thể mở rộng thêm nhiều lãnh thổ, Điện Kremlin vẫn sẵn sàng chờ đợi cho đến khi vị thế của Ukraine suy yếu nghiêm trọng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào về việc chấm dứt xung đột.
Nga đã chuẩn bị cho việc xung đột có thể kéo dài ít nhất trong vài tháng tới. Dù phải đối mặt với nhiều thách thức trên chiến trường và giá dầu giảm gây áp lực cho nền kinh tế nhưng Moscow vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi những tính toán chiến lược của mình. Ông Grigory Karasin, đại diện của Nga trong các cuộc đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump đã công khai khẳng định, các cuộc đàm phán ngừng bắn sẽ diễn ra từ từ trong suốt năm nay.
Một số nhà quan sát cho rằng, lẽ ra Mỹ nên điều chỉnh những tính toán của Tổng thống Putin nhằm thúc đẩy ông tham gia vào các cuộc đàm phán thực chất thông qua việc tăng cường hỗ trợ an ninh cho Ukraine và siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Tuy nhiên, hiện nay chính quyền ông Trump vẫn chưa thực hiện bất kỳ động thái nào trong số đó. Thậm chí theo một số nhà phân tích, Nhà Trắng đang làm điều ngược lại khi gây áp lực lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và đưa ra những nhượng bộ đơn phương với Moscow.
Châu Âu có đủ khả năng bù đắp khoảng trống của Mỹ?
Trong bối cảnh thiếu vắng vai trò lãnh đạo từ phía Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu đã chủ động hơn trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine những tháng gần đây. Các cuộc thảo luận của châu Âu về lực lượng đảm bảo hậu xung đột là cần thiết song cuộc giao tranh thực sự vẫn đang tiếp diễn và điều cấp bách là phải có kế hoạch ứng phó với việc nguồn viện trợ từ Mỹ sẽ không kéo dài.
Hai câu hỏi then chốt đang đặt ra với các nước châu Âu là: Làm thế nào Ukraine có thể duy trì khả năng chiến đấu bằng sự kết hợp giữa năng lực sản xuất vũ khí trong nước, hỗ trợ an ninh từ châu Âu và chia sẻ thông tin tình báo từ Mỹ? Đâu là con đường khả thi nhất để tiếp tục hỗ trợ cho Kiev?
Giới quan sát cho rằng, trước hết, các quốc gia châu Âu cần chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn trong việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. Nhiều chính phủ châu Âu vẫn duy trì kho đạn pháo, tên lửa và hệ thống phòng không đáng kể và một phần lớn trong số này nên được chuyển giao cho Ukraine. Song song với đó, các nước châu Âu cần tăng chi tiêu quốc phòng để bù đắp cho nguồn dự trữ bị hao hụt trong dài hạn.
Thứ hai, châu Âu nên tập trung nhiều nguồn lực hơn vào nền công nghiệp quốc phòng đang phát triển nhanh chóng của Ukraine. Kiev hiện đang sản xuất các loại UAV, đạn dược và hệ thống phòng không tiên tiến, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu, dù chưa thể thay thế hoàn toàn sự phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ an ninh từ bên ngoài. Đây là thời điểm quan trọng để tài trợ cho năng lực tự sản xuất vũ khí trong nước của Ukraine, vốn đang đóng vai trò then chốt trong việc cản phá các cuộc tấn công của Nga dọc tiền tuyến.
Thứ ba, Anh và Pháp - hai quốc gia đi đầu trong việc hỗ trợ Ukraine cần chủ động thúc đẩy một thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Trump nhằm đảm bảo nguồn cung tên lửa phòng không bổ sung cho Kiev. Dưới thời ông Biden, Mỹ đã ưu tiên chuyển hướng xuất khẩu các hệ thống phòng không để chúng có thể tới Ukraine trước. Theo giới quan sát, một liên minh do Pháp và Anh dẫn đầu nên nỗ lực đàm phán với Nhà Trắng để tiếp tục chính sách này, với điều kiện các nước châu Âu sẽ chịu toàn bộ chi phí.
Theo cơ chế đề xuất, các nước châu Âu tham gia sẽ mua các tên lửa AMRAAM và Patriot từ các dây chuyền sản xuất của Mỹ để viện trợ cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ ưu tiên các đơn hàng này do tính cấp bách trong các yêu cầu phòng không hiện tại của Kiev. Dù Tổng thống Trump có thể từ chối đề nghị trên nhưng với việc đưa ra đề xuất không gây tổn thất gì và nếu thành công, sáng kiến này có thể mở rộng sang các hạng mục vũ khí khác mà Ukraine đang cần từ Mỹ.
Thứ tư, các quốc gia châu Âu ủng hộ Ukraine sẽ cần đưa ra quyết định về phương thức tài chính để thực hiện các cam kết trên. Một lựa chọn là tăng chi tiêu từ ngân sách của mình. Tuy nhiên, theo một số ý kiến, lựa chọn bền vững hơn là tiến hành tịch thu 300 tỷ USD tài sản nhà nước Nga hiện đang bị phong tỏa tại các quốc gia châu Âu. Số tài sản này có thể được sử dụng để tài trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, mua vũ khí từ Mỹ và các nước khác, đồng thời hỗ trợ nền kinh tế Ukraine trong nhiều năm tới.
Nhiều chuyên gia pháp lý và chính sách đã đưa ra lập luận xác đáng nhằm bảo vệ tính hợp pháp của việc tịch thu và đề xuất các biện pháp giảm thiểu rủi ro đối với kinh tế châu Âu. Họ cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cái giá của việc không hành động sẽ lớn hơn nhiều so với những rủi ro có thể kiểm soát được từ việc thu giữ tài sản.
Xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc trong khi viện trợ quân sự từ Mỹ đang dần khép lại. Trước tình hình đó, giới quan sát nhận định, để thay thế khoảng trống của Washington, châu Âu cần nhanh chóng triển khai các bước đi chiến lược nhằm giúp Ukraine trụ vững trước cơn bão đang tới gần.