Vàng liên tục đảo chiều
Giá vàng liên tiếp lên xuống một cách bất thường. Tuy nhiên, trong một tuần qua, dù có lúc hạ nhưng giá vẫn neo quanh mức 116-118 triệu đồng/lượng. Vàng vẫn đang hút sự quan tâm của giới đầu tư và người dân.

Giá vàng liên tục đảo chiều những ngày qua. Ảnh: Quang Vinh.
Nỗ lực ổn định thị trường
Trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới dự báo về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất vào tháng 9 giúp gia tăng sức hấp dẫn của vàng bởi vàng. Theo ông Peter Grant - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận chiến lược kim loại tại quỹ Zaner Metals: Số liệu kinh tế mới nhất tạo dư địa cho FED hạ lãi suất, vì vậy xuất hiện những tín hiệu về khả năng giá vàng tăng trên thị trường. Diễn biến địa chính trị mới nhất cũng tác động đến giá vàng thế giới.
Theo giới chuyên gia, nhà đầu tư hiện vẫn giữ tâm lý thận trọng khi căng thẳng địa chính trị toàn cầu tiếp diễn. Tuy nhiên, bà Suki Cooper – chuyên gia phân tích kim loại quý tại Standard Chartered Bank vẫn giữ quan điểm: Ngoài những yếu tố ngắn hạn gây áp lực, triển vọng tăng của vàng vẫn được duy trì nhờ nhu cầu mua vàng từ ngân hàng trung ương, dòng vốn vào các quỹ ETP và sức mua vững chắc từ Trung Quốc.
Nhìn lại giá vàng thế giới thời gian qua cho thấy giá vàng đã đạt mức cao kỷ lục 3.500 USD/ounce trong tháng 4/2025. Tuy nhiên, khi thương chiến toàn cầu hạ nhiệt cũng đã khiến giá vàng đi lùi, xuống sát 3.200 USD/ounce. Giá vàng quốc tế giảm, kéo theo giá vàng SJC xuống còn về vùng 116 - 118 triệu đồng/lượng (mua-bán). Quy đổi theo tỷ giá, hiện mỗi lượng vàng miếng SJC cao hơn thế giới gần 17 triệu đồng.
Cụ thể với giá vàng miếng hầu hết các thương hiệu niêm yết ở mức 115,5 – 118,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tại các thương hiệu lớn niêm yết quanh 111 - 114 triệu đồng/lượng.
Giới chuyên gia cho rằng, giá vàng trong nước tăng như vũ bão thời gian qua do giá vàng thế giới tăng nóng nhưng một phần do tâm lý fomo (sợ bị bỏ lỡ) đẩy giá vàng trong nước tăng cao và chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương ban hành Kết luận thanh tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh vàng theo Quyết định thanh tra số 324/QĐ-TTGSNH2 ngày 17/5/2024 của NHNN; chủ động xử lý và báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 5/2025.
NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thành việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, bổ sung, củng cố các quy định nhằm tăng cường hiệu quả của các công cụ quản lý nhà nước, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; báo cáo Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 6/2025.
Cùng với đó, tại Dự thảo lần thứ 3 Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng vừa được NHNN vừa công bố cũng đã đề cập rất nhiều tới vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng.
Dự thảo nêu, nếu sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.
NHNN cũng nêu rõ những hành vi vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng. Cụ thể, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng khi không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ tại địa điểm giao dịch theo quy định của pháp luật. Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ mà không công bố tiêu chuẩn áp dụng, không ghi nhãn hàng hóa theo quy định…
Nên mua hay bán vàng lúc này?
Theo NHNN, vàng tiêu thụ trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu. Do đó, giá vàng trong nước phụ thuộc vào diễn biến giá vàng thế giới.
Trong số nhiều yếu tố tác động, tâm lý trú ẩn an toàn tiếp tục là lực đẩy chính.
Những ngày gần đây, giá vàng liên tục đảo chiều, nhiều nhà đầu tư và người dân băn khoăn nên mua vào hay bán ra? Về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, người dân và nhà đầu tư cần tuân theo kỷ luật về tài chính. Theo đó, trước hết phải đưa ra được kế hoạch lợi nhuận của mình sau khi đầu tư vàng là bao nhiêu %: 20%, 30% hay 40%... Tính từ thời điểm mua đến thời điểm bán, nếu đạt được mức lợi nhuận mong muốn đặt ra thì nên bán ra. Với những người đang có ý định đầu tư vào vàng thì cũng cần có mục tiêu lợi nhuận trước khi đưa ra quyết định xuống tiền.
Nếu chỉ theo tâm lý đám đông, khi vàng xuống giá mà vội vàng bán ra hoặc mua vào vì sợ để lỡ cơ hội thì có thể sẽ gặp rủi ro. Vì vậy, cần có chiến lược cho riêng mình chứ không nên chạy theo thị trường.
Còn theo ông Đinh Nho Bảng - Chủ tịch Hiệp hội Vàng Việt Nam, việc tích trữ vàng đã trở thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức của người Việt. Nhu cầu về vàng vẫn rất lớn, thời điểm này, người dân và nhà đầu tư nên đặt một mục tiêu lợi nhuận nhất định vào khoảng 30%. Trong trường hợp nắm giữ vàng tới mức lợi nhuận nào đó là có thể nghĩ tới việc chốt lời. Người dân cũng đừng quá lo lắng khi thấy giá vàng biến động, điều quan trọng là cần có chiến lược và mục tiêu lợi nhuận.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh đưa ra khuyến nghị, nguyên tắc đầu tư quan trọng nhất là đa dạng hóa thông minh. Vàng không nên chiếm tỷ trọng quá lớn trong danh mục đầu tư vì vàng không tạo ra dòng tiền như cổ phiếu hay bất động sản.