Văn Yên chuyển đổi số vì hạnh phúc của người dân

Với phương châm chuyển đổi số (CĐS) toàn diện, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, sau 3 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ CĐS, huyện Văn Yên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành điểm sáng trong thực hiện CĐS của tỉnh Yên Bái, góp phần mang lại cuộc sống tiện ích, tốt đẹp hơn cho người dân vùng cao nơi đây.

Người dân xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên cài đặt các ứng dụng thanh toán điện tử trên điện thoại thông minh.

Người dân xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên cài đặt các ứng dụng thanh toán điện tử trên điện thoại thông minh.

Phong Dụ Thượng là xã vùng cao của huyện Văn Yên với gần 90% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Việc thực hiện CĐS là thách thức không nhỏ đối với địa phương. Chủ tịch UBND xã Lương Văn Thu cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền các lợi ích của việc CĐS đến với người dân, thông qua nhiều hình thức như họp thôn, thông qua hệ thống loa truyền thanh; tổ chức tập huấn cho các tổ CĐS thôn, bản; hỗ trợ người dân cài đặt và hướng dẫn sử dụng các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy phát triển hạ tầng số rộng khắp, hiện đại, phổ cập tới người dân...

Đặc biệt vừa qua, xã đã tổ chức chiến dịch "Phổ cập các nền tảng, công nghệ số thiết yếu đến người dân”. Theo đó, các đơn vị ngân hàng, điện lực, doanh nghiệp viễn thông, các đơn vị trường học trên địa bàn đã phối hợp, đồng hành với chính quyền địa phương để hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VNEID, chữ ký số, tài khoản ngân hàng, ví điện tử, sổ sức khỏe điện tử… Đây là những tiện ích hết sức thiết thực, gần gũi với đời sống, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Được tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt và sử dụng các dịch vụ số, ông Mai Văn Sung ở thôn Làng Than, xã Phong Dụ Thượng đã cài đặt, đăng ký tài khoản ngân hàng, hướng dẫn thực hiện đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. "Được hỗ trợ cài đặt các ứng dụng trên điện thoại thông minh tôi thấy rất tiện tích. Việc tham gia CĐS chắc chắn sẽ giúp người dân chúng tôi tìm hiểu được các thông tin về kỹ thuật trồng trọt, quảng bá hình ảnh đẹp của quê hương tới đông đảo bạn bè để phát triển du lịch, phát triển kinh tế” - ông Sung cho biết.

Thời gian qua, huyện Văn Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS trong các tầng lớp nhân dân thông qua việc triển khai đa dạng các hình thức như ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, mạng xã hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền; tổ chức tuyên truyền theo chuỗi sự kiện; tuyên truyền thông qua các hội nghị, cuộc thi… Các hoạt động tuyên truyền đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, kiến thức CĐS, kỹ năng công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức và đông đảo nhân dân.

Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện đã có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả; tiêu biểu nổi bật là triển khai hiệu quả các mô hình CĐS đặc trưng của địa phương như: "Tổ CĐS cộng đồng cấp xã, cấp thôn”, chiến dịch "Phát triển công dân số từ khu phố đến bản làng”, mô hình "5.000 cha mẹ học sinh thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình”, mô hình chợ "4.0”… mang lại kết quả quan trọng, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ CĐS.

Ông Lê Thành Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quyết tâm, quyết liệt, thường xuyên, liên tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CĐS, có đường hướng và xác định lộ trình CĐS rõ ràng, hiệu quả, khả thi cho từng năm và cả giai đoạn đến năm 2030. Với tinh thần chung "dễ làm trước, khó làm sau”, huyện đã từng bước xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao nhận thức tuyên truyền về CĐS; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng phục vụ triển khai các ứng dụng CĐS gắn với cải cách hành chính, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, hướng tới xã hội số an toàn”.

Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, đến nay, CĐS đã góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, tổ chức; mỗi người dân đang dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình CĐS với các hoạt động phát triển mạnh như: giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ điện, nước, mua sắm trực tuyến, nộp học phí tại các trường học, thanh toán phí và lệ phí các thủ tục hành chính, thanh toán hóa đơn điện tử...

Đến nay, 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện được đưa lên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội. Các hoạt động mua bán qua môi trường mạng phát triển mạnh, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử và qua môi trường mạng chiếm 50% trong tổng mức bán lẻ.

Đến nay, huyện Văn Yên đã thu nhận 101.274 hồ sơ tài khoản định danh mức độ 2, đã kích hoạt định danh điện tử cho 78.958 người; cài đặt ứng dụng Công dân số (YenBai-S) cho trên 56.000 người; 25/25 xã, thị trấn được lắp đặt camera an ninh; 164/172 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố có lắp đặt và cung cấp wifi miễn phí…

100% doanh nghiệp trên địa bàn huyện Văn Yên sử dụng hóa đơn điện tử, chữ ký số, đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế điện tử; 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, các nhà hàng, khách sạn đều sử dụng nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt, đều sử dụng quét mã QR-code của các ngân hàng để thanh toán điện tử; tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng nền tảng thanh toán điện tử đạt 87%; 94,2% số nhà văn hóa thôn, tổ dân phố có wifi kết nối Internet…

Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Thành Hùng cho biết thêm: "Chúng tôi đang tích cực nghiên cứu tham mưu, đề xuất đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hạ tầng, hoàn thiện hệ thống thông tin tại địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ CĐS, đặc biệt là hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin đối với các xã vùng sâu, vùng xa”.

Có thể khẳng định, những kết quả bước đầu đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số huyện Văn Yên. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng tiếp tục triển khai các giải pháp xây dựng, thúc đẩy hành trình CĐS về đích sớm, góp phần phát triển nhanh, bền vững.

Thu Trang

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/266/345953/van-yen-chuyen-doi-so-vi-hanh-phuc-cua-nguoi-dan.aspx
Zalo