Văn Từ Thượng Phúc - Điểm đến của văn hóa, lịch sử

Văn Từ Thượng Phúc - một địa chỉ lịch sử của huyện Thường Tín, nơi kết tinh cho những giá trị truyền thống hiếu học, biểu trưng cho mảnh đất danh hương, khoa bảng Thượng Phúc xưa và Thường Tín ngày này. Nối tiếp dòng chảy văn hóa, Văn Từ Thượng Phúc được huyện Thường Tín đầu tư cải tạo, xây dựng, nơi đây trở thành điểm đến về văn hóa, lịch sử của người dân Thủ đô và cả nước.

Biểu tượng của truyền thống hiếu học

Theo sách “Các nhà khoa bảng, trí thức, nghệ nhân tiêu biểu huyện Thường Tín giai đoạn 1075-2015”, mảnh đất này có 68 nhà khoa bảng được vinh danh. Xưa kia, Văn Từ Thượng Phúc là nơi thờ các bậc hiền tài, khoa bảng của “đất trăm nghề” phía Nam Kinh thành Thăng Long.

Ông Nguyễn Viết Thắng - người trông coi Văn Từ Thượng Phúc hiện nay cho biết: "Văn Từ Thượng Phúc là nơi thờ phụng và tôn vinh các bậc tiên hiền, các nhà khoa bảng của huyện Thượng Phúc xưa (nay là huyện Thường Tín). Trước kia, Văn Từ ở xã An Duyên (nay là thôn An Duyên, xã Tô Hiệu). Hệ thống văn bia còn lại ở Văn Từ Thượng Phúc, cùng thác bản văn bia từ 8196 đến 8199 của Viện Viễn đông Bác Cổ, Viện Hán nôm, Viện Hàn lâm khoa học xã hội xác định, Văn Từ Thượng Phúc do Tiến sĩ Dương Công Độ (Quý Hợi Khoa, đệ Tam Giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, Phụng Sai Thanh Hoa xứ, Đốc Đồng Quan, người Nhị Khê) xây dựng tại xã An Duyên, tổng Tín An vào năm Chính Hòa thứ 16 (1695).

Văn Từ Thượng Phúc ở xã Văn Bình, huyện Thường Tín nhìn từ ngoài vào. Ảnh: Đỗ Phong

Văn Từ Thượng Phúc ở xã Văn Bình, huyện Thường Tín nhìn từ ngoài vào. Ảnh: Đỗ Phong

Trải qua nhiều năm, với những biến cố lịch sử, Văn Từ Thượng Phúc cũng xuống cấp. Nhận thấy những giá trị văn hóa, lịch sử, năm 1755, ông Nguyễn Quân, Tri huyện Phúc Xuyên đã tu sửa lại. Sau đó ông Đinh Quân, Giáo thụ phủ Lý Nhân xây dựng tòa Tiền đường. Tiếp đến Tri huyện Hoài An cũng về tu sửa Văn Từ Thượng Phúc thêm uy nghi. Nhưng khuôn viên Văn Từ lúc đó hẹp, vùng đất thấp, cuối mùa thu hay xảy ra lụt lội, nên việc tế lễ thường không đúng được ngày. Năm Tân Mùi, niên hiệu Tự Đức, tường Văn Từ bị nước lũ cuốn trôi.

Đến năm 1812, văn bia, đồ thờ của Văn Từ được chuyển về thôn Văn Hội, xã Văn Gáp, huyện Thượng Phúc (nay là thôn Văn Hội, xã Văn Bình). Thái Thú Cao Hữu Sung cùng với các vương môn, văn thân đứng lên xây dựng. Mùa đông năm Canh Tý khởi công, tròn một năm tu sửa xong. 60 năm sau, Văn Từ lại được trùng tu, 20 năm tiếp theo lại được tu sửa. Trải qua năm tháng thăng trầm, Văn Từ Thượng Phúc chỉ được xem là Văn Chỉ của thôn Văn Hội, nên ít được quan tâm, dần dần bị thu hẹp, hư hại không đáp ứng và xứng tầm là nơi tôn vinh giáo dục, truyền thống hiếu học của huyện.

Theo Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, không phải ngẫu nhiên mà Văn Từ Thượng Phúc có được cái tên như vậy, qua hàng trăm năm lịch sử, hun đúc từ những anh hùng, những nhà khoa bảng, Văn Từ được xây dựng, trùng tu đến nay như một minh chứng của văn hóa và lịch sử. Với những ý nghĩa đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Tín khóa XXIII đã ban hành Nghị quyết xã hội hóa “Đầu tư xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc”. Công trình chính thức được khởi công xây dựng vào ngày 9 tháng Giêng năm 2019. Văn Từ Thượng Phúc được xây dựng mới với tổng diện tích hơn 3.500m2. Công trình có kiến trúc hình chữ Công, gồm có khu vực tiền tế, thiêu hương, hậu cung, tả vu - hữu vu, nhà bia, đồng trụ và các công trình phụ trợ.

Điểm đến hấp dẫn

Sau 2 năm triển khai xây dựng, Văn Từ Thượng Phúc được hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2022. Từ đó, Văn Từ Thượng Phúc trở thành điểm đến trong hành trình du lịch văn hóa, lịch sử của người dân Thường Tín nói riêng, của Thủ đô và cả nước nói chung.

Trong Văn Từ Thượng Phúc hiện còn lưu giữ văn bia khắc tên các nhà khoa bảng của huyện Thường Tín xưa, trong đó có Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Thái học sinh Nguyễn Phi Khanh, Đệ nhị giáp khoa Tiến sĩ Lý Tử Tấn; các nhà khoa bảng: Dương Trực Nguyên, Trần Trọng Liêu, Ngô Hoan, Nguyễn Ý, Dương Công Độ, Ứng Ngạn Lượng, Vũ Đức Chinh, Nguyễn Trác, Doãn Hoành Tuấn, Dương Hạng, Doãn Mậu Khôi và cử nhân nho học, nhà yêu nước Lương Văn Can... Đây là những bậc hiền tài không chỉ của Thường Tín, Thủ đô Hà Nội, mà còn là của cả nước, đã ghi danh lịch sử và có những đóng góp to lớn về việc phát triển văn hóa, giáo dục trong các triều đại phong kiến tại Việt Nam.

Văn Từ Thượng Phúc đón nhiều đoàn đến dâng hương và tham quan. Ảnh: Đỗ Phong

Văn Từ Thượng Phúc đón nhiều đoàn đến dâng hương và tham quan. Ảnh: Đỗ Phong

Công trình Văn Từ Thượng Phúc cũng là dự án trọng điểm và là điểm sáng của Thường Tín trong việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trong những năm qua, Văn Từ Thượng Phúc đã trở thành điểm đến của văn hóa và lịch sử. Dịp đầu xuân hằng năm (ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch), huyện Thường Tín đều tổ chức Lễ hội khai bút tại đây. Vào mùa thi, nơi đây đón hàng nghìn lượt người về xin chữ, tham quan, du lịch, cùng với đó là những ước mơ kỳ vọng cho việc học tập thành công trong tương lai của các sĩ tử.

Vào mùa thi, nơi đây đón hàng nghìn lượt khách về xin chữ, tham quan, du lịch. Ảnh: Đỗ Phong

Vào mùa thi, nơi đây đón hàng nghìn lượt khách về xin chữ, tham quan, du lịch. Ảnh: Đỗ Phong

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, Lễ hội khai bút và tôn vinh làng nghề truyền thống hằng năm là nhằm khơi dậy niềm tự hào truyền thống hiếu học, khoa bảng của vùng đất trăm nghề; đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Đây cũng là dịp để tri ân các bậc tiền nhân có công truyền nghề; biểu dương, khen thưởng, khuyến khích, động viên, ghi nhận các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong gìn giữ, phát triển nghề, làng nghề truyền thống, khẳng định vai trò của làng nghề truyền thống với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương...

Đặc biệt, lễ hội được tổ chức ở Văn Từ Thượng Phúc như một lời gửi gắm tới thế hệ người Thường Tín, nhất là thế hệ trẻ noi gương học tập, kế tục, phát huy những tinh hoa của các bậc tiền nhân để lại cho hậu thế để xây dựng Thường Tín ngày càng giàu, đẹp, văn minh, vươn mình cùng dân tộc.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/van-tu-thuong-phuc-diem-den-cua-van-hoa-lich-su-700984.html
Zalo