Ngày Quốc tế lao động: Những người không có ngày nghỉ
Bên cạnh dòng người ở thành phố rộn ràng vui chơi dịp lễ đại lễ 30-4 và 1-5, vẫn có những người vẫn âm thầm làm việc không có ngày nghỉ.
Khi thành phố rộn ràng trong dịp lễ Quốc tế Lao động 1-5, nhiều người vẫn âm thầm làm việc giữa đêm khuya. Với họ, niềm vui đến từ sự cống hiến lặng thầm, góp phần gìn giữ nhịp sống bình yên cho đô thị.
Dưới ánh đèn vàng nhạt trên đường Nguyễn Văn Thương (quận Bình Thạnh) vào Ngày Quốc tế Lao động, chị Nguyễn Thị Ngọc Thủy (40 tuổi, ngụ Hóc Môn) lặng lẽ đẩy chiếc xe rác quen thuộc vừa thu dọn trên đường.
Suốt 15 năm gắn bó với nghề vệ sinh môi trường, chị chưa từng nghỉ làm trong dịp lễ.
Ngày lễ, khi nhiều người quây quần bên gia đình hoặc tận hưởng thời gian thư giãn, chị vẫn bắt đầu ca đêm từ 21 giờ, mang theo nụ cười rạng rỡ và tinh thần làm việc đầy trách nhiệm.

Chị Thủy tự hào khi thấy những con đường sáng sủa mỗi sớm mai.
“Tôi làm nghề này xuất phát từ trái tim, nhất là trong các ngày lễ lớn, tôi đi làm lại càng phấn khởi hơn. Cả nhà tôi cùng làm, cùng yêu nghề. Thấy đường sạch, lòng mình vui, thành phố đẹp là hạnh phúc” - chị Thúy nói.
Ca đêm của chị kéo dài 8 tiếng, đôi khi kết thúc sớm lúc 1-2 giờ sáng nếu rác ít. Ban ngày, chị bận rộn nấu cơm, đưa đón hai con – một bé lớp 12 chuẩn bị thi đại học, mơ làm nghề thể thao, một bé lớp 6 ríu rít bên mẹ. Chồng chị cũng gắn bó 18 năm với nghề, là người bạn đồng hành thầm lặng. Chị Thủy tự hào khi bản thân được góp phần cho ngày lễ thêm ý nghĩa.
“Có người cảm ơn tôi vì đường sạch, có người vội đi qua, nhưng với tôi, yêu nghề là đủ. Nhờ công việc này mà tôi có thể nuôi con ăn học, nên tôi biết ơn và không mong gì hơn. Tôi chỉ hy vọng người dân sẽ bỏ rác đúng chỗ, để những ca đêm thêm nhẹ nhàng” - chị Thủy trải lòng

Chị Thủy (bên phải) cùng chị Hà bắt đầu công việc từ 21 giờ mỗi tối.
Cùng tuyến đường với chị Thủy, chị Lộc Thị Hà (48 tuổi, ngụ Bình Thạnh) nhẹ nhàng quét từng chiếc lá rơi, chuẩn bị cho ca đêm quen thuộc.
Chị Hà cũng chưa từng nghỉ một ngày lễ.
Dù chưa từng chen chân vào các sự kiện lễ hội hay hòa mình trong dòng người rực rỡ trong ngày Quốc tế Lao động, chị Hà vẫn cảm nhận được không khí rộn ràng qua những con đường đông đúc hơn, những nụ cười thoáng qua của người đi phố.
“Đường phố vui hơn, đông hơn, mình quét dọn cũng thấy phấn khởi. Như thể mình góp một phần nhỏ cho ngày lễ thêm trọn vẹn. Nghề này không chỉ là công việc, mà là tình yêu với thành phố. Gia đình tôi thì con lớn rồi nên cũng đỡ lo” - chị Hà tâm sự.
Với 15 năm làm nghề quét rác đêm, ông Hiệp (55 tuổi, quê ở TP.HCM) lặng lẽ giữ cho thành phố sạch đẹp mỗi khi mọi người chìm vào giấc ngủ đặc biệt là vào dịp lễ 30-4 năm nay. Mỗi tối, từ 9 giờ đêm, chú bắt đầu ca làm, gom từng túi rác, dọn từng góc phố. Dịp lễ 30-4 này, dù là ngày đại lễ, chú vẫn không nghỉ mà đi làm phấn khởi hơn trong suốt hàng chục năm làm nghề.
“Tôi gắn bó với thành phố từ thuở lọt lòng, chứng kiến từng đổi thay của đô thị sôi động này. Ngày lễ cũng như ngày thường. Nhưng năm nay ngày lễ 30-4 rất đặc biệt. Tôi đi làm ngay ngày lễ, trong lúc dọn rác, tôi tranh thủ xem duyệt binh trên tivi mà thấy tự hào lắm. Đẹp và hào hùng!”.
Tôi chưa từng đi xem duyệt binh vì đông quá. Tôi quét đường ở quận Bình Thạnh, không có đoàn diễu binh đi qua. Nhưng nếu được quét rác trên tuyến đường các anh bộ đội đi qua, tôi rất là hạnh phúc” - ông Hiệp nói.

Ông Hiệp hạnh phúc nếu được quét rác trên tuyến đường các anh bộ đội đi qua.
Vợ ông Hiệp cũng là công nhân vệ sinh, làm bên đường Phạm Văn Đồng. Với ông, công việc quét rác là công việc góp phần làm đẹp cho thành phố.
Ngày Quốc tế lao động là ngày hội lớn của toàn dân
Sau khi đất nước giành được độc lập, ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 22c, quy định ngày 1-5 là một trong những ngày lễ chính thức của cả nước. Ngày 29-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục ký Sắc lệnh 56, quy định công nhân được nghỉ lễ 1-5 và hưởng nguyên lương.
Ngày 1-5-1946, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, lễ mít-tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động được tổ chức trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 20 vạn nhân dân lao động. Từ đây, Ngày Quốc tế lao động không chỉ là biểu tượng của tinh thần đoàn kết đấu tranh chống áp bức, mà còn trở thành ngày hội lớn của toàn dân.