Vận tải biển có thể bị áp thuế carbon 100 đô la/tấn

Các nước thành viên của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) thuộc Liên hợp quốc (LHQ) nhất trí đề xuất đánh thuế đối với các hãng vận tải biển tối thiểu ở mức 100 đô la Mỹ cho mỗi tấn khí carbon vượt trên các ngưỡng nhất định.

Mức thuế này sẽ có hiệu lực vào năm 2028 nếu nhận được ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ tại cuộc họp tiếp theo của IMO vào tháng Mười tới.

Theo đề xuất của IMO, các tàu thương mại hoạt động trên các tuyến hàng hải quốc tế có dung tích 5.000 tấn trở lên sẽ bị tính thuế tối thiểu 100 đô la Mỹ cho mỗi tấn khí thải cabon vượt trên các ngưỡng nhất định. Ảnh: kuehne-nagel.com

Theo đề xuất của IMO, các tàu thương mại hoạt động trên các tuyến hàng hải quốc tế có dung tích 5.000 tấn trở lên sẽ bị tính thuế tối thiểu 100 đô la Mỹ cho mỗi tấn khí thải cabon vượt trên các ngưỡng nhất định. Ảnh: kuehne-nagel.com

Đa số các nước thành viên IMO tán thành đề xuất nói trên tại phiên họp bế mạc của Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) thuộc IMO ở London (Anh) hôm 11-4.

63 nước gồm các nước Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Ấn Độ ủng hộ đề xuất còn 16 nước phản đối và 24 nước bỏ phiếu trắng. Các nước phản đối phần lớn là những cường quốc dầu mỏ, gồm các nước Trung Đông, Nga và Venezuela.

Đề xuất của IMO thiết lập cơ chế định giá carbon đối với vận tải biển theo hai mức độ tuân thủ mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính (GFI).

Đề xuất nêu rõ, đến năm 2028, các tàu thương mại hoạt động trên các tuyến hàng hải quốc tế có dung tích 5.000 tấn trở lên phải đạt mục tiêu cơ bản là giảm GFI xuống 4% so với GFI trung bình của ngành trong năm 2008.

Mục tiêu cơ bản này dần nâng lên 30% vào năm 2035. IMO cũng đặt ra “mục tiêu tuân thủ trực tiếp”, yêu cầu các tàu giảm GFI 17% vào năm 2028 và mục tiêu này sẽ dần tăng lên 43% vào năm 2035.

Đối với các tàu không đạt mục tiêu cơ bản về GFI, thuế đối với lượng khí thải vượt mức là 380 đô la Mỹ cho mỗi tấn khí carbon tương đương (tCO2e).

Đối với các tàu tuân thủ mục tiêu cơ bản nhưng vẫn có mức phát thải cao, chưa đạt mục tiêu tuân thủ trực tiếp, thuế đối với lượng khí thải vượt mức được thiết lập ở mức 100 đô la/tCO2e.

Các tàu vượt quá mục tiêu tuân thủ trực tiếp sẽ được IMO phân phối tín chỉ carbon, có thể chuyển nhượng hoặc tự nguyện hủy bỏ. Các tàu không đạt các mục tiêu GFI sẽ nộp thuế carbon hoặc mua tín chỉ carbon từ các tàu khác.

Tiền thuế carbon sẽ được chuyển vào quỹ “Net-Zero” của IMO, có thể được sử dụng để hỗ trợ phát triển các loại nhiên liệu hàng hải xanh hơn cũng như tài trợ nỗ lực thích ứng khí hậu ở các nước đang phát triển.

Tổng thư ký IMO, Arsenio Dominguez ước tính, doanh thu thuế carbon từ ngành vận tải biển toàn cầu sẽ đạt khoảng 11-13 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Đề xuất trên là sự thỏa hiệp để dàn xếp bất đồng giữa hai nhóm nước. Trước đó, một nhóm hơn 60 nước thúc đẩy việc áp dụng mức thuế đơn giản tính theo tấn khí thải carbon của các con tàu. Một nhóm 15 nước có đội tàu biển lớn hoặc ngành công nghiệp mỏ lớn, đáng chú ý là Trung Quốc, Brazil, Saudi Arabia và Nam Phi muốn thiết lập mô hình giao dịch tín chỉ carbon thay vì mức thuế carbon cố định.

Một số quốc đảo Thái Bình Dương thất vọng về sự thỏa hiệp này vì muốn IMO áp thuế carbon nghiêm ngặt với vận tải biển để tạo ra doanh thu lên đến 60 tỉ đô la mỗi năm.

Các đại biểu tham dự một phiên họp của Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) thuộc IMO ở London (Anh) trong tuần qua. Ảnh: edie.net

Các đại biểu tham dự một phiên họp của Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) thuộc IMO ở London (Anh) trong tuần qua. Ảnh: edie.net

Đề xuất của IMO sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong cuộc họp tiếp theo của MEPC vào tháng Mười tới. Nếu nhận được ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ, đề xuất sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2028.

Mỹ không tham gia cuộc họp của MEPC trong tuần qua ở London và đe dọa sẽ trả đũa nếu các đội tàu thương mại của nước này bị thu thuế carbon theo đề xuất của IMO.

Tuy nhiên, đội tàu thương mại treo cờ Mỹ có dung tích 5.000 tấn trở lên chỉ chiếm 0,57% đội tàu thương mại trên toàn cầu. Vì vậy, trong trường hợp Mỹ không thực hiện đề xuất của IMO, doanh thu thuế carbon vận tải biển sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể.

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), ngành vận tải biển vận chuyển khoảng 80 % khối lượng thương mại quốc tế và gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, thải ra khoảng 3 % tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu.

IMO đã đặt mục tiêu đưa mức phát thải khí nhà kính ròng của ngành vận tải biển về zero (Net-Zero) vào năm 2050.

Công ty tư vấn hàng hải UMAS ước tính, đề xuất thuế carbon nói trên của IMO có thể giúp ngành giảm 8% lượng khí thải vào năm 2030. Con số này vẫn chưa đạt được mục tiêu mà IMO đã thống nhất cách đây hai năm là cắt giảm 20% lượng khí thải vào cuối thập niên này.

Theo Financial Times, Argus Media, safety4sea.com, Guardian

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/van-tai-bien-co-the-bi-ap-thue-carbon-100-do-la-tan/
Zalo