Vẫn 'nóng' việc cung cấp đá cho các công trình trọng điểm
Mặc dù sản lượng có, năng lực khai thác và chế biến có, nhu cầu lại rất nhiều, nhưng việc khai thác đá cho các công trình trọng điểm quốc gia lại gặp nhiều khó khăn. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.

Chế biến đá xây dựng tại mỏ đá Tân Cang 7 và Tân Cang 9, thành phố Biên Hòa. Ảnh:H.Lộc
Cho phép vừa hoàn thiện thủ tục pháp lý, vừa khai thác đá là giải pháp để có đủ nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án.
Giảm đến 70% công suất khai thác
Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 mỏ đá xây dựng với công suất khai thác trung bình 22 triệu m3/năm. Tuy nhiên, do gặp vướng mắc thủ tục về đất đai, đầu tư, giấy phép nên nhiều mỏ phải giảm công suất khai thác, thậm chí tạm dừng hoạt động. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm và công trình dân dụng.
Ông Lê Đức Phát, Giám đốc mỏ đá Tân Cang 7 và Tân Cang 9 (thành phố Biên Hòa), cho biết hiện 2 mỏ đá này chỉ hoạt động 30% công suất được cấp phép dẫn đến thiếu hụt sản lượng cho các công trình trọng điểm. “Máy móc, phương tiện, nhân lực… chúng tôi có đủ nhưng bị hạn chế công suất khai thác do chưa tháo gỡ được thủ tục pháp lý về đất đai, đầu tư” - ông Phát chia sẻ.
Theo Sở Nông nghiệp và môi trường, do chưa hoàn thành thủ tục đất đai để được thuê đất nên năng lực sản xuất thực tế của nhiều mỏ đá bị giảm (đặc biệt là 10 mỏ đá cụm Tân Cang), công suất khai thác thực tế còn 1,89 triệu m3/10 tháng, trong khi nhu cầu là 6,4 triệu m3/10 tháng.
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) An Phát, cho biết về mỏ Tân Cang 7, HTX đã làm các thủ tục về đất đai đối với phần diện tích mua lại của người dân nhưng chưa xong; việc bổ sung nội dung khai thác khoáng sản đi kèm (đất san lấp phục vụ công trình trọng điểm) vào giấy khai thác hiện chưa có hướng dẫn của cơ quan chức năng. Đối với mỏ đá Tân Cang 9, ngoài 2 vướng mắc trên, còn có thêm vướng mắc là HTX nhận chuyển nhượng mỏ từ chủ đầu tư khác, đến nay thủ tục chấm dứt hoạt động của chủ đầu tư cũ để cấp chủ trương mới cho HTX chưa xong.
Mỏ đá Tân Cang 1 (thành phố Biên Hòa) cũng trong tình trạng tương tự. Ông Phạm Thái Hợp, Phó giám đốc Công ty CP Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (BBCC), cho hay mỏ đá chưa thực hiện nâng công suất thêm 50% theo cơ chế đặc thù để cung cấp vật liệu cho Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vì đang vướng thủ tục về giấy phép, đất đai.
Cụ thể về giấy phép, mỏ đá Tân Cang 1 chưa được cấp phép khai thác đất và phong hóa ở tầng phủ để cung cấp vật liệu san lấp cho dự án trọng điểm. UBND tỉnh đã cho phép khai thác khoáng sản ở phần giáp ranh giữa mỏ Tân Cang 1 và Tân Cang 6 nhưng thủ tục cấp phép chưa thực hiện được do chưa rõ quy định diện tích đó có phải đấu giá hay không.
Về đất đai, mỏ đá Tân Cang 1 đã hoàn thành việc thỏa thuận chuyển nhượng đất từ các hộ dân nhiều năm nay, công ty kiến nghị UBND tỉnh có văn bản chấp thuận nhận chuyển nhượng mà không phải xác minh lại nguồn gốc thửa đất, quá trình cho, tặng, thừa kế của các hộ dân nhưng chưa được. Một phần diện tích đất công ty đã bồi thường nhưng chưa được thuê đất khai thác do đất hết thời hạn sử dụng, chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa sang tên…
Cho phép vừa khai thác, vừa hoàn thiện pháp lý
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc HTX Sản xuất thương mại và dịch vụ Bình Thạnh (chủ mỏ đá Thiện Tân 3, huyện Vĩnh Cửu), cho rằng thời điểm này là mùa khô, các công trình xây dựng lớn nhỏ đều vào cao điểm thi công nên nhu cầu đá rất lớn. Thế nhưng, nhiều mỏ phải giảm công suất khai thác do chưa đầy đủ thủ tục pháp lý, dẫn đến mất cân đối cung - cầu. Ông Dũng cho biết, giải pháp lúc này là cho phép các doanh nghiệp vừa khai thác theo công suất được cấp, vừa hoàn thiện thủ tục pháp lý. Như vậy, mới đảm bảo đủ đá xây dựng cho các công trình trọng điểm và dân dụng, giảm tình trạng khan hiếm nguồn cung dẫn đến đội giá.

Thi công Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - công trình trọng điểm quốc gia có kế hoạch hoàn thành cuối năm nay. Ảnh: HOÀNG LỘC
Tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và môi trường vào ngày 3-4-2025, Giám đốc Sở Nông nghiệp và môi trường Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị cho phép các doanh nghiệp vừa khai thác, vừa hoàn thiện thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường, thời gian từ nay đến hết năm 2025. Trường hợp hết thời gian trên mà doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thiện đầy đủ pháp lý thì cơ quan chức năng xem xét chấm dứt hoạt động dự án.
Đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho hay, thời gian qua, UBND tỉnh đã rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn về đá xây dựng cho Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tỉnh đã phân khai đá xây dựng đến từng mỏ để các nhà thầu thi công chủ động liên hệ ký hợp đồng. Tuy nhiên, do vướng pháp lý nên các mỏ chỉ cung cấp được khoảng 50% khối lượng. Chẳng hạn trong tháng 2-2025, các nhà thầu cần 543 ngàn m3 nhưng chỉ đưa về công trường được 284 ngàn m3; tháng 3-2025, các nhà thầu cần 767 ngàn m3 thì đưa về công trường được khoảng 350 ngàn m3.
Trong các tháng 4, 5, 6, ngoài sản lượng thiếu hụt từ các tháng trước, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần thêm khoảng 1,85 triệu m3 đá. Do đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng tập trung giải quyết các vướng mắc pháp lý để mỏ đá hoạt động đúng công suất và nâng công suất thêm 50% khi dự án này được đưa vào danh mục dự án đặc thù (dự kiến trong tháng 5-2025). Việc đảm bảo khối lượng nói trên có ý nghĩa quan trọng để dự án có thể hoàn thành vào cuối năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và môi trường Trần Quý Kiên khi làm việc với UBND tỉnh ngày 3-4 đã yêu cầu, các cơ quan trung ương và tỉnh tập trung giải quyết hết tồn tại để mỏ đá nâng công suất khai thác, đảm bảo nguồn cung cho các dự án trọng điểm. UBND tỉnh tiếp tục điều chỉnh kế hoạch phân khai đá cho phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt ưu tiên cho 2 dự án: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.