TP.HCM: 'Siêu đô thị' mới vùng Đông Nam bộ có 168 phường, xã và đặc khu

Sau khi sáp nhập, TP.HCM được đánh giá là 'siêu đô thị mới của vùng Đông Nam bộ'.

Ngày 17.4, đại diện sở Nội vụ TP.HCM cho biết, theo đề án sắp xếp, hợp nhất 3 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh gồm TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị mới sẽ có tên là TP.HCM với 168 ĐVHC trực thuộc, quy mô dân số hơn 13,7 triệu người. 168 ĐVHC trực thuộc này sẽ bao gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu.

Mỗi ĐVHC cấp phường, xã sẽ gồm 4 phòng chuyên môn và tương đương như đề án của trung ương, phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo (đặc khu), gồm: Văn phòng HĐND và UBND phòng kinh tế, phòng văn hóa xã hội và trung tâm phục vụ hành chính công.

Trung tâm chính trị - hành chính sẽ đặt tại TP.HCM và có cơ sở 1 và cơ sở 2 tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu để ổn định bộ máy thời kỳ đầu sắp xếp. Sau đó sẽ tiếp tục hoàn thiện các bước tiếp theo, như điều chỉnh các địa ranh, ranh giới của các đơn vị đang đề xuất mở rộng hay quyết định các đơn vị đang nằm trên các địa danh chồng lấn. Thí dụ khu vực Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ nằm trong sự quản lý của Thủ Đức hay Bình Dương.

Sau khi hợp nhất 3 tỉnh, thành, trung tâm chính trị - hành chính sẽ đặt tại TP.HCM và có cơ sở 1 và cơ sở 2 tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu để ổn định bộ máy thời kỳ đầu sắp xếp. Ảnh: Minh Hòa

Sau khi hợp nhất 3 tỉnh, thành, trung tâm chính trị - hành chính sẽ đặt tại TP.HCM và có cơ sở 1 và cơ sở 2 tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu để ổn định bộ máy thời kỳ đầu sắp xếp. Ảnh: Minh Hòa

Hiện vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến nhân dân của 3 tỉnh, thành phố kể trên về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, đề xuất các phương án về sử dụng tài sản công, bố trí trụ sở hành chính, bố trí nguồn nhân lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được Bộ Chính trị đặt ra. Các tên gọi của phường xã sẽ không trùng lắp. Sau khi sáp nhập, TP.HCM được đánh giá là “siêu đô thị mới của vùng Đông Nam bộ”.

Chỉ riêng TP.HCM sau khi sắp xếp (trước khi sáp nhập với hai tỉnh Bình Dường và Bà Rịa - Vũng Tàu) còn lại 102 phường, xã. Số lượng biên chế cần bố trí mỗi ĐVHC là 60 người. Như vậy với 102 ĐVHC sẽ cần là 6.120 người.

Dự kiến số lượng biên chế dôi dư sau sắp xếp là 5.453 người. Số người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư là 5.562 người.

Tổng cộng số người dôi dư do sắp xếp là 11.015 người.

Hiện tại, thành phố đã xây dựng các phương án hỗ trợ, chế độ, chính sách đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách, cụ thể: Giải quyết chế độ tinh giản biên chế theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 29/2023/ND-CP của Chính phủ; Hỗ trợ thêm một lần theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 50/2024/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố hay giới thiệu việc làm đối với người hoạt động không chuyên trách.

“Ưu tiên hàng đầu là tạo điều kiện và giảm thiểu tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức an tâm công tác, giữ lại nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục bồi dưỡng, tạo điều kiện phát huy năng lực”, ông Võ Ngọc Quốc Thuận giám đốc sở nội vụ TP.HCM cho hay.

Lan Chi

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tp-hcm-sieu-do-thi-moi-vung-dong-nam-bo-co-168-phuong-xa-va-dac-khu-47894.html
Zalo