Văn minh internet

Ít ngày trước, các cổ động viên bóng đá Indonesia đã 'tấn công' trang chủ của một câu lạc bộ bóng đá ở Hà Lan vì nghi ngờ đội bóng này viện cớ cầu thủ bị chấn thương để không cho họ tập trung cùng đội tuyển bóng đá xứ Vạn đảo chuẩn bị cho một trận đấu trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2026 - khu vực châu Á.

Ở trận đấu này, ngay trên sân nhà, đội tuyển Indonesia chịu thua Nhật Bản với tỉ số 0-4, nỗi bức xúc càng tăng và những lời nhiếc móc càng nặng nề.

Sự việc khiến nhiều người liên tưởng tới những gì đã diễn ra đối với một số trọng tài quốc tế trước và sau khi họ cầm còi ở những trận đấu có sự tham gia của đội tuyển Đức, Việt Nam, Indonesia, câu lạc bộ Chelsea, Arsenal, Liverpool... Điểm chung ở những vụ việc này là cổ động viên của đội bóng bị trọng tài xử lý tình huống gây bất lợi đã “lên đồng” một cách thiếu kiểm soát. Không ít người tìm vào trang cá nhân của trọng tài để rủa xả, có vị “vua” thậm chí đã phải “giải nghệ” ngay sau đó bởi không chịu được áp lực quá lớn. Những màn “rượt đuổi” trọng tài trên mạng xã hội thu hút rất nhiều người tham gia dù không phải ai cũng hiểu rõ về bản chất sự việc.

“Lên mạng” để tấn công cá nhân, tổ chức là hành động không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực thể thao, ở trong một quốc gia, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác, “xuyên biên giới”, từ chính trị, kinh tế đến ngoại giao, quân sự, văn hóa - nghệ thuật, giải trí... Chiến sự, những cuộc xung đột có vũ trang tại châu Âu, Trung Đông... mở ra “võ đài” tranh luận của các nhóm không cùng chính kiến và cơ hội trục lợi cho những kẻ dẫn dắt ở sau màn. Người hâm mộ của một nghệ sĩ, “sao” giải trí có thể so “tài” chửi rủa với nhóm có thần tượng là một tên tuổi khác. Có người chỉ vì đọc được bài phê phán ngôi sao bóng đá mà mình ưa thích mà lục tìm “tông tích” của tác giả và lôi hết chuyện riêng tư của họ lên mạng xã hội, hoặc dùng những từ thô thiển để “bút chiến” qua phần bình luận sau mỗi bài viết...

Có những vụ việc, cách thể hiện, cách ứng xử khiến người văn minh, ôn hòa cảm thấy choáng váng, rồi thôi. Nhưng có nhiều việc gây ra hệ lụy lớn hơn nhiều. Vòng xoáy cảm xúc qua mạng xã hội với những đám đông đủ thành phần, nghề nghiệp, trình độ được đẩy lên nhanh chóng, biến nhiều người tham gia thành con rối chịu sự dẫn dắt có chủ ý vào những cuộc tranh luận vô bổ không có hồi kết.

Phe nhóm hình thành, “luật rừng” hiển hiện tác động đến cảm xúc, hành vi của các cá nhân, thậm chí trở thành tác nhân gây bất ổn cho xã hội, tổ chức, gia đình, tạo ra sự thù hận, phân biệt vùng miền. Thói quen sử dụng mạng xã hội một cách tiêu cực dần cản trở sự phát triển lành mạnh về cảm xúc, chi phối hành động của người dùng trong đời thực. Nhóm người này có xu hướng tin vào tin giả, vô cảm trước những loại tin tức gây chia rẽ, kích động niềm tin mù quáng vào những điều tưởng đã rõ là phi lý…

Mạng xã hội tạo ra cơ hội mở rộng không gian giao tiếp cho con người, cung cấp thông tin nhanh nhạy nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy, trong đó, đáng kể nhất là sự bao vây của đủ loại tin giả và những lời bình luận mang tính kích động bạo lực, tục tĩu, vô cảm. Bởi vậy, như với mạng xã hội facebook, từ chỗ được coi là “ngôi nhà chung” để người người chia sẻ thông tin tích cực, tìm kiếm điều có ích thì giờ đây, nhiều người đã nghiêm túc tự hỏi rằng có nên dừng việc sử dụng mạng này.

Dừng hay tiếp tục sử dụng mạng xã hội, đó là quyền lựa chọn chính đáng của mỗi cá nhân. Chỉ có điều, cũng như con người ở ngoài đời thực, người dùng mạng xã hội bình thường cần có một môi trường mạng văn minh. Để có được điều đó, mỗi người trước hết hãy tránh xa những tài khoản cá nhân hoặc nhóm có xu hướng chia sẻ tin không thể kiểm chứng, thông tin đáng ngờ, mập mờ nhằm kích động cảm xúc số đông. Hãy nghiêm túc cân nhắc xem mạng xã hội có thể đem lại điều gì tốt đẹp cho cuộc sống, công việc, các mối quan hệ của bản thân hay không trước khi tiếp tục “dấn thân cùng internet”.

Vân Anh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/van-minh-internet-685511.html
Zalo