'Concert quốc gia' giữa trung tâm TP.HCM

Giữa cái nắng oi ả rồi bất ngờ là cơn mưa nặng hạt, hàng ngàn người dân vẫn nô nức đổ về khu vực trung tâm TP.HCM. Họ đến không phải để xem một đêm nhạc, không phải để gặp thần tượng showbiz – mà là để chứng kiến đêm sơ duyệt cấp Nhà nước diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025).

Hàng ngàn người dân đến xem buổi sơ duyệt diễu binh, diễu hành trong tâm trạng háo hức. Ảnh: TRẦN HUẤN

Hàng ngàn người dân đến xem buổi sơ duyệt diễu binh, diễu hành trong tâm trạng háo hức. Ảnh: TRẦN HUẤN

Tối 25.4, trung tâm TP.HCM như được “thức dậy” trong bầu không khí đặc biệt.

Không phải là đêm lễ hội giải trí, không phải countdown hay concert ca nhạc hoành tráng… nhưng người dân, du khách và đặc biệt là giới trẻ lại đổ về đông nghẹt như đi xem một buổi đại nhạc hội ngoài trời.

Một câu nói vui nhưng đầy xúc cảm đã được lan truyền nhanh chóng giữa dòng người: “Cảm giác như đi dự concert quốc gia!”.

Thật vậy, từ đầu giờ chiều, bất chấp cái nắng gắt, dòng người đã kiên nhẫn đổ về các tuyến đường trung tâm như Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur… để có vị trí đẹp xem đêm sơ duyệt diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước – sự kiện chào mừng 50 năm thống nhất đất nước.

Khắp nơi là sắc đỏ rực của cờ Tổ quốc. Người dân tay cầm cờ hoa, đeo băng rôn, mang theo cả nước uống và đồ ăn nhẹ để chờ suốt nhiều tiếng đồng hồ.

Các bãi giữ xe chật kín. Bên dưới nhà ga metro Bến Thành, đoàn tàu vẫn liên tục tấp nập đưa người dân vào trung tâm. Tất cả cùng hội tụ cho một đêm không chỉ hoành tráng về quy mô, mà còn sâu sắc về cảm xúc.

Các chiến sĩ hiên ngang dưới mưa. Ảnh: TRẦN HUẤN

Các chiến sĩ hiên ngang dưới mưa. Ảnh: TRẦN HUẤN

Chị Đơn Thụy Đan Thùy (quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Mấy hôm nay tôi đã trông ngóng sự kiện này, nhất là vì muốn đưa con trai – năm nay học lớp 11 – đi xem cùng.

Biết sẽ đông, biết có thể mệt, nhưng không ngờ không khí lại rộn ràng đến vậy. Khi hai mẹ con đến nơi, dù đã dầm mưa nhưng mọi mệt mỏi dường như tan biến. Chúng tôi chỉ thấy vui và xúc động”.

Còn vợ chồng anh chị Thanh – Sương (ngụ tại quận 7) thì tâm sự: “Trời nắng rồi lại mưa lớn, nhưng không ai bỏ về. Mọi người đứng sát bên nhau, ai cũng trò chuyện, dù không quen cũng bắt chuyện được.

Cảm giác như mình đang dự một sự kiện trọng đại – không phải trên tivi, mà là giữa đời thực, giữa phố phường mình vẫn đi qua mỗi ngày”.

Bạn Trần Gia Hưng, sinh viên năm 3, cùng nhóm bạn Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nói với nụ cười rạng rỡ: “Không khí vui cực, giống như đi xem ca nhạc lớn vậy. Ai cũng cầm cờ, mặc áo cờ đỏ sao vàng.

Mình bảo đùa với bạn là đang đi 'concert quốc gia' – nơi mà mỗi người dân đều là khán giả và cũng là một phần của lịch sử”.

Không khí rạo rực ấy không chỉ gói gọn trong sự háo hức chờ đợi. Mỗi bước diễu hành, mỗi đội hình rầm rập đi qua là một hình ảnh gợi nhớ về quá khứ hào hùng. Là nhắc nhớ về biết bao lớp người đã ngã xuống để đất nước có ngày thống nhất.

Và trong thời khắc tưởng như giản dị của một đêm sơ duyệt, lại là cơ hội để người dân trực tiếp hòa mình vào dòng chảy lịch sử, cảm nhận được sự thiêng liêng của độc lập, sự trân quý của hòa bình.

Bất chấp mưa lớn, người dân vẫn không rời đi, mọi người chia sẻ nhau và cùng vỗ tay, hò reo khi đoàn diễu hành đi ngang. Ảnh: TRẦN HUẤN

Bất chấp mưa lớn, người dân vẫn không rời đi, mọi người chia sẻ nhau và cùng vỗ tay, hò reo khi đoàn diễu hành đi ngang. Ảnh: TRẦN HUẤN

Sự kiện tối 25.4 đã tạo nên một “sân khấu” đặc biệt giữa lòng thành phố. Không đèn sân khấu, không âm thanh điện tử, nhưng từng bước chân của các lực lượng diễu hành, từng lá cờ phấp phới, từng giọt mưa rơi…như một bản giao hưởng hoành tráng mà người dân là những nhân vật chính.

Điều kỳ diệu là: bất chấp thời tiết, người dân vẫn không rời đi. Bất chấp mưa lớn, mọi người vẫn đứng bên nhau, che ô, lấy áo mưa chia sẻ nhau, và cùng vỗ tay, hò reo khi đoàn diễu hành đi ngang.

Những hình ảnh ấy thật giản dị, nhưng lại vô cùng đẹp đẽ – đẹp bởi tinh thần dân tộc, bởi tình người, và bởi một niềm tự hào chung không thể gọi tên.

Chương trình sơ duyệt diễu binh, diễu hành là một dịp đặc biệt mang ý nghĩa vượt xa khuôn khổ của một buổi tổng duyệt nghi thức cấp quốc gia.

Đó là một “điểm hẹn” tinh thần, nơi người dân Thành phố mang tên Bác – từ cụ già đến em nhỏ, cùng nhau sống trọn với niềm tự hào dân tộc, với ký ức lịch sử và khát vọng đoàn kết, hòa bình.

Vậy nên, câu nói “Cảm giác như đi dự concert quốc gia!” tuy giản dị và dí dỏm, nhưng lại gói trọn cảm xúc của biết bao người cùng chung niềm vui rộn ràng, sự xúc động lan tỏa và một kỷ niệm mà ai từng có mặt hẳn sẽ ghi nhớ thật lâu.

THÙY TRANG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/concert-quoc-gia-giua-trung-tam-tphcm-129574.html
Zalo