Văn Lãng: Cây hồi nay đã tỏa hương

Những năm gần đây, các cấp, ngành của huyện Văn Lãng đã hỗ trợ người dân cây giống, hướng dẫn về khoa học kỹ thuật nhằm phát triển diện tích trồng và nâng cao năng suất, sản lượng hồi trên địa bàn.

Người dân trên địa bàn xã Hoàng Văn Thụ chăm sóc rừng hồi

Người dân trên địa bàn xã Hoàng Văn Thụ chăm sóc rừng hồi

Hồi là loại cây có giá trị cao, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, những năm trước đây, người dân trên địa bàn huyện Văn Lãng chủ yếu trồng hồi theo phương pháp truyền thống; chưa chú trọng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Điều này khiến năng suất hồi trên địa bàn trước đây đạt thấp, chỉ khoảng 2 - 2,5 tấn/ha.

Bà Lô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng phòng NN&MT huyện Văn Lãng cho biết: Trước thực tế trên, những năm qua, phòng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồi cho người dân. Bên cạnh đó, hằng năm, đơn vị đều tiến hành rà soát nhu cầu trồng mới của các hộ trên địa bàn để hỗ trợ cây giống đảm bảo về chất lượng. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tại địa bàn một số xã triển khai mô hình trồng hồi theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng hồi hữu cơ, qua đó, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của bà con và nâng cao giá trị từ cây hồi.

Theo đó, từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, Phòng NN&MT huyện Văn Lãng phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức từ 5 đến 10 lớp tập huấn cho người dân trồng hồi trên địa bàn. Trong đó, các đơn vị tập trung hướng dẫn người dân trồng hồi theo mật độ tiêu chuẩn, chú trọng các khâu như bón phân, giữ ẩm cho cây phát triển tốt. Đồng thời, mỗi năm, từ nguồn ngân sách huyện và các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội, các đơn vị còn cung ứng miễn phí cây giống cho người dân với tổng diện tích trồng khoảng 50 - 60 ha, qua đây khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng hồi để phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, Phòng NN&MT thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện theo dõi tình hình các loại sâu bệnh hại cây hồi như: thán thư; bọ ánh kim... nhằm kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn người dân phòng trừ. Nhờ vậy, từ năm 2020 đến nay, địa bàn không xảy ra tình trạng sâu bệnh hại bùng phát thành dịch trên diện tích hồi của bà con.

Cùng các giải pháp của cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn ngày càng chú trọng phát triển diện tích hồi trên địa bàn. Điển hình như tại xã có diện tích hồi lớn thứ 2 toàn huyện là xã Hoàng Văn Thụ. Hiện nay, xã có trên 700 ha hồi, phân bổ tại 10/10 thôn, trong đó có 562 ha cho thu hoạch. Bà Hoàng Hồng Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: hồi là cây chủ lực của xã. Từ năm 2020 đến nay, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn cung ứng đến bà con khoảng 20.000 - 30.000 cây hồi giống mỗi năm dựa trên nhu cầu đăng ký. Để đảm bảo việc phát triển diện tích trồng mới đạt hiệu quả, hằng năm, UBND xã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 2 lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật canh tác cây hồi. Đến nay, diện tích hồi trên địa bàn phát triển ổn định, sản lượng hồi năm 2024 đạt trên 2.400 tấn, năng suất đạt 4,3 tấn/ha, tăng hơn 30% so với trước đây.

Ông Lương Văn Mới, thôn Thuận Lợi, xã Hoàng Văn Thụ cho biết: Gia đình tôi có 3 ha hồi, trong đó khoảng 1 ha đã cho thu hoạch. Những năm qua, gia đình được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ khoảng 100 - 200 cây giống mỗi năm (giá từ 4.000 - 6.000 đồng/cây). Đồng thời, thường xuyên được hướng dẫn, tuyên truyền kỹ thuật chăm sóc hồi. Vì vậy, khác với trước đây để cây hồi tự lớn, gia đình đã chủ động bón phân hữu cơ cho cây từ 4 đến 5 lần/năm. Cùng đó, thường xuyên thăm rừng và tỉa thưa để đảm bảo mật độ trồng, giúp cây phát triển, sinh trưởng tốt. Hiện tại, mỗi năm gia đình thu trên 1 tấn hồi, tăng khoảng 500kg so với trước đây.

Ngoài xã Hoàng Văn Thụ, theo thống kê của Phòng NN&MT huyện Văn Lãng, hiện nay, toàn huyện có gần 4.100 ha hồi tập trung tại các xã: Hội Hoan; Nhạc Kỳ; Thanh Long; Hồng Thái; Gia Miễn,... Trong đó, diện tích cho thu hoạch là trên 2.800 ha. Nhờ người dân tập trung chăm sóc theo đúng kỹ thuật, diện tích hồi trên địa bàn sinh trưởng và phát triển ổn định, năng suất bình quân năm 2024 đạt 3,5 tấn/ha, tăng khoảng 1,5 tấn/ha so với năm 2020; sản lượng hồi tươi của huyện năm 2024 đạt khoảng 10.000 tấn, tăng 30% so với năm 2020; giá trị mang lại trên 200 tỷ đồng.

Theo bà Lô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng phòng NN&MT huyện Văn Lãng, hiện nay, diện tích hồi trên địa bàn ngày càng mở rộng, năng suất cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, các mô hình trồng hồi theo hướng VietGAP, hồi hữu cơ còn khá hạn chế (hơn 20 ha). Do đó, trong thời gian tới, Phòng NN&MT sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai các kế hoạch phát triển các mô hình trên với diện tích dự kiến khoảng 20 ha đối với mỗi mô hình. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác tập huấn, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người dân để đưa cây hồi trở thành loại cây chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế.

GIA KHÁNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-lang-nang-cao-gia-tri-cay-hoi-5044718.html
Zalo