Vận hội mới cho kinh tế tập thể

Ðể thúc đẩy kinh tế tập thể (KTTT) phát triển nhanh, bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Quyết định số 2406/QÐ-UBND ban hành Ðề án Phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2025-2030 (Ðề án). Với những mục tiêu, giải pháp đề ra, Ðề án được kỳ vọng sẽ mở ra vận hội mới cho KTTT của tỉnh đột phá trong thời gian tới.

Liên kết, hợp tác để cùng nhau sản xuất, mua chung, bán chung... là mục tiêu định hướng phát triển KTTT từ nay đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Nhận diện những điểm nghẽn

Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều bước phát triển đáng kể, song các loại hình KTTT trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát huy đúng tiềm năng, thế mạnh vốn có, nhất là lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa thể hiện đầy đủ vai trò, vị trí chủ lực của mình trong xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Những hạn chế đang tồn tại trong lĩnh vực KTTT của tỉnh đã được nhìn nhận như: các hợp tác xã (HTX) vẫn còn rất nhỏ về quy mô và yếu cả về chất lượng, nhất là khả năng tài chính; công nghệ, kỹ thuật và quy mô hoạt động nhỏ; năng lực cạnh tranh còn thấp; tính hợp tác, tương trợ cùng giúp nhau và tham gia phát triển cộng đồng không mạnh; chất lượng quản lý, hiệu quả hoạt động chưa cao...

Hay như có đến 59,7% HTX trên địa bàn tỉnh chưa bao giờ xuất hóa đơn VAT, chỉ có khoảng 24% HTX xuất được hóa đơn VAT khấu trừ (VAT cho doanh nghiệp) và 16,2% thuế VAT trực tiếp. Hoặc thời gian qua, ngành tôm nuôi cũng chỉ mới liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được khoảng 28.763 ha, chiếm 10,3% diện tích toàn tỉnh. Ngành hàng lúa gạo có 44 liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với diện tích 7.135,7 ha, tổng sản lượng liên kết khoảng 32.738 tấn. Ngoài ra, ngành hàng gỗ có 2 liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với diện tích 128 ha, chiếm 3,1% diện tích khai thác của toàn tỉnh. Riêng đối với con cua hiện nay, người nuôi cua trên địa bàn tỉnh chủ yếu bán cho thương lái.

Bên cạnh đó là một số tồn tại trong triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến thu hút cán bộ, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho HTX... Chung quy, đa phần hoạt động của HTX còn manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm làm ra ít, không đảm bảo chất lượng đồng đều; chưa tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất, tính bền vững không cao; còn hạn chế trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,...

Ứng dụng sản phẩm sinh học trong quá trình sản xuất đã giúp nhiều sản phẩm của người dân xã Trí Lực đạt được các chứng nhận sạch, hữu cơ.

Ứng dụng sản phẩm sinh học trong quá trình sản xuất đã giúp nhiều sản phẩm của người dân xã Trí Lực đạt được các chứng nhận sạch, hữu cơ.

Kỳ vọng từ những bước đi mới

Theo đó, Ðề án phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2025-2030 nhằm mục tiêu phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh gắn với thị trường, gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP... hiệu quả và bền vững. Xây dựng KTTT và HTX thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của KTTT, thu hút nhiều nông dân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp cá nhân và nhiều tổ chức cùng tham gia; nâng cao năng lực của các tổ chức KTTT và HTX nhằm phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác và hỗ trợ thành viên; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên và cho cả cộng đồng.

Cụ thể, Ðề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030 xây dựng 5 mô hình HTX lớn có từ 500 thành viên; 27 mô hình HTX trung bình có từ 100-500 thành viên (mỗi huyện 3 HTX). Tăng số lượng bình quân thành viên mỗi HTX toàn tỉnh đạt 30 thành viên năm 2025, đạt 50 thành viên vào năm 2027 và 70 thành viên vào năm 2030. Tăng vốn điều lệ thực góp bình quân toàn tỉnh thêm 200 triệu đồng/HTX đến năm 2027 và thêm 200 triệu đồng/HTX vào năm 2030. Hỗ trợ tăng tỷ lệ HTX có trụ sở làm việc lên 50% năm 2027 và 70% năm 2030. Hỗ trợ HTX có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp đạt 30% đến năm 2027 và 50% đến năm 2030. Hỗ trợ HTX thực hiện dịch vụ mua chung và dịch vụ bán chung đạt 30% đến năm 2027 và 50% đến năm 2030.

Một trong những bước đi quan trọng trong triển khai thực hiện Ðề án là vào ngày 28/12/2024 vừa qua, hội nghị thành lập HTX nông nghiệp Trí Lực, ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, đã được tổ chức thành công. HTX nông nghiệp Trí Lực có hơn 539 thành viên, cùng nhau tham gia với nhiều sản phẩm dịch vụ như: sản xuất, kinh doanh dịch vụ liên kết tiêu thụ nông sản (lúa, tôm, cua, cá...); dịch vụ liên kết mua chung vật tư sản xuất; dịch vụ liên kết tổ chức sản xuất; dịch vụ liên kết cung cấp giống và cả lĩnh vực phi nông nghiệp như dịch vụ du lịch học đường, cộng đồng và dịch vụ đời sống: bán gạo ăn.

Sản phẩm tôm càng xanh là thế mạnh của xã Trí Lực cũng như của huyện Thới Bình, được người dân duy trì sản xuất nhiều năm nay.

Sản phẩm tôm càng xanh là thế mạnh của xã Trí Lực cũng như của huyện Thới Bình, được người dân duy trì sản xuất nhiều năm nay.

Tham dự và phát biểu tại hội nghị này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại khẳng định, trong xu thế hiện nay, phương thức làm ăn nhỏ lẻ không còn phù hợp, phải chuyển đổi sang mô hình hợp tác, mà nòng cốt là HTX. Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm phát triển KTTT, trong đó đã tổ chức hội nghị quy mô lớn với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố và cả các chuyên gia, trước tiên là đổi mới tư duy về HTX, để từ đó vận động đông đảo người dân cùng tham gia, tiến tới sản xuất quy mô lớn, hàng hóa và cùng chia sẻ lợi ích.

Theo ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết, không riêng HTX nông nghiệp Trí Lực, thời gian tới huyện tiếp tục hỗ trợ để phát triển KTTT. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để các HTX có cơ hội thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh giao thương, gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội liên kết, hợp tác mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Kết nối cung, cầu nhằm hướng đến mục tiêu liên kết tiêu thụ hàng nông sản, định hướng đầu tư sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường... Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào quá trình điều hành sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản. Phát triển HTX gắn với sản phẩm OCOP của địa phương nhằm gia tăng sức cạnh tranh trên thương trường, mang lại lợi ích cao nhất cho bà con nông dân.

Có thể thấy, việc ban hành Ðề án lần này thể hiện rõ quyết tâm của tỉnh nhằm tạo sự đột phá cho KTTT trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, cạnh tranh, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Từ đó, không chỉ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thành viên và cộng đồng trong khu vực, mà còn góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ðể đạt được các mục tiêu đề ra, Ðề án xác định rõ nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ từ nay đến năm 2030 là trên 609,5 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 129 tỷ đồng vốn lồng ghép từ ngân sách Trung ương hỗ trợ, hơn 406,9 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và khoảng 73,6 tỷ đồng vốn HTX, doanh nghiệp và nguồn vốn hợp pháp khác.

Nguyễn Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/van-hoi-moi-cho-kinh-te-tap-the-a36607.html
Zalo